Ngay cả khi không tham gia hay chứng kiến những tranh luận sôi nổi về bộ phim Đất rừng phương Nam, không quá bận tâm về kết quả của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, và ngay cả khi không dành ba tiếng đồng hồ để xem Bên trong vỏ kén vàng, tác phẩm đoạt giải Camera Vàng ở LHP Cannes 2023, công chúng khán giả chắc cũng hình dung được phần nào đời sống điện ảnh Việt Nam năm nay vẫn như các năm trước, nghĩa là lặp lại mấy đặc tính: luôn có vài bộ phim đoạt doanh thu phòng vé hàng trăm tỉ, luôn có nhiều phim nhàn nhạt chẳng biết khen chê đánh giá thế nào cho dễ nghe, và, đáng chú ý hơn, vẫn luôn xuất hiện phim gây tranh cãi, thậm chí rùm beng, rồi lại chìm vào lặng lẽ.
Cuộc chiến phòng véDấu hiệu lành mạnh của điện ảnh Việt Nam mấy năm qua, theo tôi, là đã có dòng phim tạo sức hút thị trường rất lớn, lập kỉ lục doanh thu phòng vé và nhờ đó, gây niềm tin về sự manh nha của nền công nghiệp điện ảnh nước nhà.
Khác với nỗi lo lắng của một số người rằng điện ảnh Việt Nam gần đây chỉ nhăm nhăm tăng doanh thu phòng vé mà thờ ơ đầu tư chất lượng nghệ thuật, tôi lại nghĩ, chính các hiện tượng phòng vé này mới gây dựng sức sống cần có của điện ảnh, ít nhất trên phương diện duy trì được số phim sản xuất mỗi năm, số nhà làm phim không bỏ cuộc và số lượng khán giả yêu thích, ủng hộ điện ảnh nội địa.
Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành) cán mốc 459 tỷ đồng,
Lật mặt 6 (Lý Hải) thu về 273 tỷ đồng,
Đất rừng phương Nam (Nguyễn Quang Dũng) có 140 tỷ đồng,
Siêu lừa gặp siêu lầy (Võ Thanh Hòa) và
Chị chị em em 2 (Vũ Ngọc Đãng) cùng đạt 121 tỷ đồng. Ngay cả
Người vợ cuối cùng (Victor Vũ), chiếu dịp cuối năm, không phải là mùa cao điểm của điện ảnh, cũng vượt 100 tỷ đồng phòng vé.
Sáu bộ phim kể trên chiếm 35% trong số 3.449 tỷ đồng tổng doanh thu phòng vé Việt năm qua, theo Box Office Vietnam, đơn vị quan sát phòng vé độc lập. Có thể nói, những con số “tiền tươi thóc thật” này, so với tình hình kinh tế có nhiều khó khăn năm qua, cho thấy tiềm lực rất lớn của thị trường điện ảnh Việt Nam. Thực tế, nhiều nhà sản xuất phim cũng đang tranh thủ sức nóng của thị trường này để đầu tư và “chốt lời”, đặc biệt để có thể tiến tới giấc mơ ngàn tỷ đồng doanh thu một phim.
Tuy nhiên, trong tổng số 25 phim điện ảnh Việt chiếu rạp năm 2023, vẫn còn nhiều tác phẩm chịu cảnh hẩm hiu như
Fanti (Andy Nguyễn) 1,8 tỷ đồng,
Live: Phát trực tiếp (Khương Ngọc) 2 tỷ đồng,
Bến phà xác sống (Nguyễn Thành Nam) 4 tỷ,
Giao lộ 8675 (Tân DS) 2,4 tỷ đồng… Ra rạp, như thế, cũng là phép thử có phần khắc nghiệt đối với các nhà sản xuất, với ê-kíp làm phim, bởi họ không chỉ bị thua lỗ mà còn hứng chịu sự chỉ trích, phê phán từ khán giả.
Cuộc chiến phòng vé đã khiến điện ảnh Việt cùng lúc nỗ lực đi hai con đường mà tôi cho là đối ngược nhau. Trước tiên, các nhà làm phim vẫn phải dựa hơi vào danh tiếng ngôi sao, vẫn phải nêm nếm cảnh nóng và gia giảm cảnh sắc du lịch trong từng thước phim. Ngôi sao, bất luận thế nào, được ưu tiên lựa chọn thay vì năng lực diễn xuất.
Chị chị em em 2 có người mẫu Ngọc Trinh thì
Live: Phát trực tiếp phải có hotgirl Ngân 98. Cái gọi là “cảnh nóng” trong các phim như
Chị chị em em 2,
Người vợ cuối cùng,
Fanti,
Chiếm đoạt (Thắng Vũ),
Người mặt trời (Timothy Linh Bùi), không khác với mươi năm trước, cũng chỉ loanh quanh những khuôn hình phô phang da thịt người nữ. Trong một bối cảnh mà khán giả Việt đã không còn xa lạ với những sản phẩm gợi tình nhất, nhiều nhà làm phim vẫn nhất quyết lấy cảnh nóng để mời gọi và tin rằng, chỉ như vậy mới tạo phép màu phòng vé! Nhưng có lẽ họ đã nhầm, bởi dù dán nhãn 18+, người xem vẫn ngán ngẩm lẫn bất bình vì sự dung tục, phản cảm của nó hơn là tò mò, thích thú. Tôi nghĩ, vấn đề không phải là khán giả tỏ ra đạo đức đến mức tẩy chay “cảnh nóng” mà ở chỗ, chính khán giả cảm thấy bị xem thường bởi lối tư duy làm phim mồi chài “cảnh nóng” của đạo diễn Việt!
Chiêu thức thứ hai, có phần thử thách và gần đây được chú ý hơn, là nỗ lực đa dạng thể loại phim. Danh mục thể loại phim Việt chiếu rạp không còn duy nhất hài-lãng mạn (rom-com), cũng không chỉ dựa vào thế mạnh phim chiến tranh, phim hành động. Vài năm trở lại đây, giới làm phim bắt đầu mạnh tay làm phim kinh dị và biến thể của nó như phim về xác sống, ma cà rồng, phim hành trình, phim cổ trang. Sự đa dạng thể loại phim cho thấy mức độ học hỏi, tiếp thu kĩ thuật công nghệ làm phim. Tuy nhiên, để theo đuổi được một số thể loại khó như kinh dị, hành động, lịch sử - cổ trang thì chỉ nỗ lực, ý muốn của nhà làm phim là không đủ. Chúng ta đang thiếu đầu tư vào công nghệ phim cũng như một trường quay phim lớn có thể đáp ứng điều kiện kĩ thuật dàn cảnh cho các phim cổ trang, lịch sử.
Tiếp tục chờ đợiTại LHP Việt Nam lần thứ 23 diễn ra vào tháng 11/2023 tại Đà Lạt,
Tro tàn rực rỡ (2022, Bùi Thạc Chuyên) gặt hái hai giải thưởng quan trọng - phim Hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất - trong khi
Đất rừng phương Nam, bộ phim từng là tâm điểm dư luận, lại “trắng tay”, không đoạt bất kì giải nào! Công chúng yêu thích
Đất rừng phương Nam, một lần nữa, lại lên tiếng về kết quả mà họ cho là bất công này. Nhiều người muốn ghi nhận thành công phòng vé của
Đất rừng phương Nam nhưng giải thưởng điện ảnh quốc gia lại không cùng tâm ý!
Thất bại của
Đất rừng phương Nam tại LHP Việt Nam lần thứ 23, theo tôi, có thể hiểu được nếu chiểu theo các phẩm tính nghệ thuật điện ảnh. Cố gắng tái hiện cảnh quan và sinh hoạt miền Tây thời thuộc địa,
Đất rừng phương Nam đã chọn lựa, đầu tư dàn dựng nhiều cảnh phim sinh động, mang tính đặc trưng vùng miền. Phim còn làm bật nổi tinh thần liên kết kháng Pháp của người dân và các hội kín như một cách để khẳng định chí khí hiệp nghĩa nơi vùng đất miền Tây sông nước. Nhưng cũng như một số phim khác,
Đất rừng phương Nam vẫn có nhiều trường đoạn không khác một sản phẩm video du lịch, chẳng hạn cảnh nhân vật Út Lục Lâm cõng bé An đi dưới mưa, với ánh nắng bình minh vàng ươm phụ họa. Những cảnh đường làng tre xanh rợp mát, cảnh hồ sen hồng xinh xắn, cảnh An và bé Xinh thủ thỉ tâm tình dưới bóng trăng,... dường như càng tô đậm tính chất của chuyến đi dã ngoại hơn là một phiêu lưu tìm cha trong thời nhiễu nhương giặc giã! Đạo diễn cũng không quên dàn những cảnh hành động nhang nhác phim võ thuật Hoa ngữ, nhất là phải đánh nhau trong mưa, như để chứng minh đánh đấm trong mưa sẽ bắt mắt hơn những gì khán giả tưởng tượng được. Rút cuộc, phương Nam trên màn ảnh chủ yếu đọng lại dư vị hài hước của chuyện tiếu lâm, chuyện trai giả gái, chuyện đi vệ sinh và cả chuyện mưu mô khó ngờ của me Tây chỉ điểm.
Với nhiều khán giả,
Bên trong vỏ kén vàng dường như là phim truyện nghệ thuật nổi bật nhất năm 2023. Một bộ phim kéo dài ba tiếng, được chủ ý làm theo phong cách điện ảnh chậm (slow cinema), thể hiện một cách tìm kiếm và kể chuyện tương đối phức tạp của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Anh không ngần ngại kéo dài các cảnh quay, làm chậm nhịp điệu và tiết tấu chuyện phim, cũng chủ ý dẫn dắt chuyện phim theo mạch cảm xúc, nhận thức của nhân vật hơn là theo nguyên tắc nguyên nhân – kết quả của kiểu tự sự Hollywood. Vì thế,
Bên trong vỏ kén vàng thử thách sự kiên nhẫn theo dõi của khán giả Việt, càng không thể thỏa mãn tức thời nhu cầu hiểu hết các lớp nghĩa chuyện phim. Nhưng tôi nghĩ, bộ phim thật sự vẫn chưa phải là kiểu điện ảnh chậm đúng nghĩa. Ba tiếng đồng hồ, hay nhiều hơn thế, không hề là ghê gớm trong lịch sử điện ảnh, thậm chí có nhà làm phim như đạo diễn người Philipines Lav Diaz từng làm những phim dài từ 5 đến 10 tiếng đồng hồ. Vấn đề của
Bên trong vỏ kén vàng, theo tôi, là có nhiều chi tiết khá vụn, rối và mờ nhạt về ẩn nghĩa nhưng được kéo dài và dùng chúng để lắp đầy một câu chuyện đôi khi lan man. Tôi không nghĩ mọi chuyện phim cần phải rõ ràng, nhưng sự rõ ràng trong cách kể, trong việc sắp xếp và chọn lọc chi tiết, tình huống lại cần thiết với một bộ phim dung lượng dài. Nếu chỉ đơn thuần kéo dài một tình huống và chêm xen thêm các chi tiết mờ ảo, siêu thực thì vẫn còn đó cảm giác nặng nề, có phần mệt mỏi khi phải xem hết bộ phim và tìm cách diễn giải nó. Đặt cạnh một số phim của đạo diễn trẻ như
Vợ ba (2018, Nguyễn Phương Anh),
Miền ký ức (2021, Bùi Kim Quy),
Em và Trịnh (2022, Phan Gia Nhật Linh),
Bên trong vỏ kén vàng có thể gây ấn tượng khác biệt về ngôn ngữ điện ảnh. Nhưng nhìn chung, sự khác biệt ấy chỉ là so với điện ảnh Việt Nam, trong bối cảnh khán giả cũng chưa phải tường tận quá mức sự khác biệt là thế nào và có ý nghĩa gì.
Hai trường hợp này phần nào chứng tỏ điện ảnh Việt Nam, mươi năm qua, vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm một phong vị lẫn vị thế của mình, từ trong nước đến quốc tế. Nhưng những tác phẩm điện ảnh có thể chinh phục người xem một cách trọn vẹn có lẽ vẫn cần thêm sự kiên nhẫn chờ đợi./.