Họ đến, nói với thế giới những vấn đề toàn cầu, và chinh phục nhiều khối óc cùng trái tim.

Năm 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, cũng là lần đầu tiên Diễn đàn mở rộng sân khấu cho các đại diện tuổi teen xuất hiện ở "tuyến đầu" vì một hành tinh và tương lai tốt đẹp hơn của 7,7 tỷ người.

Dưới đây là những gì họ đã nói với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.

Greta Thunberg


Nhà hoạt động vì môi trường 17 tuổi người Thụy Điển mở đầu bài phát biểu bằng việc yêu cầu tất cả khách tham dự từ doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức và chính phủ dừng ngay lập tức các khoản đầu tư thăm dò và khai thác nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng tôi không muốn những mục tiêu này hoàn thành vào năm 2050, 2030 hay thậm chí 2021, mà là ngay bây giờ”.

“Nghe có vẻ như chúng tôi đòi hỏi rất nhiều, và dĩ nhiên mọi người sẽ nói rằng chúng tôi thật ngây thơ. Nhưng đây chỉ là những nỗ lực cần thiết tối thiểu để bắt đầu quá trình chuyển đổi bền vững nhanh chóng.”

“Các vị phải làm điều đó hoặc sẽ phải phân trần với con cháu mình rằng tại sao các vị lại từ bỏ mục tiêu 1,5 độ”

“Tôi ở đây để nói rằng, không như các vị, thế hệ chúng tôi sẽ không từ bỏ mà không có bất kì cuộc chiến nào.”

“Mái nhà chung của chúng ta vẫn đang cháy. Mỗi giờ các vị bình chân sẽ càng đổ thêm dầu vào đám lửa đó. Chúng tôi vẫn nói các vị phải hốt hoảng lên và phải hành động như là các vị yêu quý con trẻ của mình hơn tất cả mọi điều.”

Naomi Wadler


Nhà hoạt động về vấn đề bạo lực súng đạn và phân biệt đối xử với các bé gái người Mỹ gốc Phi 13 tuổi là đại biểu trẻ tuổi nhất ở Diễn đàn Davos năm nay.

Cô bé nói: “Chúng ta có thể giáo dục giới trẻ tốt hơn... Chúng ta đã không chịu khó đào sâu vào những phong trào đòi công bằng xã hội trước đây..."

“Chúng ta cần phải đắm mình trong những hoạt động xã hội và các quan điểm đa dạng. Nếu chỉ dạy đứa trẻ về một cách sống, về những nhà khoa học và chính trị gia da trắng, thì chúng sẽ chẳng thể lớn lên mà tôn trọng các nhà khoa học và chính trị gia da đen…”

"Rất nhiều người trẻ nghĩ rằng họ không có quyền lực và chẳng thể kiểm soát những chuyện xảy ra xung quanh mình. [Nhưng] chúng ta có thể chọn người để bầu lên và chính chúng ta cũng có thể trở thành người chạy đua vào các vị trí. Tôi muốn thấy mọi người làm nhiều hơn và nói ít đi.”

Cuối chương trình, Wadler cũng đề cập việc các nhà vận động trẻ cần chăm sóc tinh thần của mình. "Rất nhiều bạn hoạt động tập trung vào việc cứu thế giới và gánh trách nhiệm trên lưng, nhưng cũng cần nhìn lại bản thân mình trước và đảm bảo rằng chúng ta vẫn ổn thỏa. Chúng ta sẽ chẳng thể khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn nếu ta không tự chăm sóc bản thân mình.”

Mohamad Al Jounde


Năm 2013, thoát khỏi Syria đến Lebanon, cậu bé Mohamad mới 12 tuổi. Chỉ sau 6 tháng, cậu đã cùng bạn bè dựng nên một ngôi trường cho những người tị nạn và từ đó giúp hơn 7.000 học sinh định cư và hòa nhập ở đất nước mới.

Cậu kêu gọi mọi người nghĩ về tất cả vấn đề của thế giới, không chỉ tập trung vào biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng, tôi nhận ra điều đó. Nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người và ta cần phải giải quyết nó. Nhưng vấn đề là, nếu chúng ta tập trung vào một vấn đề cụ thể đó và để những vấn đề khác như giáo dục, bình đẳng và sức khỏe bị lãng quên thì phần còn lại của thế giới sẽ không thể tham gia vào cuộc chiến biến đổi khí hậu được.”

Gary Bencheghib

Chàng trai 24 tuổi Gary và em trai Sam lớn lên ở Bali, Indonesia, đã chèo thuyền làm từ chai nhựa dọc theo một số con sông ô nhiễm nhất thế giới để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề rác thải nhựa đại dương.

Gary Bencheghib tại Davos 2020
Gary Bencheghib tại Davos 2020

Cậu nói rằng: “Từ lúc tôi bắt đầu bài phát biểu này, hơn 200 mét khối nhựa ô nhiễm đã xâm nhập vào đại dương. Số mảnh nhựa trên đại dương của chúng ta đã lớn gấp hơn 500 lần số ngôi sao trong thiên hà.”

“Sự thật là chưa có lúc nào cần hành động hơn bây giờ.”

Melati Wijsen


Theo Melati, cô gái 19 tuổi đã giúp Bali đạt được lệnh cấm đối với túi nhựa, thì những năm 2020 phải là một thập kỷ hành động.

“Chúng ta cần phải thoát ra khỏi ra vùng thoải mái của chính mình, chúng ta phải hành động theo Thỏa thuận Paris mà không để bất kỳ lỗ hổng nào cho chính quyền. Và khu vực tư nhân, các vị hãy móc sâu vào túi tiền, vào ngân sách của mình, để mỗi sáng quý vị có thể thức dậy và biết rằng mình đã làm nhiều hơn những gì quy trình vận hành tiêu chuẩn đề ra."

Trong phiên thảo luận về vấn đề thoát khỏi sử dụng đồ nhựa, những lời của của Wijsen đã truyền cảm hứng đến nỗi cựu Phó chủ tịch Al Gore – một nhân vật có tiếng nói tạo ảnh hưởng lớn về môi trường - phải bật thốt lên: “Tiến lên cô gái.”

"Chúng ta đã thực sự làm đủ chưa? Đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu tích tắc. Không cần phải đợi đến năm 2050, mọi người cần những mục tiêu mạnh mẽ hơn," Wijsen phát biểu.

Fionn Ferreira

Hồi học trung học ở Ireland, trong một cuộc phiêu lưu chèo thuyền kayak quanh bờ biển, Fionn đã tận mắt chứng kiến những tác động của ô nhiễm vi nhựa đối với môi trường.

Lúc 18 tuổi, ngay trên ghế nhà trường, cậu đã phát minh ra một phương pháp mới trích xuất vi hạt từ nước bằng cách sử dụng một loại dung dịch sắt từ (ferrofluid) của riêng mình. Fionn cho biết bản thân cậu coi phát minh này gần như là thành quả phụ của quá trình mày mò nghịch vui. “Không cần phải thấy mục tiêu cuối ngay trước mắt, chúng ta chỉ cần chơi và vui vẻ - rồi đổi mới sáng tạo sẽ tự xuất hiện một cách rất tự nhiên.”

Fionn Ferreira tại Davos 2020
Fionn Ferreira tại Davos 2020

“Cấm các loại đồ nhựa hay túi nylon cũng chỉ có tác dụng nhất định, rất nhiều thay đổi phải đến từ khám phá của những nhà sáng tạo. Thực sự, đổi mới sáng tạo có thể đóng vai trò to lớn", cậu nói.

"Chúng ta nên đầu tư vào thế hệ trẻ hơn trong khoa học. Để khám phá ra điều gì cũng cần có thời gian. Nếu chúng ta làm như vậy, mọi người sẽ bắt đầu sớm hơn và có thể khiến họ nảy ra những ý tưởng mới mẻ.”

Salvador Gómez-Colón


Salvador cho biết những nhà hoạt động trẻ tuổi không chỉ nói về những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ mà còn đang hành động. Ở tuổi 14, cậu đã thiết lập chiến dịch “Ánh sáng và Hi vọng cho Puerto Rico” để phân phối đèn chạy bằng năng lượng mặt trời và máy giặt tay khi cơn bão Maria tàn phá đất nước này vào năm 2017.

“Chúng ta không chờ 5, 10 hay 20 năm để làm những việc mình muốn thấy. Chúng ta không phải là tương lai của thế giới, chúng ta là hiện tại của thế giới và chúng ta đang hành động ngay bây giờ. Không thể chờ đợi thêm nữa.”

Natasha Mwansa


Cô gái Mwansa 18 tuổi nhận được tràng pháo tay giòn giã khi so sánh các nhà hoạt động xã hội trẻ với thế hệ lớn tuổi hơn.

“Những người lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm, nhưng chúng tôi có ý tưởng, năng lượng, và giải pháp cho những vấn đề hiện tại và sẽ xảy đến… cho nên chúng ta cần hợp sức lại với nhau.”

“Chúng ta không muốn khiến họ [chính phủ, tổ chức, người cầm quyền…] cảm thấy bị hăm dọa quá mức… chúng ta có thể dùng sức mạnh của họ, thúc đẩy chương trình nghị sự của chúng ta, nhưng sau đó sẽ là cộng tác giữa hai bên. Chúng ta không chỉ muốn nói với mọi người những gì ta muốn xảy ra, mà còn muốn trở thành người tham gia vào làm từ đầu đến cuối."

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2020 diễn ra từ 21-24/1 tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ, với chủ đề "Stakeholders for a Cohesive and Sustainable World" (tạm dịch là "Các bên tham gia vì một thế giới gắn kết và bền vững").

Hội nghị thu hút gần 3.000 đại biểu đến từ 117 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, các chủ tịch và giám đốc điều hành của 1.000 công ty đối tác và thành viên.

Một số gương mặt có tầm ảnh hưởng tại WEF 2020 như Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima, Chủ tịch ngân hàng trung ương EU Christine Lagarde, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva, Nhà sáng lập Huawei Technologies Ren Zhengfei, Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, Giáo sư sử học Yuval Noah Harari,...

Đoàn Việt Nam tham gia với sự dẫn đầu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.



Nguồn: