Hàng ngàn cuốn sách, tạp chí hay website đã nói về Atlantis, và cho đến nay nó vẫn là một đề tài phổ biến. Nhiều người đã đánh mất những cơ hội của cuộc đời, thậm chí cả tính mạng khi đi tìm kiếm Atlantis.
Nguồn gốc của Atlantis
Khác với những truyền thuyết trong làn sương mờ ảo, câu chuyện về Atlantis lần đầu tiên xuất hiện chính xác là từ những cuộc đối thoại của Plato trong hai tác phẩm “Timaeus” và “Critias” - viết vào khoảng những năm 330 TCN.
Theo Plato mô tả, Atlantis hoàn toàn khác với những hình dung về một chốn bình yên không tưởng. Trong cuốn Bách khoa thư khảo cổ học hoài nghi (Encyclopedia of Dubious Archaeology), Giáo sư Ken Feder ghi nhận: “Trong câu truyện của Plato, Atlantis không phải là một xã hội hoàn hảo để được tôn vinh hay phỏng theo. Ngược lại, đó là hiện thân của một thành bang giàu có về vật chất, với công nghệ tiến bộ và quân sự hùng mạnh, tuy nhiên lại sụp đổ vì chính điều đó (bị nhấn chìm bởi một trận động đất kinh hoàng). Ở đây, câu chuyện đạo đức của Plato nghe có vẻ giống như tuyên truyền, vì Atlantis huyền thoại mang nhiều đặc điểm để chỉ một đối thủ của thành bang Athens nhiều hơn là một nền văn minh đã bị nhấn chìm. Và nếu như Atlantis có thực sự tồn tại cho đến hôm nay, người dân của họ thậm chí có thể sẽ tìm cách tiêu diệt và nô dịch tất cả chúng ta.”
Dường như Plato đã tạo nên câu chuyện theo thuyết âm mưu, bởi đã không tồn tại bất cứ một văn bản nào trên khắp thế giới ghi chép về Atlantis, ngay tại Hy Lạp - nơi lưu giữ rất nhiều văn bản cổ. Nếu như Atlantis thật sự tồn tại, chắc chắn phải có ai đó, chí ít là trong quá khứ đề cập đến, một nơi đáng chú ý đến vậy. Đơn giản chỉ là, không hề có bằng chứng nào cho sự tồn tại của Atlantis trước khi Plato viết về nó.
Bản đồ do Athanasius Kircher vẽ năm 1669, đặt Atlantis nằm giữa Đại Tây Dương. Tấm bản đồ này định hướng Nam nằm ở phía trên. Ảnh: Live Science
Tác giả Mark Adams, trong cuốn Gặp tôi ở Atlantis: cuộc kiếm tìm thành phố huyền thoại bị thất lạc trên khắp ba lục địa (Meet me in Atlantis: Across three continents in search of the legendary lost city) đã lý giải điều gì khiến cho huyền thoại về Atlantis lại trở nên nổi tiếng đến như vậy. Đó là do một nghị sĩ và nhà sử học nghiệp dư ở bang Minnesota tên là Ignatius Donnelly (1831-1901).
Trong cuốn Thế giới trước Đại Hồng Thủy (The Antediluevian World, 1882), ông này đã khẳng định tất cả những tiến bộ văn minh và công nghệ đều được bắt nguồn từ hòn đảo của Plato - một đại diện của thuyết Diffusionism tin rằng các nền văn hóa vĩ đại đều có chung một nguồn gốc duy nhất. Donnelly thậm chí còn đi xa hơn việc chỉ thuần túy phổ biến câu chuyện của Plato khi thêm thắt một số chi tiết và ý tưởng từ chính trải nghiệm của bản thân, biến chúng trở thành một phần của huyền thoại về Atlantis.
Adams đã miêu tả Donnelly như một người hoàn toàn tin tưởng vào câu chuyện của Plato về Atlantis, một cách chính thống, không xét đến những yếu tố siêu nhiên như Hải vương Poseidon. Thậm chí, ông này còn gửi cuốn sách của mình đến Charles Darwin - người thấy nó thú vị nhưng không thật sự thuyết phục, và đọc nó trên tinh thần hoài nghi. Sau khi xem qua nhiều tài liệu của Donnelly, Adams cũng đưa ra kết luận tương tự: “Donnelly là một người ba hoa, nhưng biết cách tìm kiếm các chi tiết phù hợp từ nhiều nguồn tham khảo để phù hợp với kết quả ông ta mong muốn thấy, mà không cần dừng lại để lưu tâm bất cứ sự hoài nghi mang tính lý trí nào”.
Sau này, một số nhà văn ít hoài nghi hơn Adams đã làm rõ thuyết của Donnelly, đồng thời bổ sung thêm những quan điểm và suy đoán của họ, trong đó có bà Blavatsky với cuốn Học thuyết bí ẩn (The Secret Doctrine, 1888) và thầy phù thủy Edgar Cayce nổi tiếng trong thập niên 1920. Chính Cayce đã đưa hình ảnh của một tín đồ Kito giáo vào trong câu chuyện về Atlantis rồi để cho hàng ngàn người đọc nó - nhiều người trong số họ, như ông khẳng định, đã từng sống ở Atlantis. Tuy nhiên, đã không có bất cứ thông tin nào xác minh cho điều này, và thực tế là Cayce đã sai khi dự đoán Atlantis sẽ được phát hiện vào năm 1969.
Lục địa bị thất lạc
Dù rõ ràng có nguồn gốc từ tiểu thuyết, tuy nhiên trải qua bao thế kỷ, nhiều người vẫn tin và khẳng định phải có sự thật nào đó đằng sau huyền thoại về Atlantis, và đồn đoán về nơi hòn đảo sẽ được tìm thấy. Vô số các “chuyên gia” [tự phong] về Atlantis đã xác định vị trí của lục địa bị thất lạc trên khắp thế giới, cùng dựa trên một tập hợp các dữ kiện. Những ứng viên - đi kèm bằng chứng và lập luận của riêng các tác giả - bao gồm Đại Tây Dương, Nam Cực, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Malta và Caribbean.
Trong Timaeus, Plato đã giới thiệu về Atlantis như sau: “Nơi đó đại dương yên bình rất thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, nơi đó ở ngay phía trước những hang rất lớn mà người Hy Lạp chúng ta gọi là “những cột đá của Heracles”, nơi đó có một hòn đảo lớn hơn xứ Libya và Tiểu Á cộng lại”. Theo đó, Atlantis nằm trên Đại Tây Dương, gần vị trí những “cột đá của Hercules” - tức eo biển Gibraltar (Địa Trung Hải). Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta tìm thấy hòn đảo ở Đại Tây Dương hay bất cứ nơi nào khác.
Atlantis theo mô tả của Plato. Ảnh: Unmuseum.org
Để làm sáng tỏ huyền thoại về Atlantis (giả sử nó thực sự tồn tại), cần thiết phải bỏ qua nguồn gốc rõ ràng của nó như một câu chuyện đạo đức và điều chỉnh các chi tiết theo lời kể của Plato - có thể đã được ông vô tình hay cố ý thay đổi sự thật nhằm đánh lừa độc giả. Tuy nhiên, theo cảm nhận của nhà văn L. Sprague de Camp trong cuốn Lục địa bị thất lạc (Lost Continents): “Chúng ta không thể thay đổi tất cả các chi tiết của Plato mà vẫn khẳng định câu chuyện có tồn tại. Điều đó cũng giống như việc nói vua Arthur là nữ hoàng Cleopatra huyền thoại, khi mà bạn phải thay đổi cả giới tính, quốc tịch, thời gian, tính khí, nhân cách đạo đức cùng các đặc điểm khác của họ, để tạo ra sự giống nhau”.
Dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Atlantis chỉ là một huyền thoại, đó là đã không tồn tại bất cứ dấu vết nào về sự tồn tại của nó, bất chấp những tiến bộ trong lĩnh vực lập bản đồ hải dương học - bao gồm đáy đại dương - suốt nhiều thập kỷ qua. Trong gần hai thiên niên kỷ, độc giả còn có thể được thông cảm khi nghi ngờ sự ẩn giấu của một thành phố hay lục địa bị nhấn chìm tại những vùng nước sâu rộng lớn. Nhưng hiện nay, mặc dù đáy đại dương còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn, song các nhà hải dương học, các tàu ngầm và tàu thăm dò nước sâu trên khắp thế giới đều không thể tưởng tượng nổi có thể tìm thấy một vùng đất “lớn hơn cả Libya và Tiểu Á cộng lại”.
Hơn nữa, cấu trúc kiến tạo mảng cho thấy sự tồn tại của Atlantis là không thực tế. Bởi vì khi các lục địa trôi dạt, đáy biển trở nên rộng hơn theo thời gian thay vì bị thu hẹp lại. Chỉ đơn giản, không thể có chỗ cho Atlantis chìm xuống. Như GS Ken Feder ghi nhận: “Về mặt địa chất, không thể có một bề mặt rộng lớn đến như vậy trên đất liền mà sau đó chìm xuống tại khu vực mà Plato gọi đó là Atlantis. Các nhà khảo cổ và địa chất học hiện đại đã cùng nhau đi đến một phán quyết rõ ràng: lục địa Atlantic không hề tồn tại, và cũng không có nền văn minh vĩ đại gọi là Atlantis”.
Ignatius Donnelly đã từng rất chắc chắn về thuyết của ông ta, khẳng định thành phố thất lạc sẽ sớm được tìm thấy, và một ngày nào đó các viện bảo tàng trên khắp thế giới sẽ trưng bày đầy những hiện vật thu được từ Atlantis. Nhưng sau hơn 30 năm, người ta vẫn không tìm thấy bất cứ dấu vết hay bằng chứng nào. Mặc dù vậy, huyền thoại về Atlantis vẫn được giữ gìn, thúc đẩy bởi trí tưởng tượng của công chúng, bằng sự say mê về một xã hội không tưởng, trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, “thành phố thất lạc Atlantis” đã không bao giờ bị thất lạc, vì nó vẫn luôn ở đó: trong sách của Plato.