Một nhà Toán học có thể am tường một vài lĩnh vực toán học, nhưng Terence Tao quan tâm nghiên cứu và giảng dạy cùng một lúc rất nhiều lĩnh vực khác nhau: Giải tích điều hòa, Phương trình vi phân riêng phần, Lý thuyết số, Đại số tổ hợp (Algebraic Combinatorics), Hình học phân dạng...

Giáo sư Terence Tao (sinh năm 1975) đang giảng bài tại Đại học UCLA (University of California, Los Angeles).
Giáo sư Terence Tao (sinh năm 1975) đang giảng bài tại Đại học UCLA (University of California, Los Angeles).

Ở lĩnh vực nào ông cũng có những phát minh, những đóng góp quan trọng hàng đầu. Nhiều nhà Toán học đồng ý với nhau rằng đây là nhà Toán học xuất sắc nhất đương thời.

Terence Tao là một nhà Toán học dễ mến, khiêm tốn, và thích làm việc cùng với đồng nghiệp. Ông rất quan tâm đến giảng dạy và phổ biến Toán học cho công chúng và làm việc bình thường, không có biểu hiện gì bất thường như nhiều thần đồng hoặc thiên tài khác.

Tài năng chảy sẵn trong huyết quản

Cha của Terence Tao là Billy Tao, người gốc Thượng Hải (Trung Hoa), tốt nghiệp bác sĩ y khoa (chuyên khoa nhi) tại Đại học Hong Kong; Mẹ là Leung Wai-lan, thường được gọi là Grace, người gốc Hong Kong, tốt nghiệp Cử nhân Toán-Lý tại Đại học Hong Kong. Họ gặp nhau và lấy nhau thời gian còn học Đại học. Năm 1972 họ di dân sang Úc sinh sống. Terence Tao sinh ra ở Adelaide, Úc, năm 1975. Terence có hai em trai tên là Nigel và Trevor.

Một hôm cha mẹ Terence hết sức ngạc nhiên khi thấy cậu con trai chưa đủ 2 tuổi của mình đang dạy một đứa trẻ khác 5 tuổi đọc chữ và viết các con số. Ông bà hỏi ai dạy con những điều này và khi nào, Terence trả lời là cậu ta học được khi coi chương trình Sesame Street trên TV.

Hành trình của thần đồng này thật đáng kinh ngạc. Với sự quan tâm giúp đỡ của cha mẹ và các nhà giáo dục chung quanh, năng lực của cậu bé Terence phát triển nhanh chóng. Họ hỗ trợ mà không đóng khung khép kín cậu bé, họ cung cấp phương tiện đáp ứng việc học tập làm phát triển nhân cách và tài năng của cậu bé một cách cân bằng.

Paul Erdös (1913 – 1996), nhà Toán học nổi tiếng người Hungary, đang xem bài của Terence Tao trước khi trao phần thưởng 500 USD cho Terence Tao (10 tuổi). Chính Paul Erdös đã viết thư giới thiệu Terence Tao cho ban tuyển chọn sinh viên Tiến sĩ của Đại học Princeton. Trong thư có câu: “Tôi tin chắc rằng trong vài năm tới chàng sinh viên này sẽ trở thành một trong những nhà Toán học hàng đầu thế giới.” Và Erdös đã không sai.
Paul Erdös (1913 – 1996), nhà Toán học nổi tiếng người Hungary, đang xem bài của Terence Tao trước khi trao phần thưởng 500 USD cho Terence Tao (10 tuổi). Chính Paul Erdös đã viết thư giới thiệu Terence Tao cho ban tuyển chọn sinh viên Tiến sĩ của Đại học Princeton. Trong thư có câu: “Tôi tin chắc rằng trong vài năm tới chàng sinh viên này sẽ trở thành một trong những nhà Toán học hàng đầu thế giới.” Và Erdös đã không sai.

Terence được giáo dục một cách khá linh hoạt, tùy theo khả năng và bộ môn mà cậu ưa thích. Có những môn cậu theo cùng với lớp học, có những môn cậu được sắp xếp trên một cấp học, đặc biệt môn Toán cậu được sắp xếp trên hai hoặc ba cấp học. Các nhà giáo đã tạo ra sự thoải mái cho khả năng của cậu bé phát triển, không hề gò bó, ép buộc hoặc thúc đẩy. Họ cố giữ cho sự phát triển một cách điều hòa, làm cho cậu bé phát triển toàn diện, yêu bộ môn và ưa làm việc, cộng tác hòa hợp với mọi người chung quanh.

Năm 8 tuổi, trong kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test)- kỳ thi để đo trình độ học sinh vào Đại học ở Mỹ, Terence đã đạt số điểm 760 trên 800. Trong lịch sử kỳ thi này, trước đó chỉ có 2 thí sinh đạt được số điểm trên 700. Năm 9 tuổi, Terence theo học một số lớp Toán ở đại học và theo cả các lớp về lập trình cho máy điện toán, trong khi phần thời gian còn lại cậu vẫn ngồi ở trung học. Năm 10, 11, và 12 tuổi Terence là thí sinh trẻ nhất tham dự kỳ thi Toán quốc tế dành cho học sinh trung học (IMO: International Mathematical Olympiad), và liên tiếp trong ba kỳ ấy cậu đoạt huy chương đồng, bạc và vàng.

Trong Lịch sử Toán học cho tới nay, Terence Tao là nhà Toán học đương thời vẫn đang làm việc bình thường mà giữ nhiều kỷ lục nhất: Người có chỉ số thông minh 230, cao nhất, cao hơn Albert Einstein và Stephen Hawking); Thí sinh tham dự giải Olympic Toán quốc tế (dành cho học sinh trung học) nhỏ tuổi nhất và cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất đoạt liên tục huy chương đồng, bạc và vàng trong ba năm liền khi 10, 11 và 12 tuổi; Nhà Toán học còn sống, đoạt nhiều giải thưởng, danh dự, và huy chương quốc gia và quốc tế nhất cho đến nay; Nhà Toán học có phạm vi hoạt động rộng khắp nhiều lĩnh vực, và ở lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp quan trọng.

Năm 14 tuổi, Terence được nhận vào Research Science Institute (RSI). Đây là các lớp Hè dành cho học sinh năng khiếu do Viện MIT ở Cambridge, Massachusetts, tổ chức hằng năm. Năm 15 tuổi Terence viết xong cuốn sách đầu tiên của mình, nói về phương pháp và kinh nghiệm giải Toán trong các kỳ thi Toán quốc tế IMO.

Terence Tao và cuốn sách đầu tiên của mình: Solving Mathematical Problems: A Personal Perspective.  Deakin University Press, Geelong, Vic.: 1992 (Viết năm 15 tuổi).
Terence Tao và cuốn sách đầu tiên của mình: Solving Mathematical Problems: A Personal Perspective. Deakin University Press, Geelong, Vic.: 1992 (Viết năm 15 tuổi).

Năm 1991 (16 tuổi), Terence nhận bằng cử nhân và ngay năm sau đó đã nhận bằng Master thạc sĩ từ trường Đại học Flinders, Úc, với đề tài Convolution operators generated by right-monogenic and harmonic kernels, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Garth Gaudry. Năm 1992, Terence dành được một học bổng làm Tiến sĩ tại Đại học Princeton, Mỹ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Elias Stein. Năm 21 tuổi, Terence nhận bằng Tiến sĩ và sau đó Terence được trường Đại học danh tiếng UCLA nhận về làm phụ tá giáo sư, và ba năm sau, năm 1999, trở thành giáo sư (full professor). Ông là giáo sư trẻ nhất tại trường này kể từ ngày thành lập trường tới nay.

Sự phối hợp kỳ lạ giữa rộng và sâu

Trước khi nói về thành công trong lãnh vực nghiên cứu của Terence Tao, ta hãy nghe Giáo sư John Gardnett thuộc trường Đại học California, Los Angeles, nói về Terence Tao trước Đại hội các nhà Toán học trong buổi lễ trao tặng Huy chương Fields 2006:

“Người ta thường ví Terry (Terry là tên gọi thân mật của Terence Tao) là Mozart. Tài năng chảy sẵn trong huyết quản của cả hai ngay từ thời thơ ấu, ở một người là Âm nhạc, ở một người là Toán học. Terry là một đứa trẻ bình thường, có năng khiếu đặc biệt về Toán học, lớn lên là một nhà Toán học dễ mến, thích cộng tác làm việc với mọi người xung quanh. Hiện nay ông là một nhà Toán học xếp vào loại xuất sắc nhất, nghiên cứu nhiều lĩnh vực nhất, một cách sâu và rộng. Cả một thế hệ mới có được một tài năng như vậy.”

Trong rất nhiều lĩnh vực Toán học, Terence Tao không những nổi tiếng vì số lượng và chất lượng những khám phá và những đóng góp quan trọng hàng đầu, mà còn nổi tiếng về khả năng cộng tác với nhiều nhà khoa học khác nhau. Theo Wikipedia, tính cho tới tháng 10 năm 2015, Terry Tao đã có hơn 30 khám phá cùng làm việc với 68 nhà Toán học khác nhau. Nhưng con số này đang gia tăng chứ không dừng lại, bởi vì số lượng người cộng tác với ông liên tục tăng. Trong số những khám phá có tính cách cách mạng có Định lý Green-Tao về số nguyên tố.
Về số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên môn và sách đã xuất bản (giáo khoa và nghiên cứu riêng) tính đến năm 2016 là 300 bài báo và 17 cuốn sách.

Không thể kể hết những đề tài mà Terence Tao nghiên cứu. Chúng tôi lấy ý kiến của nhà Toán học Timothy Gowers, trong khi điểm cuốn sách Poincaré’s legacies [Di sản của Poincare] của Terence Tao, để thay lời kết bài viết này: “Kiến thức Toán học của Terry Tao có sự phối hợp kỳ lạ giữa rộng và sâu. Tao có thể viết một cách tự tin và có thẩm quyền về nhiều vấn đề rất khác nhau: Phương trình đạo hàm riêng phần, Lý thuyết số, Hình học đa tạp 3 chiều, Giải tích, Giải tích điều hòa, Giải tích hàm, Lý thuyết nhóm, Lý thuyết mẫu, Cơ học lượng tử, Lý thuyết xác suất, Lý thuyết ergodic,…và nhiều nữa. Trong nhiều lĩnh vực ông có một số khám phá và nhiều đóng góp quan trọng hàng đầu. Trong một số lĩnh vực khác, kiến thức của ông sâu và rộng của một chuyên gia mặc dù đó không phải là chuyên môn của ông. Làm sao ông có thể viết những bài báo và những cuốn sách độc đáo theo nhịp thời gian như thế được. Điều này hiện nay vẫn còn bí ẩn. Không dễ gì tìm thấy lỗ hổng trong kiến thức Toán của Tao. Nhưng nếu anh tìm ra một lỗ, chắc chắn năm sau chính Tao sẽ lấp đầy”.

Những giải thưởng và danh dự tầm cỡ quốc gia và quốc tế mà Terence đoạt được tính cho tới năm 2015:

- Fulbright Scholarship (1992)
- Salem Prize (2000)
- Bôcher Memorial Prize (2002)
- Clay Research Award (2003)
- Australian Mathematical Society Medal (2005)
- Ostrowski Prize (2005)
- Levi L.Conant Prize (2005)
- ISAAC award (2005)
- Fields Medal (2006)
- MacArthur Award (2006)
- SASTRA Ramanujan Prize (2006)
- Sloan Fellowship (2006)
- Fellow of the Royal Society (2007)
- Alan T. Waterman Award (2008)
- Convocation Award (2008)
- Onsager Medal (2008)
- Member of American Academy of Arts and Sciences (2009)
- King Faisal International Prize (2010)
- Nemmers Prize in Mathematics (2010)
- Polya Prize (2010)
- Crafoord Prize (2012)
- Simons Investigator (2012)
- Inaugural recipient of the Center for Excellence in Education’s Joseph I. Lieberman Award (2013)
- Breakthrough Prize in Mathematics (2015, awarded in 2014)
- Royal Medal (2014)
- Johns Hopkins CTY Distinguished Alumnus (2014)
- PROSE award (2015)