Tào Mạnh Đức anh minh sáng suốt một đời lại vì thói háo sắc mà mấy lần “lãnh đạn”, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể nói Tào Tháo là kẻ gian hùng xuất sắc nhất cuối thời Đông Hán, dưới tài năng quân sự, chính trị của Tào Mạnh Đức (Tào Tháo), vùng đất phương bắc cuối thời Đông Hán vô cùng hỗn loạn rối ren đã từng bước ổn định, tăng gia sản xuất, Tào Tháo là người đặt nền móng cho đế quốc Đại Ngụy và hoàng triều Tây Tấn sau này.
Nhưng, anh hùng khó qua ải mỹ nhân, Tào Mạnh Đức anh minh sáng suốt một đời lại vì thói háo sắc mà hai “lãnh đạn”, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Vố đau đầu tiên – mất con trai và mãnh tướng
Năm 197 (CN), Tào Tháo chuẩn bị triệt tiêu Lã Bố, xuất binh đi đánh, uy hiếp Trương Tú. Trương Tú vốn là cháu trai của Trương Tế - Kiêu kỵ tướng quân nhà Đông Hán. Sau khi Lý Thôi, Quách Dĩ làm phản ở Trường An, Trương Tế thiệt mạng khi tấn công vào Nhương Thành ở Kinh Châu, vì thế Trương Tú đã tiếp nhận quân đội của chú mình, liên minh với Lưu Biểu, trở thành một kẻ uy hiếp đáng gờm của Tào Tháo ở phía tây nam.
Vốn dĩ , việc Trương Tú đi theo Lưu Biểu hay Tào Tháo thì cũng vẫn bị coi là đi theo kẻ khác, mới đầu Trương Tú không coi đó là vấn đề lớn, vì thế khi Tào Tháo tấn công thành Uyển lần đầu tiên, Trương Tú không đánh đã đầu hàng.
Đáng tiếc, dã tâm chém giết của Tào Tháo còn chưa tắt thì thói háo sắc lại cuống quýt “lên ngôi”. Đối tượng mà ông ta nhắm tới chính là góa phụ Trâu thị - thím Trương Tú, khiến Trương Tú tỏ rõ sự phẫn nộ, bất mãn với Tào Tháo. Tào Tháo nghi Trương Tú làm phản, liền âm mưu giết Trương Tú.
Nhưng âm mưu bị bại lộ, Tào Tháo còn bị quân của Trương Tú đánh úp. Hậu quả là khiến mãnh tướng Điển Vi phải bỏ mạng khi bảo vệ Tào Tháo rút lui. Tào Ngang – người thừa kế đầu tiên của Tào Tháo cúng mất mạng trong đám loạn quân. Chỉ vì tội mê thím người khác, Tào Tháo đã phải đền bù thiệt hại bằng cả tính mạng của đứa con cưng và một mãnh tướng hàng đầu.
Vố đau thứ hai – mê muội thiếu phụ, để tuột mất “thần tướng”
|
Trương Phong Nghị trong vai Tào Tháo. |
Quan Vân Trường không chỉ là viên thần tướng dũng mãnh cuối thời Đông Hán, mà còn là hình mẫu trung nghĩa đối với hậu thế. Theo những miêu tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, sau khi Quan Vũ bị rơi vào doanh trại Tào, cho dù Tào Tháo có ban ân, lôi kéo thế nào cũng không lay chuyển được ý chí luôn một mực đi theo người anh kết nghĩa Lưu Huyền Đức (tức, Lưu Bị) của Quan Vũ. Sự trung nghĩa của Quan Vũ không có gì đáng ngờ, nhưng việc “Quan Vũ biệt Tào” trong lịch sử liệu còn ẩn tình nào khác?
Theo những ghi chép trong “Tam Quốc chí” viết: Khi Tào Tháo và Lưu Bị bao vây Lã Bố ở thành Hạ Bì, Lã Bố sai tướng hèn Tần Nghi Lộc đến cầu cứu Viên Thuật, nhưng Viên Thuật lại giữ hắn ở lại và mai mối cho hắn được làm rể hoàng tộc. Quan Vũ nhiều lần thỉnh cầu Tào Tháo cho mình được lấy Đỗ thị - vợ Tần Nghi Lộc. Thấy vậy, Tào Tháo vốn tính đa nghi liền nghĩ “Lẽ nào đó là tuyệt sắc mỹ nhân?”. Cuối cùng Tào A Man Tào Mạnh Đức đã không kìm nén được thói “hảo ngọt” của mình, và ông ta chỉ ậm ừ đáp lại lời thỉnh cầu của Quan Vũ cho qua chuyện.
|
Tào Tháo do Trần Kiện Bân thủ vai. |
Khi bọn tướng lĩnh dưới trướng Lã Bố làm phản, liên quân Tào Tháo – Lưu Bị phá được thành Hạ Bì, Tào Tháo đến gặp Đỗ thị. Vừa trông thấy Đỗ thị, Tào Tháo đã quên ngay lời hứa với Quan Vũ, nạp Đỗ thị làm thiếp và sai ngay người hộ tống bà về phủ của mình.
Thói háo sắc của Tào Tháo như giáng một cái bạt tai vào mặt Quan Vũ. Dù Quan Vũ có là anh hùng tướng mạnh nhưng ông cũng như những người bình thường khác, làm sao có thể chịu đựng nổi nỗi nhục bị người ta cướp mất “người trong mộng” của mình.
Sự xuất hiện của Đỗ thị đã giúp chúng ta lý giải được tại sao Tào Tháo dù đã nghĩ trăm phương nghìn kế vẫn không thể giữ được Quan Vũ ở lại làm trợ thủ cho mình, càng không khó để lý giải việc tại sao các tướng dưới trướng Tào Tháo đều kiên quyết đòi giết Quan Vũ, nhưng Tào Tháo lại gạt bỏ ngoài tai mà tha cho Quan Vũ đi. Những tưởng Tào Tháo vì mến mộ tài của Quan Vũ mà tha cho ông, nhưng có lẽ đó là vì sự hổ thẹn. Thật không ngờ, chỉ vì một người đàn bà, Tào Tháo lại để tuột mất một cánh tay đắc lực, một vị thần tướng thời Tam Quốc.