Khi lêm tám Tani Adewumi còn sống trong trại dành cho người vô gia cư, khi lên mười các hãng phim tranh nhau quyền làm phim về cậu. Tani Adewumi đã từng trải qua nhưng tháng ngày ngoạn mục nhờ biệt tài của em, có lẽ thế giới cờ vua chưa từng được chứng kiến một sự kiện lạ kỳ như chú bé này.

Nặn quân cờ từ đất sét

Khi cậu dồn đối thủ vào chân tường, bao giờ cũng giữ phong cách. Thông thường kỳ thủ nhí này mặc một chiếc áo sơ mi lịch lãm và không quên đeo nơ. Tuy nhiên không chỉ có trang phục làm cho mọi người thấy Tani không phải là một đứa trẻ bình thường. Tanitoluwa Emmanuel Adewumi thuộc diện những kỳ thủ tài năng vĩ đại nhất thời đại ngày nay.

Kỳ thủ như Tani nhìn thấy trên bàn cờ nhiều thứ mà người thường không thấy.

Trong mười năm cậu đã trải nghiệm biết bao biến đổi đến mức các hãng phim nổi tiếng nhất thế giới tranh nhau làm phim về cuộc đời cậu. Từ một đứa trẻ tị nạn cậu đã trở thành một đại kiện tướng trẻ nhất thế giới. Nhưng câu chuyện về cậu không chỉ xoay quanh cờ vua. Mùa xuân vừa qua Adewumi đã xuất bản cuốn sách đầu đời. “Tôi tên là Tani, và tôi tin vào chuyện kỳ diệu", đó là tên cuốn sách về tiểu sử của cậu. Những ai đã đọc cuốn sách dày trên 200 trang ắt cũng sẽ tin điều đó.

Câu chuyện về bé Tani bắt đầu từ miền bắc Nigeria. Ở đất nước Tây Phi này nhiều năm nay nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram hoành hành, những người dân theo đạo Thiên Chúa luôn phải lo cho mạng sống của mình. Năm 2017 gia đình Adewumis quyết định di tản khỏi quê hương và xin tị nạn tại Hoa kỳ. Philip Falayi, một mục sư ở Queens, đã cho gia đình tạm trú một thời gian tại nhà thờ, sau đó những người tỵ nạn được bố trí ăn ở tại một trại dành cho người vô gia cư ở trung tâm Manhattan.

Trong khi ông bố lái xe Uber thì người mẹ kiếm được dăm đôla mỗi ngày nhờ làm lao công. Họ sống tùng tiệm với khoản thu nhập ít ỏi. Do hoàn cảnh sống nghèo túng nên ở trường tiểu học Tani luôn bị bạn bè chế giễu, xa lánh. Người anh của Tani bày cho em chơi cờ, bàn cờ do hai anh em tự làm. Một tài năng được đánh thức từ những quân cờ được nặn bằng đất sét. Do gia đình không có tiền đóng lệ phí sinh hoạt câu lạc bộ cờ vua của nhà trường, thầy dạy cờ vua đã dạy miễn phí cho cậu học trò đầy năng khiếu này. Kể từ đó cậu bé dành mọi thời gian cho cờ vua.

Đầu năm 2018 Tani tham gia giải đấu đầu tiên, sau đó một năm cậu đã nhảy vọt lên ánh đèn sân khấu. Tại giải vô địch cờ vua học đường lần thứ 52 dành cho trẻ mẫu giáo đến học sinh lớp ba của thành phố New York, lúc này Tani lên tám, cậu đã đánh đổ mọi đối thủ. Tani nổi bật ở lối chơi tấn công của những người mới biết chơi cờ. Có lúc cậu hy sinh một con mã để cứu con tốt, nhiều người lắc đầu tỏ ý xem thường. Tuy nhiêu sau này một máy tính về cờ vua đã phân tích kỹ nước đi này và xác định trong điều kiện này không có nước đi nào hay hơn điều mà Tani đã chọn. Tani đã dành giải trong cuộc thi này và chú bé ôm chiếc cúp lớn tự hào rảo bước trên đường phố Manhattan.

Một tài năng đặc biệt, một kỳ thủ như Magnus Carlsen

Ông Boris Bruhn, phó chủ tịch Hội Cờ vua Đức cũng theo dõi câu chuyện về thành công của Adewumis. “Điều đặc biệt là cậu bé này hầu như tự học chơi cờ. Trong khi nhiều đối thủ của em mỗi tuần luyện chơi cờ từ ba đến bốn buổi do một đại kiện tướng hướng dẫn. Tani quả là người có biệt tài. Trên thế giới chỉ có vài ba trường hợp như thế trong đó có đại kiện tướng Magnus Carlsen”. Dựa vào sức mạnh lối chơi của Tani, Hiệp hội cờ vua thế giới đánh giá hệ số Elo của Tani Adewumi đang là 1730 (số Elo chính thức đầu tiên của Carlsen là 2064, tuy nhiên hồi đó anh hơn Tani hiện nay một tuổi).

Một tài năng cờ vua phải đạt những điều kiện gì? “Để đạt được thứ hạng Elo hiện nay, Tani phải nắm được khoảng 5000 thế cờ. Do Tani còn rất trẻ nên cậu dễ nắm bắt và nhớ các nước đi”, Bruhn giải thích.

Trong trường hợp tốt nhất để có thể dẫn trước đối thủ một số nước cờ, kỳ thủ cần có năng khiếu về toán học hay âm nhạc. Trường hợp tốt nhất là kỳ thủ có cả hai khả năng đó. Bruhn giải thích “Với hai phần ba đó là là logic toán học, mọi thứ trên bàn cờ đều khớp với nhau, các kỳ thủ chỉ cần tính toán trong ít giây”. Cái một phần ba còn lại là năng khiếu âm nhạc và ở đây có sự nhạy bén đặc biệt về sự hài hòa: “Họ nhìn thấy trên bàn cờ nhiều hơn những người bình thường.“

Ý ông Bruhn là, đối với các kỳ thủ này thì các quân trên bàn cờ như những nhạc công trong một dàn nhạc. Khi họ chơi tốt thì sự hài hòa đặc biệt hoàn hảo, các quân cờ hỗ trợ lẫn nhau. “So với người ngoại đạo thì những tài năng như Tani nhìn thấy những điểm giao cắt nhất định trên bàn cờ và hình học. Họ phối hợp các quân cờ của mình thành những thế cờ hay”. Thực ra xét đơn thuần về thể thao thì Tani chưa thể theo kịp đỉnh cao cờ vua. Trong một giải cờ vua thế giới thì có lẽ cậu chỉ đứng ở hạng dưới trung bình , Bruhn nhận xét. “Nhưng ngay từ bây giờ cậu ta đã nổi tiếng về thái độ của mình. Tani có quyết tâm dành chiến thắng rất cao và thái độ đúng đắn”.

Adewumi Tani gặp tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Câu chuyện về Adewumi Tani là đề tài mà người Mỹ yêu thích vì nó cho thấy cách một cậu bé ở bên lề xã hội vượt qua số phận, đạt được thành công. Tờ “New York Times” kể về cậu bé đến từ Nigeria và đã làm bùng lên một sự cuồng nhiệt thật sự. Ngay cả Bill Clinton cũng viết trên twitter: “Những người tị nạn đã làm giàu cho quốc gia chúng ta. Câu chuyện này đã làm tôi vui cười. Tanitoluwa, cháu là một tấm gương cho tinh thần quyết thắng – trên bàn cờ cũng như trong cuộc sống”.

Ông Clinton đã mời cả nhà Adewumis tới thăm. Những bức ảnh cho thấy kỳ thủ nhí này rảo bước bên cựu Tổng thống Hoa Kỳ trong văn phòng của ông ở New York. Tại Nigeria người ta nói về “Niềm kiêu hãnh của quốc gia“. Và với Hollywood cũng vậy, Tani là một đề tài ngày càng thú vị hơn sau mỗi thành công của kỳ thủ này. Đã có ba hãng phim đăng ký tham gia cuộc đấu thầu dành độc quyền về những câu truyện liên quan đến cậu bé này; cuối cùng hãng phim Paramount đã thắng thầu.

Trên đường tới giới hạn kỳ diệu của cờ vua

Ông Bruhn khó tưởng tượng đến một lúc nào đó nước Đức cũng sản sinh ra một trường hợp tương tự. Thứ nhất ở Đức không có một kỳ thủ hàng đầu có thể tạo ra một sự bùng nổ – kiểu như Dirk Nowitzki với môn bóng rổ. Mặt khác các điều kiện về giáo dục rất tốt. “Nói chung không có động cơ chơi cờ để thoát nghèo.“, vị chuyên gia này giải thích khi đề cập đến các quốc gia như Ấn độ hay Rumania. Trong số những tài năng lớn nhất của Đức hiện nay như Leonardo Costa, 11 tuổi, và Vincent Keymer, 15 t. Keymer đã được trao danh hiệu đại kiện tướng hồi tháng hai vừa qua. Cậu là đại kiện tướng trẻ nhất của nước Đức.

Thế giới hiện có 1600 đại kiện tướng. Sergej Karjakin là người đạt danh hiệu đại kiện tướng sớm nhất Sergej Karjakin sinh ra ở Crimea, đạt danh hiệu có giá trị suốt đời này khi mới 12 tuổi và 7 tháng. Đây là một cái mốc mà đáng ra Tani Adewumi có thể đạt được từ lâu. Song cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trì hoãn tất cả. Adewumi còn cần phải có khoảng 800 điểm Elo. Muốn vậy cậu phải chơi 130 đến 140 trận trong một năm, mỗi trận có thể kéo dài tới sáu tiếng đồng hồ. Ông Bruhn nói “để đạt danh hiệu đại kiện tướng phải mất khoảng 10.000 giờ. Tùy theo khả năng bộ não xử lý các trận đấu như thế nào, mức độ hiểu biết về sự hài hòa và hình dung ra sao”. Nhưng từ nhiều tháng nay các giải đấu chính thức hầu như không diễn ra, càng không có các trận tỷ thí với các đại kiện tướng khác. Bruhn đề cập đến một tình thế khó xử: “Hiện tại rất nhiều thứ diễn ra đối với Tani là nhờ năng khiếu, nhưng đến một lúc nào đó đòi hỏi phải có sự cần cù, chăm chỉ để đạt danh kiệu đại kiện tướng. “Giá không có virus thì trong năm nay Adewumi có thể đạt được 2000 điểm-Elo. Trong môn cờ vua đây là ranh giới của sự kỳ diệu.

Đối với thế giới cờ vua thì đại dịch này cũng là một cơ hội. Ông Bruhn kể về sự bùng nổ của phiên bản trực tuyến của trò chơi này. Trong thời gian cách li nhiều kỳ thủ đã tận dụng thời gian để luyện não với môn cờ vua trực tuyến này. Một trong những ngôi sao trên bàn cờ hiện số là Hikaru Nakamura. Khi đại kiện tướng Hoa kỳ gốc Nhật Bản này phân tích các ván cờ của ông trên mạng xã hội đã thu hút được tới 300.000 người theo dõi.

Adewumi có thể thông qua dịch vụ phát trực tuyến lớn nhất thế giới thu hút một lượng lớn fan hâm mộ, Bruhn tin chắc như vậy. Ngôi sao nhí này có sức thu hút mạnh mẽ nhờ câu chuyện của mình. “Ở môn cờ vua vấn đề then chốt là anh giảng giải cho khán giả về các thế cờ của mình”, Bruhn nói. Adewumi thậm chí có thể kiếm sống bằng cờ vua, thậm chí ngay cả khi không có danh hiệu đại kiện tướng.

Sự khiêm nhường, lòng biết ơn và sự năng nổ

Gia đình hưởng lợi nhiều nhờ tài năng của cậu con út. Tuy nhiên cả nhà vẫn bám đôi chân trên mặt đất. Ngay sau khi Tani đoạt chiến thắng trong giải Cờ vua học đường ở New York đã rộ lên cuộc vận động gây quỹ ủng hộ Tani, số tiền thu được lên tới 250.000 đôla. Những người giàu có ở New York ủng hộ cả tiền và những căn hộ sang trọng. Tuy nhiên gia đình chỉ xin một căn hộ hai phòng ở gần trường học của cậu con trai.

Gia đình quyết định tặng một phần khoản tiền mà họ được trợ giúp cho Hội Thánh đã giúp đỡ cưu mang họ khi mới chân ướt chân ráo đến nước Mỹ. Khoản tiền còn lại họ thành lập Quỹ Tanitoluwa Adewumi, nhằm hỗ trợ tài chính cho những gia đình người Phi tị nạn ở nước Mỹ. Tani nói: “Cháu muốn giúp đỡ các bạn khác".

Gia đình trước mắt cũng từ chối lời mời của các trường tư thục và cả các trường đại học danh tiếng. Họ muốn con trai mình tiếp tục học ở cái trường từng tạo cơ hội miễn phí cho con đi lên, bà Oluwatoyin Adewumi mẹ Tani nhấn mạnh: “Ngôi trường này đã tin tưởng ở con trai tôi giờ chúng tôi xin đền đáp sự tin tưởng đó”.

Nguồn: https://www.welt.de/sport/plus215096476/Junges-Genie-Dieser-10-Jaehrige-spielt-nicht-Schach-er-komponiert-es.html