Tầm quan trọng của địa-chính trị đã và đang được đánh giá đúng hơn. Số lượng thể loại sách này được xuất bản trong vòng vài năm trở lại đây là một minh chứng cho điều đó.

Bản gốc tiếng Pháp của cuốn sách chính là số tạp chí Hérodote ra vào quý II/2015.
Bản gốc tiếng Pháp của cuốn sách chính là số tạp chí Hérodote ra vào quý II/2015.

Sách của tác giả trong nước có: Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia (Nguyễn Văn Dân, NXB Chính trị Quốc gia, 2014), Địa-Chính trị Thế giới (Nguyễn Thị Quế, NXB Văn hóa Thông tin, 2014)… Sách dịch có: Sự Minh định của Địa lý (R. Kaplan, The Revenge of Geography, NXB Hội Nhà văn, 2018), Địa Chính trị (K. Dodds, Geopolitics, NXB Tri thức, 2018) và mới hơn cả là cuốn sách: Tầm quan trọng của Địa-chính trị Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia, 2018).

Cần phải nói ngay rằng, bản gốc tiếng Pháp đúng ra là một số tạp chí ra hàng quý về địa lý và địa-chính trị: Hérodote số 157, quý II/2015 mang tên Les enjeux géopolitiques du Viet Nam – Các vấn đề Địa-chính trị Việt Nam.

Được thành lập năm 1976 bởi Yves Lacoste, chuyên gia Pháp về các lĩnh vực trên, và với sự cộng tác của François Maspero (con trai ông Henri Maspero quen thuộc với chúng ta), đến quý I/2019, Hérodote đã ra được 172 số.

Với 73 số từ năm 2001 tới nay, mỗi số Hérodote là một chuyên đề địa-chính trị về một châu lục, một khu vực, một quốc gia và rất nhiều lĩnh vực đa dạng khác (giáo dục đại học, môi trường, biển và đại dương, lãnh thổ quốc gia…). Hérodote xứng đáng là một nguồn tư liệu rất quý cho chuyên gia và những người quan tâm tới địa-chính trị (trang web của Hérodote tương đối mở, dễ tham khảo http://www.herodote.org/).

Sách Tầm quan trọng của Địa-chính trị Việt Nam gồm 10 bài chuyên đề (bớt hai bài so với bản gốc, có thể vì đã bàn sâu về chính trị nội bộ Việt Nam) của nhiều tác giả Pháp và quốc tế nổi tiếng nghiên cứu Việt Nam như: Benoît de Tréglodé, Christopher E. Goscha, Sophie Boisseau du Rocher, Pierre Grosser… Ví dụ như sử gia Goscha (sinh 1965), người đã có 15 cuốn sách nghiên cứu về Đông Dương và Đông Nam Á, trong đó 10 cuốn là về Việt Nam.

Các bài nghiên cứu gồm các chủ đề sau:

- Việt Nam và bước ngoặt sau năm 1989: Minh chứng lịch sử (Claude Blanchemaison/Jean-Luc Racine);

- Địa - chính trị Việt Nam nhìn từ Á - Âu: Bài học nào từ cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba cho hôm nay? (Christopher Goscha);

- Nền kinh tế biển Việt Nam: Có phải là một yếu tố làm gia tăng xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông? (Nathalie Fau);

· Việt Nam và ASEAN: Vượt qua chiến lược mang tính lợi ích (Sophie Boisseau du Rocher);

- Việt Nam có phải là đồng minh tốt nhất của Mỹ ở châu Á không? (Pierre Grosser);

- Địa - chính trị các tôn giáo ở Việt Nam: Những phương pháp đa chiều của một xã hội mang màu sắc tôn giáo (Jérémy Jammes và Paul Sorrentino);

- An ninh mạng ở Việt Nam: Xây dựng và thực hiện chiến lược mới (Candice Trần Đại);

- Nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng ở Việt Nam nhìn từ góc độ địa - chính trị: Có phải là một cơ sở vững chắc về mặt kinh tế? (Eric Mottet và Frédéric Lasserre);

- Việt Nam - Những “vùng lãnh thổ mới” được hiện đại hóa không đồng đều (Christophe Gironde và Olivier Tessier);

- Quản lý đất đô thị và cuộc đối đầu giữa xã hội làng xã và Nhà nước/Tỉnh (đồng bằng sông Hồng) (Sylvie Fanchette).

Việt Nam trong trí nhớ của người Pháp sau Điện Biên Phủ, là một nước đã đánh thắng tiếp hai cường quốc khác là Mỹ và Trung Quốc; sau đó, nhờ có Đổi mới mà nền kinh tế lại tăng trưởng mạnh mẽ, báo hiệu có thể đóng một vai trò quan trọng cấp khu vực.

Tuy nhiên, để phân tích chính xác vị trí và vai trò của Việt Nam trong tình hình địa-chính trị hiện nay của Đông Nam Á, cần phải xem xét kỹ hơn. Đó là lý do mà cuốn sách này tìm cách bao quát các chủ đề ít được biết đến hơn, nhưng rất cần để hiểu được sự độc đáo về địa-chính trị của Việt Nam.

Ví dụ, Goscha cho ta biết góc nhìn địa-chính trị từ bên ngoài với các cuộc xung đột Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và hậu quả của nó; còn Pierre Grosser nhìn rõ khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa, người Việt Nam đặc biệt không khoan nhượng. Đó là lý do để họ tạo một sự cân bằng thông minh, đặc trưng cho chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc - quay sang Hoa Kỳ và dựa vào sự hiện diện kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương, nhưng không đặt cược vào một đồng minh duy nhất.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần”, Sophie Boisseau viết rằng Việt Nam có quan niệm rất hữu dụng về ASEAN, vì tư cách thành viên đã cho phép họ hưởng lợi từ sự hỗ trợ và đầu tư của các nước thành viên khác để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với hiện trạng của tổ chức này, khó lòng mong đợi hỗ trợ tập thể trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Trần Đại bàn về sự tổn thương của không gian mạng Việt Nam, buộc chính quyền phải nhanh chóng tăng cường an ninh mạng của đất nước. Eric Mottet và Frédéric chỉ ra, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kèm theo sự gia tăng bất bình đẳng kinh tế và xã hội tạo ra căng thẳng và xung đột và các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Với bối cảnh tăng dân số cao, việc đòi hỏi phải tăng nhanh các nguồn năng lượng đáp ứng hoàn toàn không dễ dàng.

Các vấn đề khác như địa-chính trị tôn giáo, sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa dẫn tới xung đột đất đai… đều được các tác giả nghiên cứu và đưa ra các lý giải sâu sắc.

Hiếm khi ở Việt Nam xuất bản một cuốn sách trình bày đa dạng các vấn đề đang đặt ra cho sự phát triển của đất nước. Tìm đọc sách này là lợi ích của độc giả.