Đơn vị đo lường là một chủ đề nhàm chán, nhưng đằng sau việc người Mỹ cố sống cố chết khi dùng ounce để đo lượng cà phê họ uống hay mua xăng tính bằng gallon là một câu chuyện mang đậm sắc màu của chủ nghĩa ái quốc, tính bình ổn chính trị và sự hoài nghi mang tính lịch sử với nước Pháp.

“Dù hệ thống đo lường mà người Mỹ chọn khá là tầm thường và nhàm chán nhưng lại cực kỳ quan trọng, vì nó hình thành nên cách chúng tôi sống và tương tác với người khác” - giáo sư lịch sử Đại học Northwestern (Illinois) là Ken Alder, tác giả bài luận The Measure of All Things: The Seven-Year Odyssey and Hidden Error That Transformed the World (2003) nói. “Nếu không có các đơn vị đo tiêu chuẩn, bạn không thể thực hiện các phép đo hay vận hành nền kinh tế, nhưng thật trớ trêu là người ta vẫn đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì các đơn vị đo tiêu chuẩn. Chính xác thì họ đánh nhau để quyết định cách thức vận hành của cả nền kinh tế”.


Trong thập niên 1790, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã được Chính phủ Pháp yêu cầu tìm ra một hệ thống đo lường mới và logic. Viện quyết định rằng hệ thống đo lường mới này nên dựa trên thứ gì đó trong tự nhiên mà họ có thể định lượng được để giúp nó trường tồn cùng thời gian. Do đó, họ quyết định rằng một mét sẽ là khoảng cách của một phần mười triệu của ¼ chu vi Trái đất (bằng đường chạy từ Cực Bắc xuống xích đạo). Đây là buổi bình minh của hệ mét. Hệ mét có thể chuẩn hóa dễ dàng hơn hệ thống đo lường mà người Mỹ đang dùng. Mọi thứ trong hệ mét đều được chia thành bội của mười (1 cm gồm 10 mm, 1 kg gồm 1.000 gram...). Đại đa số các nước đều dùng hệ đo lường này và đó là một điều rất hợp lý: nước đóng băng ở 00C (32 0F) và sôi ở 1000C (2120F).

Vậy tại sao người Mỹ không dùng chúng? Tại sao họ vẫn dùng các đơn vị như yard, dặm và pint ( một loại đơn vị đo thể tích được sử dụng tại Mỹ và Anh)? Hệ thống đo lường của Mỹ được phát triển và biến đổi từ vài hệ thống đo lường của Anh thời Trung cổ. Năm 1790, George Washington thấy rằng cần phải đồng nhất hệ thống tiền tệ và đo lường. Tiền tệ của người Mỹ đã được chuyển sang hệ mười thành công, nhưng đó là tất cả những gì mà họ làm được. Trên thực tế, người Mỹ đã vài lần cố gắng đổi hệ thống đo lường của mình nhưng không nhận được sự hưởng ứng của đa số: hệ đo lường của Anh đã bám rễ quá sâu vào nền công nghiệp Mỹ và cả tâm trí người Mỹ.

Cần tới sự nỗ lực của nhiều nhóm khác nhau tại Pháp thì hệ mét mới trở thành sự thực. Điều đó đã không xảy ra nếu không có Cách mạng Pháp 1789. “Trước lúc đó, cách đo lường không chỉ khác nhau giữa các quốc gia, mà còn khác nhau ngay cả giữa những thị trấn của cùng một nước,” Alder nói. Trên thực tế, trước khi hệ mét được đưa vào áp dụng thì ở Pháp có tới hơn 250.000 đơn vị đo lường khác nhau. Với những người hay đi đây đi đó thì việc chuẩn hóa các đơn vị là cực kỳ quan trọng. “Hệ đo lường của các địa phương là ác mộng với các thương gia, và hệ mét đã cứu rỗi họ. Nhưng các địa phương lại từ chối sử dụng hệ mét vì đã quá quen với những hệ đo lường cũ,” Alder nói.

Cũng cần phải chỉ ra rằng các hệ đo lường cũ hoạt động khá tốt tại các địa phương của Pháp vì hệ mét cần trực tiếp liên hệ với những hệ đo có thể đếm được. Ví dụ: kích thước của một cánh đồng có thể được đo bằng ‘journée’ (nghĩa là “ngày” trong tiếng Pháp), biểu thị số ngày cần thiết để thu hoạch. Ở địa phương khác, diện tích đất có thể được đo bằng ‘boisseaux’ (hay ‘bushels’), được biểu thị bằng số hạt giống cần để gieo lên miếng đất đó. “Các hệ đo lường cũ cũng có tác dụng chứ không hoàn toàn điên khùng,” Alder nói.

Nhưng rồi Cách mạng Pháp nổ ra và Louis XVI phải lên đoạn đầu đài. Chính quyền mới đã tiếp tục cuộc cải cách Khai Sáng. Thời kỳ này được gọi là Thời đại Lý trí (Age of Reason) và chính quyền mới quyết định rằng khối lượng cần được đo bằng kilogram. “Đó là lúc mà sự chuẩn hóa diễn ra. Nước Mỹ đáng lẽ là quốc gia thứ hai áp dụng hệ mét vào đo lường vì cùng là quốc gia theo thể chế cộng hòa,” Alder nói.

Năm 1793, Ngoại trưởng Mỹ Thomas Jefferson đang chờ đợi nhà khoa học Pháp Joseph Dombey - người đang giong buồm tới Tân Thế giới - mang tới cho ông một khối trụ nhỏ bằng đồng nặng 1 kg làm vật chuẩn mới cho đơn vị khối lượng của Mỹ. Nhưng tàu của Dombey gặp phải thời tiết xấu: một trận gió mạnh trên Đại Tây Dương đã đẩy tàu của Dombey đi lệch hướng và rơi vào tay đám cướp biển Anh. Ông bị bắt làm tù nhân rồi qua đời, và kilogram mẫu bằng đồng ấy không bao giờ tới được tay Jefferson.

Nhưng thời tiết khắc nghiệt không phải là lý do duy nhất khiến hệ mét không được sử dụng ở Mỹ; đó còn là vấn đề ngôn ngữ vì không phải người Mỹ nào cũng có thiện cảm với Pháp như Jefferson. Alder nói. “Tôi hiểu sự tức giận của người Mỹ lúc đó: họ cho rằng người Pháp đang muốn kiểm soát mình thông qua việc chuẩn hóa đơn vị đo để tạo ra sự đồng nhất trên quy mô toàn cầu như vậy. Đó là một phản ứng khá dễ hiểu khi chống lại một thứ quá mức lý trí và cả nước Pháp nữa.” Ngay cả ở Pháp thì hệ mét cũng không được hoan nghênh cho lắm. “Phải mất tới 100 năm thì nó mới được phổ cập rộng rãi,” Alder nói. Sự tranh cãi vẫn chưa kết thúc ở đó. Cho tới tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn còn đang xung đột về sự thay đổi của đơn vị kilogram và mét nguyên gốc.

Một yếu tố khác chống lại việc áp dụng hệ mét tại Mỹ là vì sự ổn định chính trị của nước này. Kể từ khi giành được độc lập từ Anh, người Mỹ đã áp dụng cách thức bầu cử. Điều này không có ích lợi gì cho hệ mét vì việc đại tu toàn bộ hệ thống đo lường của Mỹ đòi hỏi nhiều thời gian và xáo trộn, có thể bị những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng. “Nội chiến Mỹ đã xảy ra nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi hệ thống đo lường.”

Chúng ta có thể lấy Anh làm ví dụ. Nước này chỉ mới bắt đầu áp dụng hệ mét từ những năm 1970 sau khi vị thế địa chính trị của nó thay đổi hoàn toàn. Với sự suy vi của mình, Anh phải giao thương với các nước láng giềng tại châu Âu lục địa (thay vì với các nước thuộc địa cũ). Nước Anh chỉ thay đổi hệ thống đo lường một cách nửa vời vì quãng đường ở đây vẫn được tính bằng “dặm”, còn thể tích đồ uống trong các quán bar thì vẫn được tính bằng “pint”. (Cần lưu ý: đơn vị “pint” của Mỹ và Anh không giống nhau.) Chính quyền Tổng thống Jimmy Carter đã cố gắng thay đổi hệ thống đo lường của mình cùng lúc với Anh. “Chính phủ Mỹ lúc ấy đã cố gắng cắm các cột mốc mới tính bằng kilomet trên đường nhưng lại khiến người dân tức giận; cuối cùng thì dự án đó bị bỏ dở,” Alder nói.

Quốc hội Mỹ thậm chí đã thông qua một đạo luật để thay đổi hệ thống đo lường vào năm 1975. Nhưng không giống ở Anh, quá trình chuyển đổi này là tự nguyện và cũng không có hạn chót. Vậy nên những người Mỹ muốn đổi đơn vị đo khối lượng từ ounce thành gram hãy cẩn thận với mong ước của mình, vì chuyển đổi hệ thống đo lường có thể kéo theo những thay đổi mạnh mẽ về chính trị tại Mỹ.

Theo Live Science