Chắc chắn là cho đến lúc những nghiên cứu của Jason Gibbs được công bố, độc giả Việt Nam mới đi đến một định nghĩa rõ ràng về một số dòng nhạc, chẳng hạn “nhạc vàng” hay “bolero”.

.

Tất cả được diễn giải một cách khoa học nhưng dễ hiểu và thấm đượm tinh thần đồng cảm với các sáng tạo, khiến cho dường như cả một lịch sử cận và hiện đại Việt Nam hiện lên sống động.

Những bài hát tân nhạc Việt Nam ra đời vào thập niên 1930, đã mau chóng trưởng thành để tạo ra một bầu khí quyển văn hóa của riêng chúng, hấp dẫn nhiều vệ tinh xoay quanh quỹ đạo chung. Các vệ tinh ấy là những người sáng tác, người hát, người nghe và những người nghiên cứu. Tân nhạc trở thành một đối tượng hấp dẫn đến độ đã có nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài khi tìm hiểu về Việt Nam chọn cách tiếp cận thú vị này. Jason Gibbs là một người như vậy. Anh đã dành một phần lớn các nghiên cứu của mình theo hướng khảo cứu tân nhạc Việt Nam, từ những “bài ta theo điệu Tây” cho đến những bài nhạc trẻ gần đây. Sự say mê và phẩm chất nghiêm túc trong phương pháp tiếp cận của anh đã lôi cuốn nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi. Cuốn sách này khởi sự chính từ sự lôi cuốn ấy.

Những bài viết của Jason Gibbs thực tế không dành để ca tụng những đặc điểm cảm tính, lãng mạn dễ thấy của người Việt tràn ngập trong các bài ca “nhạc tiền chiến” hay “bolero”. Với điểm nhìn của một người nước ngoài, Gibbs khảo sát các đặc điểm ngôn ngữ, nhạc thuật cho đến nghiên cứu bối cảnh để rút ra những ghi nhận khách quan và gần nhất với thẩm mỹ nguyên bản của tác phẩm.

Nhưng Gibbs cũng không kiệm lời khi đưa ra quan điểm thẩm mỹ của riêng mình, và trong nhiều trường hợp, cách cảm của anh có thể nhận được sự đồng tình của nhiều người Việt. Gibbs có một ưu thế đặc biệt: anh thạo tiếng Việt và hơn nữa, biết thông tin của cả vạn bài hát và tự mình xây dựng một danh mục nhạc sĩ sáng tác Việt Nam lên tới hàng ngàn người. Có bằng tiến sĩ âm nhạc và cũng là một người chơi nhạc, qua những bài nghiên cứu về âm nhạc phổ thông Việt Nam – một tên gọi dành cho các bài tân nhạc – Jason Gibbs cho thấy một mảnh đất màu mỡ của việc khám phá Việt Nam.

Nhưng không phải khám phá nào hoặc nghiên cứu nào từ bên ngoài cũng thành công hoặc chí ít, ý nghĩa đối với xã hội Việt Nam. Một trong những trở ngại chính là khả năng “đọc” được bối cảnh xã hội. Cho đến thời điểm này, xã hội Việt Nam vẫn mang tính chất một xã hội “văn hóa bối cảnh cao” (high-context culture) như thuật ngữ của Edward T. Hall đề cập năm 1976 để chỉ những nền văn hóa coi trọng cách từ ngữ được nói ra hơn là bản thân từ ngữ, hiểu được chúng đòi hỏi khả năng đọc được những ẩn ý và hàm ngôn cũng như bối cảnh nói ra. Trong khi đó, ở những nền văn hóa “bối cảnh thấp” coi trong việc nói thẳng, minh bạch, các yếu tố ẩn ý được giảm thiểu. Tân nhạc Việt Nam cung cấp một kho văn bản lời ca giàu tính thơ, chịu ảnh hưởng từ các nguồn văn chương cổ kim nhiều khi mang nội dung mơ hồ (như các bài ca lãng mạn), chúng cần được hiểu thông qua phân tích bối cảnh và hàm ngôn. Trong trường hợp này, độ nhạy của nhà nghiên cứu đối với một xã hội “văn hóa bối cảnh cao” là vô cùng quan trọng. Nó thuyết phục người bên ngoài nhìn vào và cả người đang tắm trong khí quyển văn hóa ấy.

Jason Gibbs đã làm một cuộc hành trình xuyên thế kỷ âm nhạc Việt Nam, từ việc tỉ mỉ khảo cứu những bước ra đời bài hát tân nhạc theo hình thức phương Tây đầu tiên vốn bị khuất lấp dưới lớp bụi thời gian cho đến phục dựng lại sự xuất hiện đầy kịch tính của những bài ca ái quốc đã góp phần vào quá trình hình thành nên nhà nước Việt Nam hậu thuộc địa. Chắc chắn là cho đến lúc những nghiên cứu của Jason Gibbs được công bố, độc giả Việt Nam mới đi đến một định nghĩa rõ ràng về một số dòng nhạc, chẳng hạn “nhạc vàng” hay “bolero”. Tất cả được diễn giải một cách khoa học (đương nhiên) nhưng dễ hiểu và thấm đượm tinh thần đồng cảm với các sáng tạo, khiến cho dường như cả một lịch sử cận và hiện đại Việt Nam hiện lên sống động. Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn - Câu chuyện tân nhạc Việt Nam1 tập hợp các bài viết bằng những mô tả chính xác, hàm lượng thông tin phong phú và có thể xem như một nguồn tham khảo quan trọng cho bất kỳ ai muốn khám phá tiếp về âm nhạc phổ thông Việt Nam.

Với bản thân tôi, từ khi dịch những bài viết này cách đây hơn một thập niên, tôi đã có được cảm hứng để tìm đọc những nghiên cứu khác về Việt Nam cũng như viết những cuốn sách của riêng mình. Có những nơi Jason Gibbs đã cày xới, cũng có rất nhiều vùng trống còn đợi nhiều người, trong đó có tôi, tiếp cận. Tôi xin dành một lời cảm ơn trân trọng tới Jason, người đã chia sẻ những khám phá này, như một người đã truyền thụ những phẩm chất nghiên cứu để tôi tái khám phá khí quyển văn hóa của chính mình.

Jason đã nhắc lại tên một bài viết về ca khúc chính trị trên báo Thanh Niên năm 1990 làm đề từ blog của anh: “Chúng ta cùng hát, cuộc sống sẽ vui hơn”. Các bài ca cũng như số phận của nghệ thuật, dường như tìm thấy ý nghĩa khi cộng hưởng với đời sống. Bài ca hay là bài ca được hát.

Chú thích:

(1) Cuốn sách được in lần đầu vào năm 2008 với nhan đề Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long - Câu chuyện âm nhạc Việt Nam, do NXB Tri thức ấn hành. Bản in lần này có sự chỉnh sửa và bổ sung so với bản in năm 2008.