Năm 1957, việc Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ Sputnik đã gây chấn động nước Mỹ. Các nhà lập pháp và giáo dục Hoa Kỳ tin rằng quốc gia của họ đang tụt hậu xa so với Liên Xô, vì vậy họ cần làm gì đó để thúc đẩy giáo dục toán và khoa học nhằm chiếm lại ưu thế.
Ngay trong năm sau (1958), Tổng thống Eisenhower (1890 – 1969) đã ký National Defense Education Act (Luật Giáo dục Quốc phòng) và Quốc hội duyệt thêm ngân sách cho hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp học. Nội dung giảng dạy của mọi môn học trong chương trình phổ thông, từ sinh học đến hóa học, đều trải qua một đợt cải cách lớn, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nhất là môn toán.
Một lớp học tiểu học ở Mỹ trong thập niên 1960. Ảnh: Richey Elementary School.
Giáo sư Edward Begle từ Đại học Yale được chỉ định dẫn dắt nhóm nghiên cứu xây dựng chương trình toán học phổ thông mới (New Math). Trang Encyclopedia.com lý giải: New Math nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết mang tính khái niệm về các nguyên lý toán học cơ bản thay cho kỹ năng tính toán và ứng dụng, với kỳ vọng người học sau này có thể áp dụng chúng vào những vấn đề cụ thể trong một thế giới khoa học kỹ thuật đang được chuyên biệt hóa nhanh chóng. Vì thế, học sinh bị buộc phải làm quen với một kho các thuật ngữ hoàn toàn mới và những khái niệm vô cùng trừu tượng như tổ hợp, …
Một số sách theo chương trình New Math trong thập niên 1960.
Ảnh: Jengod/Wikimedia Commons.
“Lý thuyết tổ hợp khuyến khích học sinh suy nghĩ về các con số như là một tập hợp của những đối tượng để thao tác hơn là các biểu tượng trừu tượng. Đó thực sự là cách những con số được xây dựng theo đúng tư duy logic trong môn giải tích nâng cao ở bậc đại học nhưng không hẳn sẽ tốt khi truyền đạt các ý tưởng như phép tính cộng cho học sinh tiểu học”, GS. Kevin Knudson từ ĐH Florida nhận định.
Họa sĩ tranh biếm họa Charles Schulz châm trọc New Math.
Ngoài lý thuyết tổ hợp, những đứa trẻ hầu như chưa nắm vững phép nhân còn bị buộc phải học đại số trừu tượng, số học module, ma trận, logic biểu tượng, đại số Boolean và nhiều thứ phức tạp khác mà chúng có thể không bao giờ cần đến. Sau đây là ví dụ trên Encyclopedia.com về lời giải của một bài toán vốn khá đơn giản – yêu cầu học sinh tính lợi nhuận bán hàng – nhưng được New Math diễn dịch lại:
“Người ta trao đổi một tập các món đồ (W) để lấy một số tiền (M). Biết tập M có 20 phần tử (chỉ đơn vị tiền tệ) với mỗi phần tử bằng 1 (ví dụ: tiền mệnh giá 1 USD). Nếu x’s được sử dụng để biểu thị từng phần tử của mỗi tập hợp, thì tập P (đại diện cho chi phí sản xuất) lại có ít hơn M 8 phần tử. Hãy biểu diễn P như một tập con của M và xác định số phần tử để tính lợi nhuận thu về từ việc bán đồ”.
Những bài toán như trên thực sự quá khó đối với học sinh tiểu học và nằm ngoài trải nghiệm thông thường của đại đa số chúng ta. Nhiều phụ huynh than phiền rằng họ không có khả năng trợ giúp con cái làm bài tập về nhà vì chẳng thể hiểu chúng đang học cái gì nữa. Thậm chí không ít giáo viên cũng phải vật lộn khi tìm hiểu về các khái niệm mới này. GS. George Simmons nhận xét: “New Math đã dạy nên những học sinh từng nghe nói về định luật giao hoán nhưng lại không biết bảng cửu chương”.
Sách giáo khoa hình học mới theo chương trình New Math cũng trình bày một định lý – đi kèm phần chứng minh dài nửa trang giấy – phát biểu: Nếu có ba điểm cùng nằm trên một đường thẳng thì một điểm phải nằm giữa hai điểm còn lại. Mặc dù đây là một định lý quan trọng đóng vai trò cơ sở của môn hình học, nhưng một số người, bao gồm nhà toán học George Pólya, lại cho rằng nó không nên được đưa vào giáo trình ở bậc sơ cấp. Ông nói nếu mình được yêu cầu nghiên cứu cách chứng minh một định lý như vậy ở trường trung học thì có lẽ đã từ bỏ học toán.
Tác giả Morris Kline trong cuốn Why Johnny Can’t Add: The Failure of the New Math (Tạm dịch: Tại sao Johnny không biết cộng? Sự thất bại của New Math) lý giải chương trình đã “hoàn toàn bỏ qua thực tế rằng việc học toán phải là một quá trình phát triển tích lũy, và một người sẽ không thể tiếp nhận các sáng tạo mới nếu chưa nắm vững những cái cũ.” Trước sự phản đối ngày càng tăng từ giáo viên, học sinh, các nhà khoa học và nhà sư phạm, New Math đã không còn được áp dụng nữa. Một số chuyên gia nhận xét bản thân ý tưởng không xấu, nhưng sai lầm lại nằm ở quá trình thực hiện.
Trong tiểu luận New Textbooks for the New Mathematics (Tạm dịch: Giáo trình mới cho chương trình dạy toán mới), nhà vật lý Richard Feynman đã đưa ra lời khuyên như sau cho các nhà giáo dục: “Một chương trình dạy và học mới, trước hết phải tôn trọng tự do tư tưởng; thứ hai, không nên chỉ chú tâm dạy những thuật ngữ và ngôn từ (tức khái niệm); thứ ba, đừng giới thiệu với người đọc bất cứ chủ đề nào mà chưa rõ mục đích hoặc lý do, hay thiếu vắng các cách thức để giúp họ khám phá ra thứ gì đó thú vị. Tôi không nghĩ việc dạy các tài liệu như vậy sẽ hữu ích, ...”.
Theo Amusing Planet