Thường bị lu mờ bởi cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề nước ngọt, cũng giống như đa dạng sinh học, là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.
Những cuốn sách về môi trường và kinh tế thường tạo ra một chút buồn phiền nơi người đọc bởi chúng luôn cho thấy chúng ta đã sai lầm trầm trọng như thế nào trong quá khứ. Giống hầu hết các tác giả của những cuốn sách như vậy, nhà báo Charles Fishman trong cuốn “Cơn khát khủng khiếp – Cuộc sống bí mật và tương lai đầy sóng gió của nước” đã chỉ cho chúng ta thấy rất nhiều điều tồi tệ đang diễn ra như thế nào, dù sau rốt, ông vẫn cố gắng đưa ra một kết luận lạc quan: “nói cho cùng, chúng ta có công nghệ và khoa học, và nếu chúng ta cư xử như những người trưởng thành có lý trí, biết cộng tác cùng nhau, hy vọng chúng ta có thể sửa chữa điều này!”
Bản tiếng Việt cuốn sách của Charles Fishman được xuất bản vào tháng 7/2022. Ảnh: TL
Có rất nhiều sự thật thú vị mà chúng ta có thể khám phá trong cuốn sách này. Về tổng quan, “Cơn khát khủng khiếp” nói về nước, quản lý nước và tiết kiệm nước. Chúng ta thường xuyên ngộ nhận rằng nhân loại giờ đây quá đông và không đủ nước cho tất cả. Nhưng Fishman phản bác điều này: ông tin rằng chúng ta có đủ nước. Nhưng chúng ta đã không phân phối hoặc quản lý nó một cách khôn ngoan. Trong cuốn sách này, ông kể cho chúng ta nghe về những mẫu hình đã thành công trong việc thoát khỏi kỷ nguyên khô cạn như thế nào. Ông cũng kể về sự phát triển phi thường của công nghệ nước trong thế kỷ 20 - điều mà hầu hết chúng ta coi là đương nhiên; trong khi chỉ mới gần đây thôi, người dân khắp nơi phải mất hàng giờ mỗi ngày chỉ để gánh đủ nước sinh hoạt và hiện nay vẫn còn non nửa thế giới tiếp tục làm như vậy.
Nhà máy khử mặn nước biển Hadera ở Israel. Ảnh: TL
Fishman khảo sát ba “mô hình điển hình” - Las Vegas, Úc và Ấn Độ. Las Vegas, một thành phố mọc lên giữa sa mạc, nơi người ta đến và trả hàng trăm đô-la một đêm để được ngủ trong những căn phòng khách sạn nhìn ra những đài phun nước khổng lồ. Nguồn cung cấp nước từ Hồ Mead của Las Vegas ngày càng trở nên khan hiếm. Để đối phó, thành phố đã đưa ra một số lựa chọn rất thông minh và áp đặt những hạn chế về sử dụng nước nghe dường như là khá ngặt nghèo đối với phần lớn người Mỹ: mỗi người phải giảm 108 gallon (tương đương 0,4m3) mỗi ngày, giúp Las Vegas tiết kiệm được 216 triệu gallon (tương đương hơn 817 nghìn m3 nước) mỗi ngày. Nhưng Las Vegas đã chứng minh rằng người dân và du khách của họ hoàn toàn có thể sống thoải mái dưới một chế độ tiết kiệm nước như vậy. Chưa hết, thành phố vẫn đủ nước để tưới cho những sân golf sang trọng trên sa mạc. Nếu làm một phép so sánh thì người dân Las Vegas sử dụng (và lãng phí) ít nước hơn nhiều so với nông dân.
Nước Úc cũng phải hứng chịu hạn hán trong nhiều năm, và dường như điều này sẽ không sớm kết thúc. Một trong những cây trồng chính của Úc là lúa gạo. Đúng vậy, người Úc trồng lúa - một loại cây lương thực cần rất nhiều nước - và họ trồng nó trên sa mạc. Điều này nghe có vẻ không tưởng, nhưng mọi thứ thực ra sẽ vẫn ổn nếu thường xuyên có mưa lớn và những dòng sông thì đầy ắp nước như trước kia. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi: những con sông đã khô cạn và nếu chúng ta tin vào giả thuyết biến đổi khí hậu, thì hình ảnh về những con sông đầy ắp nước trong quá khứ có thể sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Trong cuốn sách của Fishman, chúng ta tìm thấy câu chuyện thú vị về thành phố Toowoomba của Úc. Một đợt hạn hán kèo dài 3 năm đã khiến mực nước ở các hồ chứa của Toowoomba tụt 90%. Nhưng đến năm 2009, Toowoomba đã được “giải cứu”. Thành phố đã xử lý nhanh gọn các vấn đề thiếu nước của mình bằng cách tận dụng nguồn nước thải nhờ vào những nhà máy xử lý rất sạch và hiệu quả - mọi việc đều tốt đẹp ngoại trừ việc ban đầu có một bộ phận cư dân suýt phát điên vì ý tưởng mình sẽ phải uống “nước thải”. Trên thực tế, ở Úc hiện nay ngày càng có nhiều thành phố bắt đầu sử dụng nước thải và nước biển khử muối làm nguồn cung chính. Tuy nhiên, thật không may là quá trình khử muối không hẳn là một phép thuật kỳ diệu biến nước biển thành nước uống chỉ với một khoản đầu tư đơn giản. Nó tiêu thụ một nguồn năng lượng rất lớn - và do đó làm tăng sự nóng lên toàn cầu - và phải tốn chỗ chôn lấp lượng muối khổng lồ được chiết xuất từ quá trình đó.
Mô hình thứ ba, đó là Ấn Độ, nơi mà ngay cả những người giàu có cũng có xu hướng sử dụng nước công cộng, dẫu rằng không thật thường xuyên. Hệ thống đường ống cấp nước của Ấn Độ không hiệu quả, lãng phí và bất hợp lý về mặt kỹ thuật. Ở đây, hàng triệu trẻ em gái không thể đến trường vì quá bận rộn đi lấy nước sinh hoạt từ các vòi công cộng về cho gia đình. Fishman cho rằng: “Ấn Độ chỉ đơn giản là quản lý nước kém. Đất nước này có đủ nước, thừa những người thông minh và thừa tài nguyên. Cái mà Ấn Độ không có hay còn thiếu đó là văn hóa coi trọng nước - nước, dịch vụ nước, phương pháp quản lý nước”.
Theo Fishman, tất cả những vấn đề đó thực sự có thể giải quyết được, thông qua sự kết hợp nhịp nhàng của các phương tiện công nghệ, kinh tế và xã hội. Nó cũng sẽ đòi hỏi chúng ta phải hành động như những người lớn có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu. Kết luận của Fishman khá là hợp lý, nhưng lập luận của ông dựa trên giả định rằng chính nền kinh tế thị trường sẽ khắc phục tình trạng thiếu nước, giả định rằng các chính phủ và các lợi ích doanh nghiệp và nông nghiệp sẽ không bóp méo và thao túng thị trường. Hiển nhiên, những giả định đó còn cần được thời gian kiểm chứng.
Tác giả cuốn sách nhấn mạnh, trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, hầu hết chúng ta vẫn chưa sử dụng hết nguồn nước ngọt có thể uống được. Nhưng những hành động phát triển không bền vững sẽ tiếp tục diễn ra: không quý trọng nước, sử dụng nó lãng phí, làm nó bị ô nhiễm, và quản lý nó sai lệch. Ngày càng có nhiều nhà thủy văn, kinh tế học, chính trị gia cảnh báo những vấn nạn cục bộ về nước sẽ cộng hưởng với nhau và đẩy Trái đất vào một “khủng hoảng trầm trọng” về nước. Theo Fishman, để ngăn chặn việc xảy ra tình trạng khẩn cấp đó, chúng ta phải xác định lại cách chúng ta nghĩ về nước và sử dụng nó. Nói ngắn gọn, chúng ta phải học cách đối xử với nước dựa trên chính bản chất của nó: một tài nguyên có giá trị nhất trên Trái đất.