Chúng ta không giỏi dự đoán điều gì sẽ khiến mình hạnh phúc - đó là một phát hiện của các nhà kinh tế học ở Đại học Basel, sau khi điều tra tác động của việc mua nhà đến mức độ hài lòng trong cuộc sống.

Một cái sân rộng, nhiều không gian hơn, hay được gia đình và bạn bè ngưỡng mộ - lý do để mua nhà của mỗi người có thể khác nhau, nhưng mục tiêu thì như nhau: rốt cuộc, đây là một khoản đầu tư cho hạnh phúc.

GS.TS Alois Stutzer và TS Reto Odermatt ở Khoa Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Basel, đã kiểm tra xem liệu người mua nhà có hài lòng hơn với cuộc sống như họ kỳ vọng sau khi chuyển vào ngôi nhà mới hay không.

Các tác giả đã đánh giá nhận định của hơn 800 chủ sở hữu nhà tương lai ở Đức, được lưu tại Ban Kinh tế xã hội Đức (GSOEP). Tập dữ liệu chứa thông tin về mức độ hài lòng trong cuộc sống mà người ta mong đợi và trên thực tế. Trên thang điểm từ 0 đến 10, những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ hạnh phúc hiện tại của bản thân và dự đoán mình sẽ ở đâu trên thang điểm sau 5 năm nữa. Kết quả chỉ ra rằng trên thực tế, việc sở hữu nhà làm tăng hạnh phúc, nhưng không đến mức như chính những người chủ tương lai dự đoán.

Ngôi nhà mới đem lại mức độ hạnh phúc nhất định mà thôi
Ngôi nhà mới đem lại mức độ hạnh phúc nhất định mà thôi


Ý thức về địa vị thổi phồng sự lạc quan

Thời điểm để người tham gia trả lời các câu hỏi về mức độ hài lòng đối với cuộc sống trong tương lai nằm trong khoảng từ ba tháng trước khi chuyển nhà đến một năm sau khi chuyển vào. Việc lựa chọn thời điểm này được cho là phù hợp, bảo đảm rằng người được hỏi có khái niệm cụ thể về ngôi nhà mới sẽ thế nào, nhưng họ vẫn chưa thích ứng hoàn toàn.

“Sự thích ứng tác động tương đối đến mức độ hài lòng trong cuộc sống. Người ta thường dự đoán nó, nhưng lại đánh giá thấp nó," Reto Odermatt nói. "Mặt khác, khi dự đoán về mức độ hài lòng đối với cuộc sống tương lai sau khi chuyển đến ngôi nhà của riêng mình, người ta dường như hoàn toàn không quan tâm đến sự thích nghi.” Theo đó, những người tham gia đã đánh giá quá cao giá trị gia tăng về trung hạn của việc sở hữu nhà.

Tuy nhiên, giữa những người tham gia có điểm khác biệt: những người cho rằng tiền bạc và thành công cực kỳ quan trọng thường đánh giá quá cao mức độ hài lòng trong cuộc sống mà việc mua nhà sẽ mang lại. Trong khi những người coi trọng gia đình và bạn bè hơn lại không như vậy - các nhà nghiên cứu lưu ý.

Điều này nhấn mạnh một thực tế rằng con người không nhất thiết hành động theo ưu tiên của mình khi ra quyết định, mà hành động theo niềm tin - đôi khi bị bóp méo - về ưu tiên của mình. Niềm tin này lại có thể chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như xã hội, cha mẹ hay các giá trị được quảng cáo. Theo Odermatt, sẽ có lợi nếu chúng ta hiểu biết về tác động những loại ảnh hưởng này tới nhận thức – do đó ảnh hưởng tới quyết định của mình - chẳng hạn, để chống lại sự thao túng từ các nhóm lợi ích thương mại.

Chúng ta không chắc đã biết điều gì tốt cho mình

“Trong kinh tế học, chúng ta thường cho rằng người tiêu dùng có quyền tối thượng. Nói cách khác, chúng ta biết điều gì là tốt cho mình”, nhưng các nhà nghiên cứu không cho rằng như vậy. Nghiên cứu này cho thấy chúng ta có thể ước tính sai yếu tố hạnh phúc của một quyết định, do đó không hành động theo lợi ích tốt nhất của mình.

Để chống lại xu hướng này, chúng ta nên xem xét lại các giá trị của bản thân, nhất là trước khi đưa ra các quyết định quan trọng. “Con người có xu hướng đánh giá quá cao các giá trị vật chất và điều này thường dẫn đến những tiên liệu không chính xác. Do đó, so với các giá trị bên ngoài, các giá trị nội tại dường như là một la bàn tốt hơn để tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống”, Odermatt kết luận.

Nguồn: