Nick Hess chỉ ăn vài miếng khoai tây chiên là say liểng xiểng chẳng khác gì như say bia, rượu. Không riêng gì Nick, một số người cũng lâm vào tình cảnh say xỉn tương tự khi ăn dù chỉ một chút tinh bột và đường.
Không uống rượu vẫn say bí tỉ
Nick từng cảm thấy rất sợ hãi vì không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Anh chỉ cần ăn một chút thực phẩm giàu tinh bột như vài miếng khoai tây chiên hay một chút khoai tây nghiền là sau đó sẽ gặp phải các triệu chứng giống như người say rượu, bao gồm: Choáng váng, đau đầu, nôn mửa, không kiểm soát được hành vi...
“Thật kỳ lạ, tôi ăn một chút tinh bột và mỗi sáng thức dậy tôi sẽ bị nôn mửa, say xỉn. Đôi khi tình trạng say đến từ từ trong một vài ngày, nhưng đôi khi nó đột ngột đến như thể: Bùm! Tôi say” - người đàn ông sống ở Columbus, Ohio (Mỹ) cho biết.
Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của Nick mà còn ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình anh. Vợ Nick - chị Karen Daw - ban đầu nghi ngờ chồng nghiện rượu nên đã lục tung khắp nhà để tìm nơi anh giấu rượu.
“Mỗi tối, chúng tôi cùng xem tivi và đến lúc sắp đi ngủ, Nick bắt đầu đi đứng không vững và nói năng lèm bèm, hơi thở nồng nặc mùi cồn. Tôi tìm khắp nhà xem Nick giấu bia, rượu ở đâu nhưng chẳng tìm thấy gì cả. Điều đau khổ nhất là tôi không tin tưởng Nick” - chị Karen Daw chia sẻ.
Matthew Hogg - 37 tuổi, ở Yorkshire (Anh) - cũng tương tự. Kể từ năm 11 tuổi, Matthew luôn say mèm sau mỗi lần ăn một lượng nhỏ tinh bột hoặc đường với các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, dễ gây gổ.
Matthew khá là nhút nhát, trầm tính, hiền lành. Nhưng sau bữa ăn vài giờ, Matthew thường cư xử thô bạo, nói năng nhảm nhí và gây sự như một gã say.
Đến khi dứt cơn say, Matthew buồn bã, trách móc bản thân, nhưng anh cũng không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Vài người cho rằng Matthew bị quỷ ám hay mắc chứng bệnh kỳ quái nào đó.
Bố mẹ Matthew buộc phải đưa con đến gặp bác sỹ tâm lý; nhưng lần nào họ cũng chỉ nhận được lời khẳng định rằng con trai họ không có bất cứ biểu hiện bất thường nào.
“Mỗi lần ăn bánh mì, khoai tây hay tinh bột, chỉ vài giờ sau là tôi có cảm giác cơ thể mình liêng biêng. Chỉ cần ăn một phần cơm, tôi cũng say bí tỉ như vừa uống 3 chai rượu vang đỏ” - Matthew than thở.
Giải mã những cơn say vô cớ
Matthew chia sẻ, phải mất 20 năm anh mới rõ nguyên nhân mình thường xuyên say xỉn, dù không uống một giọt rượu.
Theo lý giải của các nhà khoa học, cả Matthew và Nick đều mắc phải “hội chứng đường ruột lên men” - một tình trạng hiếm gặp khi người bệnh có lượng men trong ruột cao gấp nhiều lần so với người bình thường.
Những người mắc hội chứng này có đường ruột được ví như một nhà máy sản xuất bia rượu tự động. Lượng tinh bột họ ăn vào đều bị chuyển hóa thành chất cồn, thẩm thấu trực tiếp vào máu khiến bệnh nhân say lướt khướt như đã uống nhiều bia, rượu.
Các bác sỹ tiến hành hàng loạt xét nghiệm, nội soi sau khi cho Nick ăn một bữa giàu tinh bột. Họ phát hiện nồng độ cồn trong máu của Nick tăng đến 120 miligram/100ml - ngang với trạng thái của người uống liền một lúc 7 cốc rượu whiskey.
“Anh ấy có lượng men trong ruột cao hơn bình thường tới 400%” - bác sỹ Anup Kanodia - người chữa trị cho Nick - cho biết.
Hội chứng đường ruột lên men được cho là xuất hiện lần đầu ở Nhật vào những năm 1970 và được các nhà nghiên cứu nước này ghi nhận.
Nữ bác sỹ Barbara Cordell - thuộc Đại học Panola (Texas) - cùng đồng nghiệp Justin McCarthy là những người đầu tiên xác định và nghiên cứu những trường hợp mắc hội chứng đường ruột lên men ở Mỹ.
Barbara bắt đầu quan tâm đến hội chứng kỳ lạ này từ năm 2005 sau khi bạn của bà - Joe - liên tục gặp các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, kiệt sức như người say và nồng độ cồn trong máu tăng lên đến 120 miligram/100ml dù không hề uống rượu.
“Tất cả chúng tôi đều uống một ly vang; nhưng kết quả đo nồng độ cồn của Joe cao hơn gấp 3 lần so với bất cứ người nào khác” - Barbara Cordell nói.
Tại Mỹ, hiện khoảng 50 người tuyên bố mình gặp tình trạng tương tự các bệnh nhân mắc hội chứng đường ruột lên men.
Theo Barbara, trong ruột người luôn có một lượng men nhất định và bình thường vi khuẩn đóng vai trò giữ cho lượng men này luôn ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc hội chứng lên men đường ruột luôn có lượng men cao bất thường, trong đó chiếm phần lớn là một chủng men có tên saccharomyces cerevisiae - vốn được những người làm bia gọi là “men bia”.
Hiện chưa có biện pháp chữa trị tận gốc hội chứng đường ruột lên men. Do đó, những bệnh nhân mắc hội chứng này buộc phải “sống chung với lũ”. Họ thường được kê đơn thuốc hạn chế quá trình tiết men ruột, đồng thời phải thực hiện chế độ ăn ít tinh bột để tránh những cơn say túy lúy.