Khá lâu trước khi Tổng thống John F. Kennedy đọc bài diễn văn truyền cảm hứng ‘We choose to go to the Moon’ (Chúng tôi chọn đi lên Mặt trăng) trước đám đông tại Sân vận động Rice Stadium ở Houston (Texas) tháng 12/1962, Không lực Hoa Kỳ đã quyết định phải làm điều này, có khác chỉ là mang lên đó thứ gì.
Nếu Tổng thống Kennedy đã hình dung viễn cảnh người Mỹ sẽ dạo bước trên Mặt trăng thì giới tướng lĩnh nắm quyền lại tưởng tượng ra một đám mây hình nấm khổng lồ, thứ sẽ đánh vào nỗi sợ hãi của người dân ở tất cả các quốc gia khác, đồng thời làm tăng cường sự ngưỡng mộ trước sức mạnh công nghệ và quân sự của Mỹ.
Năm 1957, Liên Xô đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi đưa Sputnik – vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người – đi vào quỹ đạo, trong khi các nhà chế tạo tên lửa của Mỹ hãy còn đang loay hoay với việc hoàn thiện hệ thống phóng phức tạp. Vụ tai nạn phát nổ (chỉ vài giây sau khi rời bệ) ngay trong lần phóng đầu tiên (6/12/1957) đã khiến tên lửa Vanguard bị báo chí chế diễu bằng nhiều cái tên như kaputnik, flopnik, puffnik hay stayputnik.
Sự tương phản này đã làm rất nhiều người Mỹ mất niềm tin vào triển vọng của đất nước, không chỉ trong lĩnh vực không gian. Nhờ Sputnik, Liên Xô đã cho thế giới thấy rằng họ đang nắm trong tay công nghệ tân tiến nhất, có thể tấn công bất cứ địa điểm nào trên Trái đất bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm cả lãnh thổ Mỹ mà không bị đáp trả.
Gần bốn tháng sau sự kiện Sputnik, và ba tháng sau khi Liên Xô đưa vệ tinh thứ hai (Sputnik 2) cùng sinh vật sống đầu tiên (chó Laika) lên vũ trụ, Hoa Kỳ rốt cuộc cũng phóng thành công vệ tinh đầu tiên của mình, Explorer 1, vào ngày 31/1/1958, nhưng với trọng lượng chỉ là 14 kg. Ngược lại, Sputnik 1 nặng đến 83,6 kg và tên lửa đẩy mang nó cũng là loại mạnh nhất từng được chế tạo. Cứ sau mỗi lần phóng, các thế hệ tên lửa của Liên Xô lại càng được nâng cấp về sức mạnh lẫn tải trọng (chỉ riêng Sputnik 2 đã nặng hơn nửa tấn). Đến tháng 5/1958, Liên Xô đã có vệ tinh thứ ba của mình trong không gian, Sputnik 3 – một phòng thí nghiệm lơ lửng phục vụ nghiên cứu khoa học có chiều cao khoảng 12 feet (3,66m) và nặng gần 1,3 tấn.
Trước việc bị Liên Xô bỏ xa trong cuộc đua lên vũ trụ, Hoa Kỳ chỉ còn biết săn lùng thứ gì đó có khả năng giúp họ tăng cường sự tự tin trong tuyệt vọng. Một số ý kiến cho rằng nước Mỹ nên quay trở về với những gì mà họ hiểu và làm tốt nhất: chế tạo vũ khí hạt nhân để thổi bay các mục tiêu. Đề xuất ở đây là: Tại sao không mang một quả bom nguyên tử lên Mặt trăng rồi kích nổ nó cho cả thế giới được chứng kiến? Một sự kiện chấn động như thế chắc chắn sẽ góp phần đưa nước Mỹ trở lại cuộc chơi một cách ngoạn mục. Và đó cũng chính là cách mà dự án Project A119 ra đời.
Ngay lập tức, một nhóm các nhà vật lý và thiên văn học đã được tập hợp để nghiên cứu khả năng thực hiện vụ nổ và quan sát nó từ Trái đất. Đó là mục tiêu số một bên cạnh rất nhiều kỳ vọng khác, như mối lưu tâm rằng liệu vụ nổ có gây hại cho môi trường trên Mặt trăng. Sau nhiều tính toán, người ta đã quyết định: thiết bị sẽ phải được kích nổ trong vùng chạng vạng để đám mây bụi sinh ra từ đó sẽ được Mặt trời chiếu sáng và nhìn rõ từ Trái đất. Nhà thiên văn học, tác giả nổi tiếng Carl Sagan (1934 – 1996), khi ấy đang là sinh viên tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS. Gerard Kuiper (1905 – 1973), cũng ở trong nhóm này. Ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu một mô hình toán để ước tính sự phát tán của đám mây bụi trong khoảng không xung quanh Mặt trăng.
Lúc đầu, một quả bom H (hydro) được cân nhắc sử dụng nhưng sau đó phải từ bỏ do nó quá nặng với hành trình di chuyển khoảng 240.000 dặm (384.000 km, từ Trái đất đến Mặt trăng). Thay vào đó, họ đã lựa chọn một thiết bị nhỏ hơn với công suất tương đối thấp – chỉ 1,7 kiloton. Để so sánh, quả bom Little Boy mà Không lực Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945 thời Đệ nhị Thế chiến có công suất khoảng 13 – 18 kiloton.
A119 được tiến hành cho đến tháng 1/1959 thì bị dừng lại đột ngột. Sau đó, nó được xếp vào loại “tuyệt mật” và tất cả những ai tham gia phải tuyên thệ sẽ không tiết lộ nửa lời. Mãi đến giữa những năm 1990, tác giả Keay Davidson mới phát hiện ra sự thật khi thực hiện các nghiên cứu để viết tiểu sử về cuộc đời Carl Sagan. Dường như Sagan đã để lộ thông tin gì đó khi xin học bổng sau tiến sỹ tại Đại học California Berkeley và bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia. Đến năm 2000, sau khi cuốn tiểu sử được công bố, thêm nhiều chi tiết mới về A119 mới được hé lộ – nhà vật lý Leonard Reiffel (1927 – 2017), trưởng nhóm nghiên cứu, đã quyết định không còn ẩn mình mà bước ra công khai với báo chí.
“Chúng tôi thật sự chưa đạt được nhiều kết quả”, TS. Reiffel nói với NY Times. “Dự án chỉ diễn ra trong khoảng chưa đầy một năm, và còn quá sớm để có thể lập kế hoạch cho một vụ oanh tạc. Chúng tôi mới chỉ dự đoán được một số hiệu ứng có thể xảy đến. Lập luận thực sự mà tôi cùng với nhiều người khác đằng sau cánh cửa đóng kín đưa ra, là không thể phá hủy môi trường nguyên sơ của Mặt trăng. Ngoài ra, còn rất nhiều cách khác để gây ấn tượng với công chúng và chứng tỏ với họ rằng chúng ta sẽ không bị người Nga áp đảo.”
“Thật may rằng tư duy của các lãnh đạo sau đó đã thay đổi”, TS Reiffel nói thêm. “Tôi cảm thấy kinh hoàng khi một ý tưởng như vậy đã từng được xem xét, chỉ vì để gây xôn xao dư luận.”
TS David Lowry, nhà sử học người Anh (chuyên về lịch sử hạt nhân), đã gọi đó là một dự án bẩn thỉu. “Thử tưởng tượng, sự tiếp xúc đầu tiên mà con người có được với một thế giới khác lại là thông qua việc kích nổ bom hạt nhân. Nếu dự án vẫn tiếp tục và diễn ra theo đúng kỳ vọng của những cái đầu hiếu chiến, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy được hình ảnh lãng mạn của Neil Armstrong khi đại diện cho nhân loại ghi dấu một bước tiến vĩ đại,” ông nói.