Một con người phi thường của Đế chế La Mã xa xưa.
Trong số vô vàn thành tựu của Đế chế La Mã mà ngày nay vẫn còn gây kinh ngạc, các sử gia đã liệt kê ra những thứ như cầu dẫn nước, đường sá, học thuyết về luật pháp, các công trình kiến thúc phi thường và sự lan tỏa của tiếng Latin như là ngôn ngữ trí tuệ (cùng với bảng chữ cái Latin mà ngày nay được tưởng niệm dưới dạng nhiều phông chữ phổ biến). Tuy thế, ít ai biết Rome có những tiến bộ đáng kể về khoa học cơ bản.
Song, trong lĩnh vực trình bày và bảo tồn kiến thức về tự nhiên, một người La Mã đã nổi bật hẳn lên so với những người đương thời. Ông là nhà bác học Gaius Plinius Secundus, hay còn được gọi là Pliny Già, người tiên phong biên soạn kiến thức khoa học bằng cách xem xét và tổng hợp lại những tác phẩm đã được xuất bản trước đó.
Nếu ông bất tử thì năm nay Pliny sẽ tổ chức ăn mừng sinh nhật thứ 2.000 của mình. Không ai biết chính xác ngày sinh tháng đẻ của ông, nhưng chúng ta có thể luận ra là năm 23 CN vì người cháu của ông là Pliny Trẻ đã ghi lại chú mình mất năm bao nhiêu tuổi. Pliny Già qua đời vào ngày 25/8/79 CN, cái ngày ngọn núi Vesuvius phun trào, chôn vùi thành phố Pompeii và Herculaneum trong tro bụi núi lửa.
Pliny sinh ra tại Como, Ý, trong một gia đình được trọng vọng. Nhờ thế, ông được gửi tới Rome để tiếp thu tinh hoa kiến thức, và rồi theo đuổi nghiệp binh đao, bao gồm làm chỉ huy một sư đoàn kỵ binh tại Đức. Trong khoảng thời gian đóng quân tại đây, ông viết một cuốn sách về lịch sử hoạt động quân sự của quân đội La Mã ở vùng này, sau khi sáng tác chuyên luận đầu tiên về cách làm sao để phóng lao tốt nhất, tác phẩm này hiện đã bị thất lạc.
Vào khoảng năm 58 CN, Pliny quay lại Rome. Tại đây, ông tập trung viết về ngữ pháp và hùng biện, có thể ông còn hành nghề luật nữa. Trong nhiều năm liền, ông tránh né tham gia vào chính phủ, có lẽ bởi vì ông không ủng hộ Hoàng đế Nero, vị bạo chúa khét tiếng tàn độc và trụy lạc trong lịch sử. Song ông lại thân thiết với Vespasian, người sẽ lên nắm quyền vào năm 69 CN. Sau khi ngôi vị Hoàng đế thay đổi, Pliny nhanh chóng đảm nhận các vị trí trong chính quyền tại những tỉnh thuộc La Mã tại Tây Ban Nha, Pháp và có thể cả châu Phi nữa.
Pliny giống như một con người Phục hưng, trước cả khi phong trào này diễn ra một thiên niên kỷ rưỡi sau đó. Ngoài thực hiện nghĩa vụ đối với Đế chế La Mã ở vai trò chỉ huy quân sự và chính khách, ông còn hăng say tìm hiểu về luật pháp, ngôn ngữ, địa lý và mọi phân ngành của khoa học tự nhiên. Có lòng hiếu kỳ mạnh mẽ về mọi thứ trên đời, Pliny nghiên cứu không biết mệt mỏi tới nỗi không thiết ngủ vì nó khiến ông không tiếp tục công việc của mình được, ông cũng ghét cả đi bộ nữa, bởi ông không tài nào vừa đi vừa viết.
Bất kể trong giai đoạn nào của cuộc đời Pliny cũng đều hăng hái đọc sách (hoặc đòi người đọc sách thành tiếng cho ông nghe). Ông thu thập các kiến thức về thế giới tự nhiên, với mục đích biên soạn một cuốn sách toàn diện bao gồm mọi tri thức về thiên nhiên mà những bậc tiền bối đã tích lũy được. Thời đó, chưa từng có một người nào biên soạn cuốn bách khoa về khoa học tự nhiên cả. (Trên thực tế, khái niệm về “bách khoa” vẫn chưa được biết tới vào thời đó).
Pliny đã xem hàng trăm văn bản cổ của những tác giả lẫy lừng nhất trong mọi lĩnh vực khoa học, để rồi trích ra hàng ngàn dữ liệu cụ thể nhằm lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Như nhà cổ điển học quá cố David Eichholz đã viết, động lực của Pliny là “nỗi lo lắng muốn bảo vệ tri thức khoa học của những thời đại trước đó không bị sự thờ ơ của hiện tại lãng quên.”
Và thành quả của bao năm tháng miệt mài cùng công sức phi thường đó là bộ kiệt tác gồm 37 tập có tên Natural History (Lịch sử Tự nhiên), nó đã ghi lại và sắp xếp theo hệ thống toàn bộ kiến thức của nhân loại về tự nhiên. Ông xuất bản pho sách này vào năm 77CN, hai năm trước khi núi lửa Vesuvius phun trào.
Khi sự việc bi thảm này diễn ra, Pliny đã chỉ huy một hạm đội tàu chiến đi tới vùng phụ cận của núi lửa, có lẽ là ông tò mò với sự kiện này, cũng có thể ông dự định giải cứu các nạn nhân. Tương truyền là Pliny tử vong vì hít phải khói núi lửa độc hại, song một số nhà sử học lại nghi ngờ rằng ông lên cơn đau tim.
Mở đầu Tập 1 của pho sách Natural History, ông viết lời đề tặng dành cho Hoàng đế Titus (con trai của Vespasian) và liệt kê những nội dung tiếp theo. Cuốn đầu tiên này sẽ bao gồm kiến thức về vũ trụ, các thiên thể và các nguyên tố. Một số cuốn sách tiếp theo là về địa lý của Trái đất và những cư dân của nó. Cuốn thứ 7 bàn về con người và các phát minh. Rồi tới các loài động vật (trên cạn và dưới biển), tiếp đó là một cuốn sách về các loài chim và côn trùng. Nhiều tập nối tiếp là về vô số khía cạnh của các loài thực vật, cây cối, các loài hoa và quả, cùng cách thức trồng trọt. Kế cận chủ đề làm vườn là một số cuốn về cách sử dụng các sản phẩm thực vật trong y học. Từ đây sẽ đề cập nhiều hơn về y học, với lời bình luận về những dược chất có nguồn gốc từ động vật. Pliny kết thúc bộ sách đồ sộ với năm tập về kim loại và khoáng chất, bao gồm vai trò của chúng trong vẽ tranh, cung cấp những ghi chép chi tiết sớm nhất về lịch sử hội họa.
Các cuốn sách của Pliny là một nguồn đáng tin cậy gồm những thông tin về tự nhiên trong hàng thế kỷ. Bộ Natural History tiếp tục được sử dụng làm một nguồn thiết thực đối với kiến thức y học và khoa học cho tới tận thế kỷ 16. Ngày nay, nó vẫn là một nguồn hữu ích cho các học giả nghiên cứu tri thức cổ đại. Trên thực tế, đôi khi nó vẫn được trích dẫn trong các bài báo khoa học ngày nay. Chẳng hạn, trong Annual Review of Cell and Developmental Biology (Đánh giá hàng năm về tế bào và sinh học phát triển), Sarah M. Mohr và đồng nghiệp đã nhận định Pliny là một trong những tác giả sớm nhất mô tả quá trình ngủ đông. Theo Steven H.D. Haddock và các đồng tác giả đã báo cáo trong Annual Review of Marine Science (Đánh giá hàng năm về khoa học biển) vào năm 2010, Pliny được coi là người đầu tiên ghi nhận phát quang sinh học (trong các con sứa) – một chủ đề nghiên cứu nóng trong thế kỷ 21.
Tuy có nhiều lợi ích là vậy, bộ bách khoa Natural History của Pliny có một nhược điểm nghiêm trọng. Đó là Pliny quá cả tin vào mọi điều mình đọc được từ các học giả cổ đại và cứ thế chép lại mà không kiểm chứng độ chính xác của thông tin. Cuốn sách của ông về động vật trên cạn có cả kỳ lân một sừng. Pliny viết, đây là một “con vật vô cùng hung hãn, có một chiếc sừng đen nhô ra từ giữa trán”. Nếu bạn cho rằng biết đâu ông đang tả một con tê giác thì sao, thì câu trả lời là không phải đâu, vì ở chỗ khác ông đã đề cập tới con vật này. Ông còn nhắc tới con vật trong truyền thuyết của người Ethiopia là catoblepas, một quái thú mình trâu đầu lợn lòi, trên lưng có vảy, đầu lúc nào cũng chúi về đằng trước vì sức nặng. Con vật này mang lại chết chóc “vì những ai nhìn vào mắt nó đều tử vong ngay tức khắc”. Ông mô tả cả basilisk, một loài rắn trong thần thoại cũng có thể giết người bằng ánh nhìn, phá hoại thực vật khi chạm vào hay bằng hơi thở của nó.
Nguồn: knowablemagazine.org