Việc phục dựng con khủng long kéo dài 3,5 tháng với sự tham gia của 4 - 6 người đúc khung và 3 - 10 người lắp ráp bộ xương.

phuc-dung-khung-long-lon-nhat-the-gioi

Bộ xương titanosaur trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York, Mỹ. Ảnh: Scientific American.

Năm 2013, một người chăn cừu phát hiện mẩu xương hóa thạch đồ sộ của loài khủng long nhô lên trên tảng đá ở trang trại La Flecha nằm giữa sa mạc trung tâm Patagonia.

Các nhà nghiên cứu đến từ Bảo tàng Cổ sinh vật học Egidio Feruglio (MEF) tại Trelew, Argentina, dựng trại tại khu vực và tiến hành khai quật. Họ phát hiện đây là chiếc xương đùi có kích thước lớn nhất từ trước tới nay với chiều dài 2,4 m. Sau khi cuộc khai quật kết thúc, họ còn tìm thấy 223 chiếc xương thuộc 7 mẫu vật. Mô hình sợi thủy tinh phỏng theo bộ xương của loài khủng long kỷ Creta này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York, Mỹ (AMNH).

Mô hình cao 5,8 m và dài 37,5 m hé lộ hình ảnh của loài khủng long khổng lồ chuyên ăn thực vật thuộc nhóm titanosaur, sống trong những khu rừng ở cực nam Nam Mỹ (Patagonia) cách đây 95 - 100 triệu năm. Đây có thể là loài khủng long lớn nhất từng được phát hiện nhưng chưa có tên khoa học chính thức.

Do những chiếc xương được tìm thấy trong tình trạng lẫn lộn, nhóm nghiên cứu không thể tạo ra một mẫu vật hoàn chỉnh. Điều này có nghĩa bộ xương trưng bày ở New York là sự kết hợp giữa những chiếc xương cũ và kỹ thuật phục dựng dựa theo chi tiết lấy từ các loài họ hàng gần.

phuc-dung-khung-long-lon-nhat-the-gioi-1

Chiếc xương đùi dài 2,4 mét của con khủng long. Ảnh: BBC.

Công ty Research Casting International (RCI) ở Trenton, Ontario, Canada, được giao phục dựng bộ xương của loài khủng long. Họ bắt đầu công việc trước khi những chiếc xương được lấy khỏi lớp đá trầm tích. Tháng 2/2015, đội phục dựng xem xét số xương hóa thạch mới tìm thấy một nửa ở khu vực khai quật và tiến hành quét kỹ thuật số, theo Peter May, chủ tịch RCI. Họ quay trở lại một lần nữa vào tháng 5/2015 để quét nốt phần còn lại.

Theo May, phục dựng một con vật có kích thước lớn như vậy không phải nhiệm vụ dễ dàng. Để tránh những sợi cáp thả từ trần nhà có thể biến bộ xương khủng long thành một cây cầu treo sinh học, nhóm của May sử dụng khung thép cứng bên trong để đỡ phần cổ và đuôi dài của con vật. Việc phục dựng con khủng long kéo dài 3,5 tháng với sự tham gia của 4 - 6 người đúc khung và 3 - 10 người lắp ráp bộ xương.