Để chạy trốn khỏi hiện trường một vụ giết người, tên tội phạm Thomas Jennings đã bám vào lan can vừa mới sơn xong. Hắn đã vô tình để lại một thứ có thể làm thay đổi công việc điều tra tội phạm sau này, đó chính là dấu vân tay.

Thomas Jennings, kẻ đã sát hại ông Hiller trong vụ án năm 1910. Ảnh: Getty
Thomas Jennings, kẻ đã sát hại ông Hiller trong vụ án năm 1910. Ảnh: Getty

Bằng chứng không thể chối cãi

Khoảng 2 giờ sáng ngày 19/9/1910, Clarence Hiller, một nhân viên đường sắt sống ở Chicago, Mỹ, đột ngột thức dậy khi nghe thấy tiếng la hét của vợ và con gái. Hiller nhanh chóng phát hiện nhà có trộm và rượt đuổi theo kẻ đột nhập. Trong vụ ẩu đả sau đó, cả hai người đàn ông ngã xuống cầu thang. Clarice, con gái của Hiller, nhớ lại đã nghe rõ ba phát súng. Hàng xóm chạy sang giúp đỡ nhưng tên trộm cố gắng đào tẩu, để lại Hiller hấp hối ngay trước cửa.

Cuối cùng, kẻ tấn công không thể chạy xa. Thomas Jennings – một người đàn ông người Mỹ gốc Phi vừa ra tù 6 tuần – bị chặn lại cách hiện trường vụ án khoảng 800 m. Jennings mặc một chiếc áo choàng rách, dính máu và mang theo khẩu súng lục. Tuy nhiên, thứ mà Jennings để lại ở hiện trường đã trở thành bằng chứng buộc tội hắn tại phiên tòa xét xử, đó là dấu vân tay trên một lan can vừa mới sơn xong. Jennings đã bám vào lan can để nhảy qua cửa sổ nhà Hiller. Cảnh sát tiến hành chụp ảnh và cưa đứt lan can, tuyên bố nó sẽ là vật chứng có thể chứng minh danh tính của trên trộm. Vụ án giết Hiller đã dẫn đến việc lần đầu tiên một phiên tòa xét xử tại Mỹ sử dụng dấu vân tay để kết án.

Hiện nay, phương pháp thu thập và so sánh dấu vân tay để phục vụ quá trình điều tra về cơ bản giống như khi nó lần đầu tiên được áp dụng tại các sở cảnh sát Mỹ. Cụ thể, người ta vẫn giám định dấu vân tay dựa trên mô tả về ba dạng đường vân cơ bản: dạng vân hình cung, dạng vân móc và dạng vân xoáy do Sir Francis Galton phân loại vào cuối thế kỷ 19.

Các luật sư bào chữa cho Jennings đặt ra câu hỏi về mức độ chính xác của kỹ thuật so sánh dấu vân tay vào thời điểm đó, cũng như một bằng chứng như vậy có được xem là hợp pháp tại tòa án hay không. Nhóm phản biện của Jennings thậm chí còn đề nghị lấy dấu vân tay từ cộng đồng để tìm ra một dấu vân tay tương tự, nhằm bác bỏ giả thuyết cho rằng dấu vân tay không bao giờ bị trùng lặp. Tuy nhiên, những lời biện hộ tại phòng xử án không được công nhận, thậm chí dấu vân tay của luật sư phản biện W.G Anderson hiện lên rõ ràng sau khi ông thách thức các chuyên gia tìm thấy nó trên mảnh giấy mà ông vừa chạm tay vào.

Hội đồng xét xử cuối cùng đã bỏ phiếu kết tội Jennings với hình thức xử phạt treo cổ. Tờ báo Decatur Herald gọi phiên tòa xét xử Jennings là “Bản án đầu tiên sử dụng bằng chứng dấu vân tay trong lịch sử nước Mỹ” với những nội dung mang tính chất kịch tính như “Kẻ giết Hiller đã vô tình để lại chữ ký của hắn trên lan can vừa mới sơn ở nhà nạn nhân”.

Mức độ chính xác của bằng chứng dấu vân tay

Khái niệm xác định danh tính của một người bằng dấu vân tay lần đầu tiên xuất hiện tại châu Âu trước khi xảy ra vụ án giết Hiller 18 năm. Nó được nghiên cứu kỹ lưỡng và ghi chép trong tác phẩm “Dấu vân tay” của Sir Francis Galton vào năm 1892. Galton là anh em họ với nhà tự nhiên học nổi tiếng Charles Darwin. Ông đã tiến hành một loạt thí nghiệm nhân trắc học nhằm liên kết đặc điểm tính cách và trí tuệ của con người với đặc điểm thể chất và di truyền. Tuy nhiên, Galton không tìm thấy sự khác biệt lớn nào trong hình dạng dấu vân tay của những chủng tộc người khác nhau. Ngay cả đại văn hào Mark Twain cũng bị lôi cuốn vào cách người ta sử dụng dấu vân tay để truy bắt tội phạm. Ông đưa ra khái niệm “chữ ký sinh học của tên sát nhân” khi nói về dấu vân tay nhuốm máu trên con dao để ở giữa phòng xử án trong cuốn tiểu thuyết Pudd’nhead Wilson từng được xuất bản nhiều năm trước khi xảy ra vụ án giết Hiller.

Sau cáo trạng chống lại Jennings, các luật sư đã gặp không ít khó khăn trong việc giúp thừa nhận kỹ thuật dấu vân tay tại tòa. Sau hơn một năm kháng cáo, Tòa án Tối cao Illinois (Mỹ) quyết định giữ nguyên bản án dành cho Jennings vào ngày 21/12/1911, và tuyên bố rằng việc thi hành án sẽ sớm được thực hiện. “Chúng ta không thể khước từ phương pháp nhận dạng bằng dấu vân tay trong hệ thống tư pháp. Những bằng chứng thu được đủ để kết tội Jennings”, theo phán quyết của tòa án. Đây là điểm khởi đầu của một sự thay đổi lớn, khi người ta không còn nghi ngờ về việc sử dụng bằng chứng dấu vân tay trong phòng xử án trên toàn nước Mỹ.

“Do dấu vân tay của mỗi người là duy nhất nên nó có thể được dùng để nhận dạng với độ chính xác cao”, Simon A. Cole, giáo sư về tội phạm học tại Đại học California (Mỹ), cho biết. “Điều này giống như khuôn mặt của chúng ta không giống nhau, ngay cả các cặp sinh đôi cũng có những nét khác biệt.”

Kỹ thuật dấu vân tay được xem xét lại một cách kỹ lưỡng vào năm 2004, khi luật sư Brandon Mayfield sống tại tiểu bang Oregon (Mỹ) bị bắt vì nghi liên quan đến một cuộc tấn công khủng bố vào đoàn tàu ở Madrid, Tây Ban Nha. Nguyên nhân là do cảnh sát nhầm lẫn khi đối chiếu với một dấu vân tay không hoàn chỉnh tại hiện trường vụ án. FBI sau đó đã công khai xin lỗi Mayfield. Những sự cố nghiêm trọng như vậy làm dấy lên hoài nghi về mức độ chính xác của bằng chứng dấu vân tay cũng như các trường hợp nhầm lẫn bị bỏ qua.

Trong một báo cáo được công bố năm 2009, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ đã đề cập đến những sai sót tương tự. Báo cáo thừa nhận rằng, không phải tất cả các bằng chứng dấu vân tay đều có mức độ chính xác như nhau. Giá trị của bằng chứng phụ thuộc vào chất lượng hình ảnh dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án.

“Kết luận của chuyên gia giám định dấu vân tay nhiều năm kinh nghiệm không dựa trên ý kiến chủ quan của cá nhân mà căn cứ vào kiến thức và kỹ năng chuyên môn thông qua đào tạo, rèn luyện”, William Leo, người lấy dấu vân tay của tên tội phạm Jennings, nói.

Mặc dù còn những hoài nghi trong các thập kỷ gần đây, nhưng các nhà điều tra vẫn tiếp tục sử dụng bằng chứng dấu vân tay để tìm ra kẻ phạm tội. Cho đến nay, kỹ thuật giám định vân tay được coi là một trong những biện pháp đưa ra chứng cứ buộc tội quan trọng trước tòa.