Mặc dù chưa phải là những gì “Trần Vũ” nhất, chưa làm độc giả lập tức bần thần và nháo nhào hỏi về tác giả đặng tìm kiếm tất cả cái viết của ông, thỏa mãn cuộc đọc có lẽ còn lâu mới hết hưng phấn nhưng Phép tính của một nho sĩ cũng phần nào cho thấy một Trần Vũ không giống với phần lớn các tác giả truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Phép tính của một nho sĩ (NXB Hội Nhà văn, 2019)
Phép tính của một nho sĩ (NXB Hội Nhà văn, 2019)

Gai góc, đa tầng nghĩa trong cái nhìn, cầu kì và nhuần nhuyễn trong từng câu chữ, dữ dội nhưng mơ hồ, đầy huyễn mộng trong cách tạo lập hình ảnh, chi tiết, Trần Vũ ở tập truyện trên vẫn khiến nhiều người đặt cược vào sự tái xuất đầy đặn tiếp theo của ông.

Sinh năm 1962, định cư ở Pháp năm 1979, bắt đầu gây chú ý trên văn đàn hải ngoại từ cuối thập niên 1980, và hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, Trần Vũ là hiện thân của kiểu trí thức - nhà văn di dân chủ động các lựa chọn cất tiếng nói. Khác với thế hệ nhà văn miền Nam di tản mang nặng di sản quá khứ, thường xuyên kẹt vào vòng loay hoay thích nghi văn hóa nơi trú xứ và chới với gây dựng không gian văn chương mới, Trần Vũ có may mắn bước vào giai đoạn, nói như Vũ Khắc Hoan, “trưởng thành” của sinh hoạt văn học và nghệ thuật Việt Nam hải ngoại. Cùng với những Trần Diệu Hằng, Nguyễn Thị Thanh Bình, Đỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hoàng Nam,…,Trần Vũ, vào thời điểm bắt đầu đăng in các tác phẩm đầu tay, dù sao cũng đã có một số lượng báo/tạp chí và độc giả văn chương tiếng Việt nhất định. Hơn nữa, thế hệ này, ngay sau đó, có sự hỗ trợ của internet nên về cơ bản, từ khoảng sau 2000, người đọc trong nước dần biết đến họ. Chính Trần Vũ cũng tham gia và sau đó trở thành yếu nhân của tạp chí Hợp Lưu (ra đời năm 1991), một tạp chí tiên phong kết nối văn chương, văn nghệ sĩ trong nước và hải ngoại.

Trần Vũ thường viết về lịch sử và đó cũng chính là lựa chọn mang đến danh tiếng cho ông. Tuy thế, xét một cách chặt chẽ, Trần Vũ không viết về lịch sử theo kiểu đu bám sự kiện, nhân vật để tái minh họa quá khứ; cũng không viết về lịch sử theo lối hư cấu hóa tuyệt đối nhằm chỉ thỏa mãn câu chuyện hiện tại. Lịch sử, trong cái nhìn Trần Vũ, tựa như những đường chỉ tay của cuộc đời, vừa dễ nắm bắt vừa khó phỏng đoán, vừa hư ảo nhầm lẫn vừa cụ thể xác quyết. Cố gắng của Trần Vũ là dò thấu ở lịch sử, ở cái gọi là tiếng vọng thời gian ấy những cắc cớ biến cố, những thanh âm lẩn khuất, những căn tính khó phai và từ đó, đưa ra thúc ước phải thừa nhận lầm lỗi, hệ lụy, những thất bại và tuyệt vọng, cay đắng. Về hình tượng Chu Văn An, vị nho sĩ thất bại trong việc dâng thất trảm sớ, Trần Vũ bình luận: “không ai viết sớ xin chém kẻ cầm quyền, khi chính kẻ ấy giữ đao trong tay, chăn đồ tể […] Quốc gia ở tính nhân, ở lòng chính trực. Lấy một thân thầy chống với thói gian tà, lấy một thân thầy cảnh cáo lương tri quốc dân”. Thầy Chu thua vì “số đông bao giờ cũng thắng”, vì tất cả quân quan triều chính ngu muội lún sâu vào sách vở thánh hiền. Nhưng giá trị của thầy Chu thuộc về thời gian khi mai hậu vỡ lẽ rằng chính trực và lòng thanh sạch, bất luận thế nào, đều vĩnh cửu. Về hình tượng Trần Thủ Độ dựng cơ nghiệp nhà Trần, bằng cách ghép ba góc kể chuyện khác nhau, Trần Vũ chủ ý phác họa bức tường “xây đắp hơn một trăm năm của tộc Trần […] sừng sững, ngạo mạn”, cho đến khi Trần Thiếu Đế mạt vận đơn độc quan sát ở bức tường “ánh sáng chỉ thoi thóp tắt dần khi trời ửng sáng”, hiểu ra “thứ ánh sáng huyễn mộng đó đến từ hào quang của quá khứ”. Vong hưng của triều đại, như Trần Vũ tiếp cận, đều có thể nghiến nát mỗi cá nhân và cho dù lịch sử được dùng để biên sự kiện, biên chuyện quốc gia đại sự, nhưng cũng không thể lờ đi nước mắt tủi nhục, những đau đớn thân thể lẫn bại hoại tâm trí.

Trong khi ngẫm suy quá khứ, diễn ngôn về bạo lực và dục tính được Trần Vũ tô đậm như một trọng âm. Hai đặc tính này không chỉ gắn với từng cá nhân riêng biệt mà còn thuộc về số đông. Nhiều chi tiết, hình ảnh, trường đoạn nhuốm màu phim “noir” (“đen”) thiên về cảm giác kinh sợ xuất hiện khá dày đặc trong tập truyện này. Như lớp lõi căn tính không bị bào mòn bởi kí ức và biến động thời cuộc, bạo lực và dục tính vẫn thấm sâu, xói mòn hiện tại, đẩy ngòi bút Trần Vũ rà đi miết lại trên những tọa độ ngặt nghèo mà xứ sở đã phải kinh qua: chiến tranh, li tán, dục vọng vương quyền, đạo đức hủ lậu. Chúng vây bủa mỗi người và dường như không mấy ai có thể thoát được bàn tay, ánh mắt vô hình của quá khứ lẫn các thiết chế truyền thống đang kiểm soát từng hành vi, tâm thế. Tách biệt quá khứ, lìa xa những ám ảnh, xóa bỏ sợ hãi, với các nhân vật trong truyện, tương tự như việc tự hủy diệt cội gốc, cuống nhau, mạch máu của mình. Trần Vũ không vội vàng tạo phép màu nào theo kiểu “kết thúc có hậu” cho hiện tại, tương lai. Trái lại, văn chương Trần Vũ khảo nghiệm khả năng chịu đựng của độc giả trước nhiều mũi tên mang hình hài sự thật nhân tính, thú tính.

Phép tính của một nho sĩ còn là những phép tính toán, xử lý kĩ thuật viết văn rất đáng để tìm hiểu kĩ lưỡng. Nhưng hơn hết, cách Trần Vũ tưởng tượng và phác họa về xứ sở, từ cảnh quan đến tâm thế nhân sinh, đối với tôi, giống như một bản chụp nội soi tinh tường. Ở đó, không có thứ gì của cố quận là hóa thạch. Tất cả đều sống động, dồi dào, thấm thía. Như thế, không phải tách biệt hay mất quê hương, mà ngôn ngữ mẹ đẻ, chính xác, mới định hình kiểu văn chương Trần Vũ khó lẫn đến vậy.