Hơn 61.000 công trình kiến trúc cổ đại Maya ẩn dấu dưới tán rừng rậm rạp ở Guatemala, từ các kim tự tháp vĩ đại cho đến các ngôi nhà nhỏ, vừa được phát hiện và giải đáp rất nhiều cho các câu hỏi về phương thức canh tác, cơ sở hạ tầng, thể chế chính trị và nền kinh tế của thời kì văn minh Maya cổ đại.
Rừng già ở Guatemala a vô cùng rập rạp và rất khó khám phá, vì vậy các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ địa hình địa vật nơi đây với sự hỗ trợ của công nghệ quét laze từ trên không (Lidar) và thu được các hình ảnh của vùng đất trũng Maya rộng hơn 2.100 km2.
Tiến sĩ Marcello Canuto Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Mỹ, thuộc Trường đại học Tulane, Mỹ - cho biết "công nghệ lidar có thể xuyên qua các tán rừng rậm và vẽ bản đồ các vật thể trên bề mặt Trái Đất, nhờ đó chúng tôi có thể nhận diện các vật thể do con người tạo ra trên mặt đất, như là tường, đường xá hoặc các tòa nhà".
Nhóm của Tiến sĩ Marcello Canuto đã tiến hành khảo sát lidar trên không ở 12 khu vực riêng biệt của vùng Pê-ten, Guatemala, và bao gồm cả thành thị và nông thôn của vương quốc Maya. Sau khi phân tích các hình ảnh thu được, trong đó có hình ảnh của nhà cửa, cung điện, trung tâm tế lễ và kim tự tháp, nhóm nghiên cứu đã xác định được có khoảng 11 triệu người sinh sống ở vùng đất thấp Maya trong thời kì hậu Cổ đại, từ khoảng năm 650 sau Công nguyên đến 850 sau Công nguyên.
Để nuôi sống một số dân lớn như vậy, cần phải có một nền nông nghiệp phát triển mạnh. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi khảo sát lidar cho thấy nhiều đầm lầy ở đây đã được cải tạo để trồng trọt.
Tổng cộng, các cuộc khảo sát phát hiện ra khoảng 362 km2 ruộng bậc thang và các loại đất nông nghiệp khác cộng với 952 km2 đất nông trại.
Ngoài ra, phân tích lidar còn khám phá ra 110 km2 mạng lưới đường giao thông nội đô cũng như liên tỉnh giữa các tỉnh thành, một số con đường được gia cố rất tốt. Phát hiện này cho thấy mối liên hệ giữa các trung tâm đô thị với các vùng khác.
"Nhìn một cách tổng thể, các ruộng bậc thang và các kênh thủy lợi, hồ chứa nước, hệ thống đường giao thông chắc chắn và các đường đê đắp cao thể hiện một khối lượng công việc quản trị đất đai đáng kinh ngạc mà người Maya đã tiến hành trên một qui mô diện tích dường như không thể tưởng tượng nổi đối với thời đó" - Francisco Estrada-Belli ở Trường đại học Tulane, giám đốc dự án khảo cổ Holmul nhận xét.
Những công trình xây dựng trước đây chưa từng được biết đến của người Maya nay đã được khám phá nhờ công nghệ lidar và kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal hôm 28/9/2018 và hỗ trợ rất nhiều cho các nghiên cứu bằng phương pháp khảo cổ truyền thống tại thực địa.
Theo Dantri