Sau khi ra mắt lần đầu vào năm 1934, “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” đã trở thành một hiện tượng (best seller), được tái bản rất nhiều lần, chuyển thể thành phim (hai lần vào các năm 1974, 2017) và video game.
Agatha Christie (1890 – 1976). Ảnh: Femina.hu
Câu chuyện kể về hành trình đi tìm thủ phạm của một vụ giết người đẫm máu trên chuyến tàu phương Đông (khởi hành từ Istambul đi London, do người bạn Bouc làm giám đốc điều hành) của Hercule Poirot – vị thám tử nổi tiếng người Bỉ. Sau khi phá thành công một vụ án ở Syria, Poirot đáp tàu thủy tới Istambul (Thổ Nhĩ Kỳ) với ý định thăm nơi này một vài ngày trước khi về châu Âu.
Nhưng tại Istambul, ông nhận được thư báo trở lại Anh gấp vì vừa xảy ra một vụ án khó. Trên tàu, Poirot đã gặp Samuel Edward Ratchett, một tay buôn đồ cổ tuổi trung niên, mang vẻ ngoài của một nhà từ thiện nhưng ánh mắt lại lộ rõ sự dữ tợn và nguy hiểm. Khi Ratchett đề nghị vị thám tử giúp điều tra kẻ đang đe dọa tính mạng mình, Poirot đã từ chối, nói rằng ông không thích khuôn mặt (gian xảo) của hắn. Sáng hôm sau, khi tàu bị kẹt gần Belgrade (Nam Tư) trong một cơn bão tuyết, Ratchett được phát hiện đã chết trong khoang riêng do bị đâm nhiều nhát.
Bằng bản năng nghề nghiệp, Poiro đã khám xét quanh hiện trường và tìm thấy một mẩu giấy bị đốt, trên có viết “nhớ Daisy Armstrong bé nhỏ”. Ông suy luận Ratchett thực chất chính là tên cướp Cassetti, kẻ đã bắt cóc cô bé Daisy 3 tuổi (người thừa kế của gia đình Armstrong) và tẩu thoát thành công cùng khoản tiền chuộc 200.000 USD sau khi thủ tiêu nạn nhân. Sau khi thẩm vấn và khám xét hành lý của mọi hành khách đi cùng toa, Poirot kết nối các tình tiết lại với nhau và chợt phát hiện ra, rằng tất cả 12 hành khách, kể cả người trưởng toa Pierre Michel, tưởng chừng không hề quen biết nhau và cũng chẳng có động cơ nào để giết Ratchett, nhưng thực chất đã nói dối về lai lịch bản thân, bởi họ đều liên hệ mật thiết đến gia đình Armstrong.
Từ đó, Poirot đưa ra hai giả thuyết về vụ án mạng. Giả thuyết thứ nhất: tên tội phạm đã trốn thoát khi tàu dừng lại vì tuyết lở. Giả thuyết thứ hai: 11 hành khách (ngoại trừ vị bá tước phu nhân Elena Andrenyi yếu đuối, và thực chất là dì của Daisy) cùng viên trưởng toa Pierre Michel đều đã tham gia giết Ratchett (mỗi người thay nhau đâm một nhát dao) nhân danh “bồi thẩm đoàn thực thi công lý”, sau đó tìm cách tạo chứng cớ ngoại phạm bằng lời khai giả khiến vụ án trở nên mơ hồ khó hiểu. Sau cùng, Poirot đã để ông Bouc và bác sĩ Constantine (hành khách cùng phòng với Bouc) tự cung cấp lời khai cho cảnh sát Nam Tư, cả hai đều lựa chọn giả thuyết thứ nhất, vụ án kết thúc. Đó có thể là một cái kết nhân văn, bởi theo Poirot “không có kẻ giết người nào ở đây, mà chỉ có những mảnh đời tan nát, cần được trao cơ hội để hàn gắn.”
Tàu tốc hành phương Đông (năm 1883).
Câu chuyện của Daisy Armstrong đã gợi nhớ nhiều người đọc đến vụ bắt cóc nổi tiếng toàn nước Mỹ, xảy ra vào những năm 1935 của thế kỉ 20. Website chính thức của Agatha Christie cũng xác nhận việc tác giả đã lấy cảm hứng từ vụ án có thực này. Ngày 01/03/1932, con trai 20 tháng tuổi của phi công nổi tiếng, anh hùng nước Mỹ Charles Lindbergh1 bị bắt cóc; hung thủ chỉ để lại một mảnh giấy đòi 50.000 USD tiền chuộc, ghim trên cửa sổ căn nhà tại New Jersey.
Sự việc đã gây chấn động toàn nước Mỹ, tới mức các tòa soạn phải cấm không đăng lên trang nhất buổi sáng, trong lúc rất đông đặc vụ liên bang (FBI) được điều động để hỗ trợ cảnh sát New Jersey phá án. Cũng giống như trong truyện, thi thể của em bé được tìm thấy (chôn gần tư gia, trong tình trạng phân hủy) sau khi kẻ bắt cóc đã nhận đủ tiền chuộc. Thậm chí, vụ án Lindbergh còn nổi tiếng và gây kích thích trí tò mò của công chúng gấp nhiều lần chuyện của Christie. Không ai tưởng tượng nổi, lại có kẻ dám làm vậy với một anh hùng như Lindbergh.
Sau này, nhà nghiên cứu Robert Zorn đã phát hiện thêm nhiều tình tiết tương tự giữa hai vụ án, và ông tin chắc độc giả cũng cảm nhận được sự trùng hợp này. Chưa kể, Agatha Christie khi ấy còn có những dự cảm khá chính xác về vụ Lindberg: bà nghi ngờ kẻ bắt cóc phải là người ngoại quốc (chứ không phải người Mỹ); và thực tế kẻ thủ ác Richard Hauptmann đúng là người Đức nhập cư.
Một điều thú vị nữa là Christie đã rất thích đi lại bằng tàu tốc hành phương Đông và hay mang theo máy chữ bên mình để tiện sáng tác. Trong một chuyến đi như vậy (năm 1931), tàu của bà đã bị bị trễ lịch trình vì bão tuyết. Ngoài ra, một vụ tai nạn khác xảy ra vào năm 1929, khiến tàu bị mắc kẹt trong năm ngày, cũng đã mang lại cảm hứng sâu sắc cho câu chuyên của Christie.
Liên quan đến nhân vật Hercule Poirot - người đã trở thành một hiện tượng văn học, Christie chưa bao giờ tiết lộ bà chịu ảnh hưởng từ một hình mẫu cụ thể nào. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Michael Clapp tin rằng, nhà văn đã lấy chất liệu về vị thám tử nổi tiếng ở ngay trong khu phố của mình.
Theo phát hiện của Clapp, Christie từng gặp một cảnh sát người Bỉ nhập cư (nghỉ hưu) tên là Jacques Hornais trong một buổi quyên góp từ thiện. Mặc dù đó chưa phải là bằng chứng chắc chắn, nhưng vẫn có thể được xem là một sự trùng hợp khá thú vị. Trong hồi ký, Christie từng chia sẻ rằng, bản thân bà vốn có trí tưởng tượng phong phú và cũng không ngại khi được truyền cảm hứng từ những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật.
1. Charles Lindbergh (1902 – 1974), phi công, nhà văn, nhà phát minh và nhà thám hiểm nổi tiếng người Mỹ. Ngày 20 và 21/05/1927, ông đã thực hiện thành công chuyến bay xuyên Đại Tây Dương (từ New York tới Paris) trên một máy bay tự chế, và nhận huân chương Danh dự cao quý nhất của Quân đội Hoa Kỳ.