Tái hòa nhập với xã hội là vấn đề lớn nhất mà những người lính may mắn sống sót trở về sau chiến tranh thường gặp phải.

Trong Thế chiến I, nước Úc đã gửi hơn 300.000 quân tham chiến bên cạnh đồng minh Anh – thuộc phe Hiệp ước1. Họ đã chiến đấu vô cùng quả cảm trong chiến dịch Gallipoli2 (tháng 4 – 12/1915); sau đó tham gia chiếm đóng dải Gaza và thành phố Jerusalem (tháng 11 – 12/1917), cũng như chứng kiến quân Ottoman phải chấp nhận đầu hàng (tháng 10/1918). Tuy nhiên, quân Úc cũng chịu tổn thất không nhỏ khi có tới 60.000 binh sĩ tử trận, 150.000 người khác bị thương, nhiễm độc3 hoặc bị bắt làm tù binh – phần lớn những người này đều gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập khi trở về, chẳng hạn không thể kiếm được công ăn việc làm, …

Con đường Great Ocean Road uốn lượn khi nhìn từ đỉnh Teddy tại phía Nam Lorne thuộc tiểu bang Victoria, Úc. Ảnh: Diliff/Wikimedia Commons.

Để giúp đỡ họ, Chủ tịch Ủy ban Quản lý đường bộ Úc – William Calder (1860 – 1928), đã đề xuất sử dụng các cựu binh để xây dựng một tuyến xa lộ kết nối những khu vực dân cư khá biệt lập tại bờ biển phía Tây Nam Úc, được gọi là Great Ocean Road (GOR). Sau nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu khả thi từ năm 1918, cuối cùng phương án xây dựng con đường theo lộ trình bắt đầu từ Barwon Heads, ôm sát bờ biển phía Tây quanh Cape Otway và kết thúc gần Warrnambool đã được lựa chọn. Tiếp đó, thị trưởng thành phố Geelong kiêm dân biểu tiểu bang Victoria – Howard Hitchcock (1866 – 1932), đã vận động thành lập công ty Great Ocean Road Trust (GORT) để thực hiện dự án. GORT đã huy động được tổng cộng 81.000 bảng Anh (tương đương 6,43 triệu USD ngày nay) từ các khoản vay và đóng góp cá nhân, riêng thị trưởng Hitchcock ủng hộ 3.000 bảng (238 ngàn USD ngày nay). Sau khi trả hết nợ nhờ thu phí sử dụng con đường, GORT sẽ chuyển giao công trình cho nhà nước thành tài sản công (public property).

Tấm bia tưởng niệm tại đồi Big Hill trên đường Great Ocean Road. Ảnh: Chris Sherlock/Wikimedia Commons.

Công việc xây dựng được chính thức bắt đầu từ ngày 19/9/1919 với sự tham gia của hơn 3.000 cựu binh và trong điều kiện còn hết sức thiếu thốn. Những người lính chủ yếu tác nghiệp bằng tay không, sử dụng thuốc nổ, cuốc, xẻng, xe cút kít và hầu như không có máy móc. Họ sống trong các căn lều tạm với bếp ăn chung và những tiện nghi nhỏ như báo, tạp chí, đàn piano, game board,… Tiến độ công trình, vì thế không thể nhanh – trung bình mỗi tháng khoảng 3km được hoàn thành, và tại các đoạn đường với địa hình hiểm trở (vách đá cheo leo, hiểm trở) thì còn chậm hơn nữa. Tuy nhiên, tất cả những người lính đã làm việc vô cùng nghiêm túc như thể đang thực hiện một sứ mệnh quân sự. Năm 1922, một phần GOR được nghiệm thu và thông xe vào tháng 12. Nhưng phải mất thêm 10 năm nữa, toàn bộ con đường dài 243km mới được hoàn tất và đưa vào khai thác từ tháng 11/1932 – vài tháng sau khi Hitchcock qua đời. Tại buổi lễ cắt băng khánh thành công trình, người ta đã đưa chiếc xe yêu thích của ông vào đoàn diễu hành và tạc một bức tượng để tôn vinh Hitchcock như là cha đẻ của GOR.

Việc di chuyển trên con đường thường được xem là một trải nghiệm tương đối phiêu lưu bởi nó khá hẹp và chỉ có một làn xe duy nhất. Tuy nhiên, nó đã tạo ra đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy tiến trình đô thị hóa ở nơi này. Những hộ dân sống gần đó có thể trả 5 bảng để xây một lối nhập làn vào GOR. Ngày 2/10/1936, con đường chính thức trở thành tài sản của bang Victoria và hoạt động thu phí hoàn toàn bị bãi bỏ. Sang thập niên 1960, cùng với sự mọc lên của rất nhiều khách sạn dọc theo GOR, chính quyền đã cho mở rộng một số đoạn đường; mặc dù vậy, việc lái xe tại đây vẫn là một thách thức không nhỏ cho đến tận bây giờ.

Hình chụp Great Ocean Road từ trên cao.
Ảnh: Arnas Goldberg/Wikimedia Commons.

Ngày nay, GOR thường được đánh giá là một trong những cung đường có cảnh quan ngoạn mục nhất thế giới khi nó chạy qua quận Surf Coast với các cánh rừng nhiệt đới, bãi biển, hẻm núi, vách đá cheo leo,… bao gồm cả bãi đá vôi Twelve Apostles nổi tiếng (tên gọi được lấy cảm hứng từ 12 vị sứ tông đồ trong Kinh thánh). Năm 2004, một con đường khác dành riêng cho người đi bộ mang tên Great Ocean Walk (GOW) được xây dựng song song với GOR. Đến năm 2011, con đường được liệt kê vào danh sách Di sản Quốc gia Úc và là công trình tưởng niệm chiến tranh lớn nhất thế giới – để vinh danh những người lính đã ngã xuống trong Thế chiến I.

Theo Amusing Planet

Chú thích:
1. Thế chiến I (28/7/1914 – 11/11/1918) là cuộc chiến giữa hai phe: Hiệp Ước (Entete) – bao gồm Anh, Pháp, Nga, sau đó có thêm Hoa Kỳ, Brazil cùng các đồng minh; và Liên minh Trung tâm (Central Powers) – chủ yếu là Đức, Áo-Hung, Bulgaria và Ottoman.
2. Chiến dịch Gallipoli (4 – 12/1915) là cuộc tấn công do liên quân Anh – Pháp phát động nhằm chiếm thủ đô Constantinopolis (nay là Istanbul) của Đế chế Ottoman. Chiến dịch thất bại và để lại thiệt hại nặng nề cho cả hai bên.
3. Thế chiến I là sự kiện mà lần đầu tiên vũ khí hóa học được sử dụng một cách ồ ạt và trên quy mô lớn.