Hợp chất này làm cho đàn ông bình tĩnh hơn, nhưng lại khiến phụ nữ trở nên hung hăng hơn.

Các nhà khoa học đã tranh cãi trong nhiều thập kỷ về việc liệu con người có pheromone, hợp chất hóa học kích hoạt sự hung hăng và giao phối ở côn trùng và các động vật khác, hay không. Nhưng đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy loại tín hiệu này có ở loài người.

Một nghiên cứu mới có thể thay đổi điều đó. Các nhà khoa học đã xác định được đặc tính của một hợp chất không mùi do con người - đặc biệt là trẻ sơ sinh - phát ra, được gọi là hexadecanal, hay HEX: thúc đẩy hành vi hung hăng ở phụ nữ và làm giảm hành vi hung hăng ở nam giới. “Chúng tôi không thể nói rằng đây là một pheromone, nhưng đó là một phân tử phát ra từ cơ thể con người và có ảnh hưởng đến hành vi, cụ thể là hành vi hung hăng, theo một cách nhất định," Noam Sobel, nhà thần kinh học tại Viện Khoa học Weizmann, tác giả nghiên cứu mới, cho biết.

Ảnh minh họa

Con người phát ra HEX từ da, nước bọt và phân; và HEX là một trong những phân tử dồi dào nhất mà trẻ sơ sinh phát ra từ đầu của chúng. Sobel, người nghiên cứu vai trò của mùi hương trong các tương tác của con người, cho biết, khi hợp chất này được cô lập và đưa vào lồng chuột, nó có tác dụng giúp động vật thư giãn.

Để kiểm tra xem HEX ảnh hưởng đến con người như thế nào, Eva Mishor, nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Sobel, đã thiết kế hai trò chơi máy tính để kích thích và sau đó đo lường cảm giác căng thẳng, bức xúc, hung hăng. Họ sử dụng hai trò chơi máy tính này và HEX để thử nghiệm trên 126 người. Một nửa số người tham gia dán một dải keo có tẩm HEX trên môi khi chơi trò chơi, nửa còn lại dán dải keo có mùi giống hệt nhưng không có HEX.

Trong trò chơi đầu tiên, những người tham gia phải thương lượng với một đối tác giấu mặt để chia nhau một khoản tiền, nếu không nhất trí được phương án chia tiền thì cả hai đều không nhận được bất kỳ khoản tiền nào. Những người tham gia nghĩ rằng họ đang chơi với một người thật, nhưng thực ra họ đang chơi với máy tính. Và nếu họ đề nghị chia cho "đối tác" bất kỳ mức nào ít hơn 90% tổng số tiền, máy tính sẽ từ chối đề xuất của họ, khiến cho cả hai bên đều không nhận được tiền.

Trong trò chơi tiếp theo, những người tham gia có cơ hội trả đũa "đối tác" máy tính trong trò chơi đầu tiên bằng tiếng ồn. Người tham gia có thể chọn mức tiếng ồn phát cho "đối tác" bằng các nút biểu tượng cảm xúc thể hiện các mức độ đau đớn từ thấp đến cao. Trò chơi thứ hai này nhằm xác định mức độ hung hăng của người tham gia sau khi bị gây căng thẳng ở trò chơi thứ nhất, và so sánh mức độ hung hăng giữa người người có tiếp xúc với HEX và không tiếp xúc.

Nhóm phụ nữ tiếp xúc với HEX hành xử hung hăng hơn 19% so với nhóm phụ nữ không tiếp xúc; trong khi nhóm nam giới tiếp xúc với HEX hành xử ít hung hăng hơn 18,5%, theo kết quả báo cáo trên tại chí Science Advances.

Trong một thử nghiệm khác, bằng máy quét cộng hưởng từ chức năng, các nhà khoa học đã so sánh hoạt động não của các cá nhân khi tiếp xúc với HEX hoặc với mùi giả. HEX một lần nữa làm tăng sự hung hăng ở phụ nữ (trung bình 13%) và làm giảm sự hung hăng của nam giới (20%). Ở phụ nữ, HEX cũng làm giảm giao tiếp thần kinh giữa các vùng não có vai trò kiềm chế sự hung hăng. Nhưng ở nam giới, hóa chất làm tăng cường giao tiếp giữa các vùng này.

Dayu Lin, nhà khoa học thần kinh tại Trường Y Grossman thuộc Đại học New York, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: Nghiên cứu mới cung cấp “bằng chứng khá thuyết phục rằng HEX có thể điều chỉnh sự hung hăng ở người theo cách cụ thể về giới tính”.

Các tác giả suy đoán rằng hóa chất này có thể liên quan đến việc tăng khả năng sống sót của trẻ sơ sinh. HEX là một trong những phân tử dồi dào nhất mà trẻ sơ sinh phát ra từ đầu, do đó nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết: ở động vật có vú, hóa chất này kích thích con cái trở nên hung hăng hơn để bảo vệ con, đồng thời làm dịu con đực vì con đực có nhiều khả năng tấn công con con.

Tuy nhiên, hoạt động của HEX trong thực tế đến nay vẫn là suy đoán, bởi vì nghiên cứu đã không chỉ ra rằng trẻ sơ sinh hoặc người lớn phát ra đủ HEX để thay đổi hành vi của con người, theo nhà sinh vật học Tristram Wyatt thuộc Đại học Oxford.

Nguồn: