Thầy tập hợp mấy đứa lơ ngơ muốn làm một điều gì tử tế lại, tỉ mỉ hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu xem thực chất dạy là gì, học là gì, dạy thế nào để học trò học được... Nhóm Cánh Buồm ra đời. Thầy cứ thế kiên nhẫn "dỡ ra làm lại từ đầu" những điều tôi và bạn bè tưởng rằng mình đã biết về việc dạy học.
Nhà giáo Phạm Toàn thuyết trình tại hội thảo "Học ở nhà trường hiện đại", FSOFT House, 2013. Ảnh: Cánh Buồm "Chào cụ ạ!" - lần cuối cùng gặp
thầy Toàn tôi đã chào thầy như thế trong lúc mặt mũi hí hửng chờ để trêu thầy nếu thầy chưa nhớ ngay ra tên tôi.
Tôi thích gọi thầy bằng nhiều tên khác nhau, lúc là "thầy", hay "thầy Toàn" theo kiểu nghiêm túc; lúc là "cụ", "cụ già"; hay "người bạn lớn", "người vĩ đại" đầy bông đùa. Với thầy, tôi vừa có cảm giác kính trọng dành cho người đã thay đổi đầu óc mình; vừa có cảm giác yêu mến, thân thương dành cho người thân trong gia đình; và cả cảm giác nhẹ nhàng thoải mái dành cho bạn bè - tất cả hòa làm một khiến tôi chẳng bao giờ thấy có khoảng cách.
Lần đầu tiên gặp thầy năm 2008, thầy kể về cách dạy học có thể khiến những cậu bé, cô bé lớp Một tự tin trả lời "Em làm được!" khi bị "thách đố" viết những tiếng khó, rồi chính những cậu bé, cô bé ấy nghe thấy tiếng nào được đưa ra là viết lại được đúng tiếng đó. Đó là những học sinh "được học" theo phương pháp học qua hệ thống việc làm - học qua hoạt động nên đã thực sự "học được".
Điều thầy kể là giấc mơ tôi vẫn hằng ấp ủ từ thuở nhỏ nhưng chẳng biết thực hiện bằng cách nào. Càng lớn lên, học để thành cô giáo, tôi càng hoang mang. Tôi lo rằng mỗi lần tôi vào lớp, học trò sẽ đón chào tôi bằng những cái ngáp dài, rằng tôi sẽ chẳng giúp ích gì cho các em cả! Câu chuyện của thầy làm giấc mơ của tôi cựa quậy, biết đâu đấy!
Nhà giáo Phạm Toàn thuyết trình tại hội thảo "Học ở nhà trường hiện đại", FSOFT House, 2013. Ảnh: Cánh Buồm
Sau những buổi học đầu tiên, thầy tập hợp mấy đứa lơ ngơ muốn làm một điều gì tử tế lại, tỉ mỉ hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu xem thực chất dạy là gì, học là gì, dạy thế nào để học trò học được... Nhóm Cánh Buồm ra đời. Thầy cứ thế kiên nhẫn "dỡ ra làm lại từ đầu" những điều tôi và bạn bè tưởng rằng mình đã biết về việc dạy học. Giấc mơ thơ ấu đã trở lại trong tầm tay! Tôi vẫn nhớ cảm giác run rẩy, nước mắt nhòe nhoẹt khi khoe với thầy "Em làm được rồi!" sau buổi dạy đầu tiên "theo phương pháp Cánh Buồm", dù thầy đã ở đó, chứng kiến buổi học của tôi. Thầy cười ha hả đầy sảng khoái. Sau những tiếng cười ấy là vô số lần thầy sốt ruột thúc giục chúng tôi học đi, làm đi vì "mình không làm thì ai làm!", rồi những lần thầy tính kế bắt chúng tôi đi chơi cho mở mang đầu óc...
Hơn mười năm có duyên may được gặp thầy là hơn mười năm thấy thầy làm việc không ngừng nghỉ. Tôi quên mất thầy đã ngoài 80. Bọn "gà nhép" lơ ngơ ngày nào đã bớt lơ ngơ đôi chút, biết cách tổ chức hệ thống việc làm cho học trò thực hiện.
Dạo gần đây, người ta hay nói về đam mê, rằng cần theo đuổi đam mê. Thầy Toàn làm tôi nhận ra đam mê không phải là thứ viển vông, nó xuất hiện khi ta biết cách làm, tích lũy đủ năng lực để làm và thực sự bắt tay vào làm. Thầy đã đem đam mê dạy học đến cho tôi, cho nhiều bạn giáo viên, và sẽ còn cho nhiều người khác nữa bởi thầy đã chỉ cho chúng tôi cách để tự học - tự giáo dục, để chúng tôi biết tổ chức việc học và học trò biết tự học.
Tôi chọn bài "I have a dream" của Abba làm bản nhạc nghe đầu tiên khi nhận được tin báo thầy qua đời, bởi tôi biết thầy chẳng muốn chúng tôi rầu rĩ, ủ ê trong ngày này, mà tiếp tục hành động để hiện thực hóa giấc mơ “đem lại một điều tích cực" cho giáo dục.
Tạm biệt thầy! Cho đến khi ta gặp lại!