Pareidolia là hiện tượng mọi người nhìn thấy khuôn mặt từ những hình ảnh mơ hồ hoặc các chi tiết ngẫu nhiên, chẳng hạn như hình ảnh mặt người trên bánh mì nướng hoặc trên ảnh chụp bề mặt sao Hỏa.

Ảnh: Caters News.
Ảnh: Caters News.

Thuật ngữ “Pareidolia” là sự kết hợp của hai từ trong tiếng Hy Lạp bao gồm “para” có nghĩa là một điều gì đó bị lỗi, sai và danh từ “eidōlon” có nghĩa là hình ảnh, hình thức hoặc hình dạng. “Pareidolia” là một dạng của “apophenia” – xu hướng con người liên tưởng và tìm ra điểm chung giữa hai hoặc nhiều thứ không liên quan đến nhau.

Nhiều người cho biết họ đã nhìn thấy khuôn mặt hoặc hình dáng con người trong những đồ vật vô tri, chỉ cần nó có các chi tiết tương tự như đôi mắt hoặc cái miệng. Ví dụ, Tấm vải liệm Turin dài 4,5m, rộng 1,2m được trưng bày tại Nhà thờ Saint John the Baptist ở Turin, Italy lưu giữ hình ảnh mờ nhạt của một người đàn ông mà các tín đồ Cơ Đốc giáo tin rằng đó là hình Chúa Jesus bị đóng đinh.

Các dấu vết xói mòn trên tảng đá khổng lồ Pedra da Gávea ở ngoại ô Rio de Janeiro, Brazil, khiến nhiều người liên tưởng đến một khuôn mặt.

Vào năm 1976, tàu thăm dò Viking 1 của Cơ quanHàng khôngVũ trụ Mỹ(NASA) đã chụp một bức ảnh gây chấn động thế giới. Bức ảnh ghi lại đường nét của một khuôn mặt khổng lồ trên bề mặt sao Hỏa với đầy đủ mắt, mũi, miệng và kiểu tóc kỳ lạ. Ngay lập tức, nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích về nguồn gốc của khuôn mặt này. Có người cho rằng đây là công trình nghệ thuật của một nền văn minh ngoài Trái đất từng tồn tại trên sao Hỏa.

Tuy nhiên đến năm 1998, một tàu thăm dò khác của NASA đã bay qua khu vực này và ghi lại những hình ảnh sắc nét hơn. Nó phát hiện khuôn mặt trên sao Hỏa thực chất chỉ là một ngọn núi đá bình thường giữa sa mạc. Ngọn núi trông giống mặt người do sự kết hợp giữa một số bề mặt lõm của nó và bóng râm tạo ra bởi góc chiếu của ánh sáng Mặt trời.

Nhưng pareidolia không chỉ xảy ra với khuôn mặt con người. Vào đầu năm 2023, Tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa (MRO) của NASA đã chụp ảnh một cấu trúc trên bề mặt sao Hỏa giống như khuôn mặt của một con gấu bông đang mỉm cười.

Khi quan sát những hình ảnh khác do tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance ghi lại, một số nhà khoa học nghiệp dư đã phát hiện những tảng đá có hình dạng giống như một chiếc vây cá mập và càng cua.

Pareidolia cũng có thể là một hiện tượng liên quan đến thính giác. Vào tháng 9/1969, những người theo thuyết âm mưu khẳng định một số đĩa nhạc của ban nhạc The Beatles có chứa manh mối về cái chết của nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Paul McCartney. Nhiều người đã nghe thấy dòng chữ “Paul đã chết” khi bài hát “Strawberry Fields Forever” được phát ngược lại.

Một số tín đồ Cơ Đốc giáo dường như có xu hướng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Jesus trên các đồ vật. Vào năm 1977, một phụ nữ ở New Mexico đã nhìn thấy họa tiết Chúa Jesus trên một chiếc bánh tortilla làm từ bột ngô. Một người khác tên là Diane Duyser ở Miami (Mỹ) đã bán một chiếc bánh sandwich phô mai nướng có hình Chúa Jesus với giá 28.000 USD trên eBay vào năm 2004.

Các nhân vật tôn giáo khác cũng xuất hiện trên các vật thể. Ví dụ, một số du khách đến thăm Nhà thờ St. Mary ở Rathkaele (Ireland) cho biết một gốc cây bên ngoài nhà thờ mang hình bóng của Đức Trinh Nữ Maria.

Năm 1996, một nhân viên làm việc lâu năm tại quán cà phê Bongo Java ở Belmont, Tennessee (Mỹ) trong lúc chuẩn bị bữa sáng thì chợt nhận thấy chiếc bánh quế mà anh ta đang cầm trông giống Mẹ Teresa – một nữ tu Công giáo người Albania gốc Ấn Độ và là người sáng lập Dòng Truyền giáo Bác ái. Quán cà phê đã tiến hành bảo quản và trưng bày chiếc bánh mì trong khoảng 10 năm cho đến khi nó bị đánh cắp vào ngày Giáng sinh năm 2007.

Tại sao pareidolia xảy ra?

Có một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra hiện tượng pareidolia.Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychological Science vào năm 2020, các nhà khoa học tại Đại học New South Wales (Australia) đề xuất giả thuyết cho rằng con người đã tiến hóa khả năng thích ứng của não bộ để nhanh chóng nhận ra khuôn mặt từ một khung cảnh đông đúc. Kết quả là hiện tượng ảo giác khuôn mặt pareidolia xuất hiện dưới dạng nhận thức “sai lệch” trong hệ thống xử lý hình ảnh nhanh chóng này.

Điều thú vị là bộ não của con người không chỉ gán các đặc điểm trên khuôn mặt cho những thứ như bánh phô mai nướng hay những đống đá ngẫu nhiên, mà nó còn nhìn thấy cảm xúc trong những hình ảnh đó.

“Đặc điểm nổi bật của những đồ vật này là chúng không chỉ trông giống một khuôn mặt mà thậm chí còn có thể truyền tải cảm giác về tính cách hoặc ý nghĩa xã hội. Ví dụ, cửa sổ của một ngôi nhà tạo ra cảm giác giống như có hai con mắt đang theo dõi bạn, và một quả ớt chuông khi cắt đôi nhìn giống một khuôn mặt cười hạnh phúc”, nhóm nghiên cứu tại Đại học New South Wales cho biết.

Nhìn chung, con người có xu hướng nhìn thấy khuôn mặt nam giới hơn là nữ giới trong các vật thể vô tri, theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào năm 2022. Thêm vào đó, tinh tinh – họ hàng gần nhất của con người – cũng nhìn thấy một số đặc điểm giống khuôn mặt trên đồ vật, nhưng không rõ ràng như chúng ta. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin xã hội (social information) đối với con người so với các động vật khác.

Pareidolia cũng cung cấp thêm thông tin về các chứng rối loạn não cụ thể, chẳng hạn như rối loạn phổ tự kỷ (ASD) hoặc bệnh Parkinson. Trẻ mắc ASD gặp khó khăn hơn trong việc nhận diện pareidolia khuôn mặt, trong khi những người mắc chứng mất trí nhớ Parkinson có thể trải nghiệm pareidolia với tần suất nhiều hơn người bình thường.

Theo một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí PLoS One vào năm2022, các nhà khoa học tại Đại học Swansea, Vương quốc Anh phát hiện những người thường xuyên trải nghiệm pareidolia cũng có thể bắt gặp các hiện tượng huyền bí nhiều hơn, thậm chí họ còn nói rằng bản thân sở hữu khả năng ngoại cảm.

Bài kiểm tra vết mực Rorschach là một ví dụ về “pareidolia có định hướng”, theo đó những người tham gia sẽ trả lời các câu hỏi về việc họ nhìn thấy điều gì từ các vết mực ngẫu nhiên trên giấy. Ban đầu các nhà khoa học sử dụng bài kiểm tra này nhằm nghiên cứu quá trình nhận thức của con người, nhưng sau đó người ta cũng áp dụng nó trong môi trường pháp lý và các cơ sở điều trị để đánh giá tính cách và trạng thái tinh thần của bệnh nhân.

Tuy nhiên, nhiều người coi việc sử dụng các bài kiểm tra Rorschach như một giải pháp để nhìn vào tiềm thức hoặc tìm hiểu các chứng rối loạn nhân cách của con người là giả khoa học, và bài kiểm tra Rorschach cũng không đáp ứng các tiêu chuẩn bằng chứng để sử dụng trong những thủ tục pháp lý ở châu Âu, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Maribor (Slovenia), Đại học Toulouse (Pháp) và Đại học Edith Cowan (Úc) được công bố trên tạp chí Psychiatry, Psychology and Law vào tháng 5/2021.

Theo Live Science