Một nghiên cứu mới cho thấy rất có thể tất cả các côn trùng đều có tri giác.
Chúng ta đập những con ong để tránh bị đốt đau đớn, nhưng liệu chúng có cảm nhận được nỗi đau mà con người gây ra không? Câu trả lời là có, theo một nghiên cứu mới đăng trên Proceedings of the National Academy of Sciences. Theo đó, không chỉ ong mà cả các loài côn trùng khác cũng có tri giác hay khả năng nhận thức cảm xúc của bản thân.
Đây là một kết quả ấn tượng với những hàm ý quan trọng, theo Jonathan Birch, nhà triết học và chuyên gia về tri giác động vật tại Trường Kinh tế London, người không tham gia vào nghiên cứu mới. "Nếu các kết quả này đứng vững thì thế giới chứa đựng nhiều sinh vật có tri giác hơn so với những gì chúng ta nghĩ trước đây", Birch nói.
Ong đã được chứng minh là loài vật thông minh
và có thể trải qua các trạng thái cảm xúc khác nhau.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng ong mật và ong vò vẽ là những sinh vật thông minh, sáng tạo. Chúng hiểu khái niệm về số 0, có thể làm toán đơn giản và phân biệt giữa các khuôn mặt người. Chúng thường lạc quan khi kiếm ăn thành công, nhưng có thể trở nên chán nản nếu bị sa lưới nhện săn mồi. Ngay cả khi một con ong thoát khỏi một con nhện, “thái độ của nó thay đổi", Lars Chittka, nhà khoa học nhận thức tại Đại học Queen Mary, nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu về ong bị nhện bắt và nghiên cứu mới, cho biết. Trong nhiều ngày sau khi bị bắt, ong sẽ tỏ ra sợ hãi với mọi bông hoa. "Chúng đã trải qua một trạng thái cảm xúc", Chittka nói.
Để tìm hiểu xem liệu những cảm xúc mà ong có thể cảm nhận được có bao gồm nỗi đau hay không, nhóm Chittka đã phân tích một trong những tiêu chí thường được dùng để xác định nỗi đau ở động vật, "sự đánh đổi". Ví dụ, người ta sẽ sẵn sàng chịu đựng quy trình làm răng đau đớn để đổi lại lợi ích lâu dài của một hàm răng khỏe mạnh. Tương tự như vậy, cua ẩn sĩ sẽ chỉ rời khỏi vỏ khi bị điện giật ở mức mạnh và sẽ ở lại trong vỏ khi điện giật nhẹ. Đây là kết quả một thí nghiệm chứng minh rằng cua có thể phân biệt sự khác biệt giữa các kích thích gây đau đớn mạnh và yếu, đồng thời quyết định mức độ đau đớn đáng để đánh đổi, chứ không chỉ phản ứng theo phản xạ với một kích thích khó chịu. Cũng từ thí nghiệm nghiên cứu này mà cua và các loài giáp xác khác, gồm tôm hùm và tôm càng, được công nhận là có tri giác theo luật của Vương quốc Anh.
Nhóm của Chittka đã cho 41 con ong vò vẽ (Bombus terrestris) lựa chọn giữa 2 máng ăn chất lượng cao, chứa dung dịch đường 40%, và 2 máng ăn khác có tỷ lệ đường thấp hơn. Các máng ăn được đặt trong một buồng thử nghiệm, mỗi máng đều được bố trí những miếng đệm sưởi ấm có màu hồng hoặc vàng. Ban đầu, tất cả các đệm sưởi đều không hoạt động. Những con ong lần lượt được cho vào phòng và lấy thức ăn. Tất cả đều tỏ ra ưa thích 2 máng ăn có nhiều đường hơn.
Sau đó, các nhà khoa học đã làm nóng các miếng đệm màu vàng bên dưới 2 máng ăn nhiều đường lên 55 độ C, nhiệt độ đủ cao để khiến những con ong cân nhắc bỏ đi, nhưng không cao đến mức gây thương tích. Trong khi đó, 2 máng ăn ít đường hơn đặt trên các miếng đệm màu hồng vẫn mát. Đối với một con ong, hạ cánh trên một miếng đệm màu vàng nóng sẽ giống như con người phải “chạm vào một cái đĩa nóng”, Matilda Rose Gibbons, nhà thần kinh học hành vi, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Ong trong thí nghiệm sẵn sàng chọn vị trí nhiệt độ cao để ăn được nhiều đường hơn.
Khi được lựa chọn giữa thức ăn nóng, nhiều đường và thức ăn mát, ít đường, những con ong chọn chịu nóng để ăn được nhiều đường, nhóm nghiên cứu cho biết. Gibbons giải thích thêm, đường càng cô đặc, những con ong càng sẵn sàng chịu nhiệt độ cao hơn. “Chúng có thể bỏ đi bất cứ khi nào, nhưng chúng không làm vậy. Có được lượng đường nhiều hơn là một động lực rất lớn”, Gibbons nói.
Khi các máng ăn nóng và nguội đều có hàm lượng đường cao, những con ong sẽ tránh những máng đặt trên miếng đệm màu vàng, chứng tỏ chúng đã sử dụng ký ức liên tưởng khi chọn nơi ăn, theo các nhà nghiên cứu.
"Đây là minh chứng trực tiếp đầu tiên rằng động vật chân đốt, một nhóm bao gồm cả côn trùng và nhện, cũng biết đánh đổi", Birch nói. Ông gọi nghiên cứu này là "hấp dẫn về mặt thông tin" và "quan trọng về mặt đạo đức", do việc nuôi côn trùng để làm thức ăn cho con người ngày càng được quan tâm trong khi chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích vật chất và cả tinh thần của côn trùng.
Có thể khẳng định ong biết đánh đổi, nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu ong có thực sự cảm thấy cái mà chúng ta gọi là đau hay không. Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng nghiên cứu của họ không phải “bằng chứng chính thức” về khả năng này. Greg Neely, nhà di truyền học hành vi tại Đại học Sydney, cho biết: “Do đau có bản chất chủ quan, việc chứng minh rằng côn trùng cảm thấy đau có lẽ là điều không thể”. Ví dụ, hệ thống thần kinh của ruồi giấm có thể bị đau mãn tính, nhưng côn trùng có hệ thống thần kinh cho phép cảm nhận cơn đau dưới dạng một cảm xúc phức tạp, theo Neely.
Jennifer Mather, nhà động vật học và chuyên gia về động vật chân đầu tại Đại học Lethbridge, người có các nghiên cứu góp phần chứng minh động vật chân đầu có tri giác, đồng ý rằng không thể chứng minh chắc chắn rằng côn trùng cảm thấy đau. Tuy nhiên, vì côn trùng chiếm ít nhất 60% tổng số động vật, "chúng ta không thể bỏ qua chúng", Mather cho biết. Nghiên cứu này cũng giúp cải thiện thái độ coi con người là trung tâm vẫn tồn tại trong khoa học phương Tây, theo Mather.
Nguồn: