Kể từ khi bộ phim bom tấn của Christopher Nolan được phát hành vào ngày 21/7, giới khoa học đã xôn xao về độ chính xác của câu chuyện phát triển bom nguyên tử.
Để có đánh giá của một chuyên gia, Nature đã trò chuyện với Richard Rhodes, nhà sử học hàng đầu về Dự án Manhattan, chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân đầu tiên của chính phủ Mỹ, đồng thời là tác giả của cuốn sách The Making of the Atomic Bomb đoạt giải Pulitzer năm 1986.
Oppenheimer đan xen hai mạch truyện chính. Thứ nhất là cách J. Robert Oppenheimer (1904–1967) đã thuê và lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học hàng đầu để khai thác quá trình phân hạch hạt nhân trong Thế chiến thứ hai. Thứ hai là cách Oppenheimer rơi vào cảnh thất thế một thập kỷ sau khi không còn được bảo vệ theo diện nhân sự an ninh quốc gia.
Trong mạch truyện đầu tiên, người xem thấy Oppenheimer, dưới sự giám sát của tướng quân đội Mỹ Leslie Groves, đặt nền móng cho Phòng thí nghiệm Los Alamos ở New Mexico. Trong mạch truyện thứ hai, chúng ta thấy nhà vật lý tìm cách phản đối việc tạo ra bom khinh khí, một vũ khí hủy diệt hàng loạt thậm chí còn mạnh hơn cả bom nguyên tử. Thái độ này đã đặt ông vào tầm ngắm của một chính trị gia đầy mưu mô, Lewis Strauss, người có vai trò lãnh đạo tại Ủy ban năng lượng nguyên tử Mỹ.
J. Robert Oppenheimer ngoài đời (trái) và do diễn viên Cillian Murphy (phải) thủ vai trong phim "Oppenheimer".
Nature: Ông nghĩ gì về bộ phim?
Richard Rhodes: Nhìn chung bộ phim đã mô tả đúng câu chuyện. Tôi đã xem nhiều phiên bản Hollywood của câu chuyện Oppenheimer, như bộ phim kinh khủng Fat Man and Little Boy [1989], tường thuật sai về mọi thứ. Một sai lầm - và điều này hoàn toàn không có trong phim của Nolan - là quan điểm cho rằng bằng cách nào đó tất cả các nhà vật lý có thể đã tập hợp lại với nhau sau khi phát hiện ra sự phân hạch và nói "chúng ta đừng nghiên cứu vấn đề này, đừng nói với bất kỳ ai, hãy giữ im lặng” [để tránh phát triển vũ khí hạt nhân]. Điều này thật thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của khoa học. Tất cả mọi người đã bàn tán về việc giải phóng năng lượng trong nguyên tử trong 40 năm kể từ khi Marie Curie có những khám phá ban đầu về phóng xạ.
Bộ phim miêu tả Oppenheimer hối hận vì đã giúp tạo ra những vũ khí huỷ diệt này. Có phải như vậy không?
Đúng, và trong phim, chúng ta có cảnh Oppenheimer đến gặp tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman và nói rằng tay ông dính máu. Oppenheimer vừa hối hận vừa tự hào. Ông hiểu vũ khí đó là một thứ khủng khiếp như thế nào.
Một điều không được nhắc đến trong phim là các quan chức tại Los Alamos nghĩ rằng người dân ở Hiroshima và Nagasaki sẽ ở trong hầm tránh bom khi bom được thả xuống. Ước tính của họ về số người chết thấp hơn nhiều so với con số thực tế. Lý do họ nghĩ như vậy là vì người Nhật luôn đến hầm tránh bom khi họ nghe thấy một phi đội máy bay B-29 đang đến. Nhưng khi chỉ có một hoặc hai chiếc B-29 như khi thả bom nguyên tử, người Nhật cho rằng máy bay mới chỉ kiểm tra thời tiết. Họ đã không đến hầm trú ẩn, và số người thiệt mạng vì cơn bão lửa nhiều hơn so với kịch bản trú ẩn.
Richard Rhodes, người giành giải Pulitzer năm 1986 cho cuốn
The Making of the Atomic Bomb.
Làm thế nào Oppenheimer được chọn cho công việc lãnh đạo Los Alamos khi mới 38 tuổi?
Theo tôi hiểu, không ai nghĩ rằng Oppenheimer là sự lựa chọn đúng đắn ngoại trừ tướng Groves. Oppenheimer không có giải Nobel và không giỏi trong phòng thí nghiệm. Nhưng bất cứ khi nào Groves có câu hỏi, ông ta sẽ hỏi Oppenheimer. Theo nghĩa đó, Oppenheimer đã đào tạo Groves và có lẽ đã tự tuyển dụng chính mình.
Oppenheimer thực sự là một công dân Mỹ trung thành, ông hiểu nỗi kinh hoàng của Đức Quốc xã và đã sử dụng một phần tài sản đáng kể của mình để đưa người Do Thái thoát khỏi Đức Quốc xã và Áo và đưa họ đến Mỹ. Ông muốn làm nhiệm vụ này, và tôi nghĩ có lẽ ông đã nhìn thấy rõ ràng hơn cả Groves sự cần thiết phải có các nhà khoa học tập hợp lại ở một nơi.
Kai Bird, đồng tác giả của cuốn sách nguyên tác của bộ phim, đã viết trên tờ New York Times rằng bi kịch thực sự của Oppenheimer là chỗ vụ việc của ông khiến các nhà khoa học không muốn dính líu đến chính trường. Ông có nghĩ rằng điều này xuất hiện trong phim?
Đó là thông điệp rõ ràng. Lý do chính cho sự thất thế của Oppenheimer, ngoài thù hận với Lewis Strauss, là lực lượng không quân Mỹ. Oppenheimer nghĩ rằng vũ khí hydro là một trò hề, vì không có mục tiêu quân sự nào lớn đến mức cần một loại vũ khí như vậy. Về cơ bản đây hoàn toàn là một vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vì vậy, lực lượng không quân muốn loại bỏ ông để phát triển bom khinh khí, và đó là động lực quan trọng trong nỗ lực tiêu diệt Oppenheimer.
Dự án Manhattan có thể thành công mà không có Oppenheimer không?
Mọi người đều nghĩ Oppenheimer lãnh đạo Dự án Manhattan. Tất nhiên, ông ấy không có vai trò đó. Ông ấy lãnh đạo Phòng thí nghiệm Los Alamos. [Các cơ sở thí nghiệm lớn khác thuộc Dự án Manhattan ở Oak Ridge, Tennessee và Hanford, Washington, đã sản xuất plutonium và uranium được làm giàu không phải là trọng tâm của bộ phim.]
Tôi không biết liệu dự án có thể được thực hiện hay không nếu không có Oppenheimer. Nhưng nó chắc chắn không thể xảy ra nếu không có Groves. Groves điều hành trên quy mô ngoài sức tưởng tượng. Trong quá trình không ngừng thúc đẩy mọi người hoàn thành công việc, ông ta đã biến dự án thành hiện thực.
Ông cho rằng các khán giả của bộ phim sẽ tin tưởng nhiều hơn hay bớt tin tưởng vào các nhà khoa học?
Tôi nghĩ các nhà khoa học rõ ràng là những nhân vật chính diện trong phim, hầu hết là như vậy. Chắc chắn là có những nhân vật phản diện, bao gồm nhà vật lý Ernest Lawrence, phản đối quyết định không phát triển bom khinh khí của Oppenheimer. Nhưng các nhà khoa học đa phần thuộc về phe tốt, đây là một thành tựu khá lớn khi chúng ta nhớ lại về vấn đề họ đang nghiên cứu.
Có một câu hỏi thú vị là tại sao Nolan không cho thấy những gì đã xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki? Trước hết, câu chuyện được kể dưới góc nhìn của Oppenheimer. Và thứ hai, nếu thể hiện sự hỗn loạn tại hiện trường, bộ phim có thể sẽ nhạy cảm quá mức đối với một số người xem chưa sẵn sàng tiếp nhận kiểu chiến tranh hủy diệt đó.
Nguồn: