Whang Od Oggay là nghệ nhân xăm truyền thống cao tuổi nhất ở Philippines, mỗi ngày cụ xăm tới 80 hình cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Nằm giữa những ruộng lúa xanh rì, núi đồi trập trùng là ngôi làng Buscalan, nơi chỉ có khoảng 200 người dân sinh sống. Làng thuộc tỉnh Kalinga, cách Manila, thủ đô Philippines khoảng 15 giờ di chuyển bằng ôtô về phía bắc.

Là vùng quê hẻo lánh nhưng mỗi năm có tới cả nghìn khách đến gặp cụ Whang Od Oggay, mambabatok (nghệ nhân xăm truyền thống) cuối cùng của Philippines. Cụ năm nay 100 tuổi, và làm nghề này từ năm 15 tuổi.

Chia sẻ với CNN, cụ Whang Od cho biết: "Truyền thống vẫn còn miễn là có người muốn xăm. Chừng nào còn nhìn rõ, tôi vẫn tiếp tục xăm. Tôi chỉ nghỉ việc một khi không nhìn được nữa''.

Cụ Whang Od xăm cho du khách. Ảnh: Travel Trilogy.
Cụ Whang Od xăm cho du khách. Ảnh: Travel Trilogy.

Còn đối với phụ nữ, những hình xăm thường được coi như ''phụ kiện làm đẹp''. ''Thời xưa, phụ nữ Philippines cho rằng có một hình xăm thì bạn trông sẽ đẹp hơn nhiều'', cụ Whang nhớ lại tuổi trẻ, cùng những người bạn của mình xăm kín hai cánh tay và chân. Theo truyền thống, những hình xăm bằng tay này chỉ dành cho những chiến binh Butbut bản xứ. ''Khi họ giết được một người họ sẽ có thêm một hình xăm trên người'', theo cụ Whang Od.

Tuy nhiên ngày nay các chiến binh đều đã chết, những hình xăm bằng tay này có thể xăm cho bất kỳ ai. Mỗi biểu tượng, từ đường thẳng tới các vòng tròn, hình động vật hay mật mã bộ tộc... đều mang một ý nghĩa. Nhiều hình xăm còn thể hiện các yếu tố tự nhiên như núi đồi, mặt trời hay sự sinh nở, sức mạnh.

Với sự tập trung cao, cụ vẽ một hình trên da của khách bằng mực tự chế từ nhọ nồi. Rồi xăm bằng cách gõ tay từng chút một với cây kim từ gai bưởi và que tre lên hình đã vẽ. Việc xăm này cũng đau đớn không kém với cách xăm hiện đại ngày nay. Cụ làm nghề với các kỹ thuật xăm đã tồn tại cả nghìn năm qua nhưng dụng cụ chỉ cần có gai lấy từ cây bưởi pomelo, một cây gậy tre dài cỡ 30 cm, nhọ đen lấy từ một cái nồi cũ và nước.

Nghệ thuật xăm hình này chỉ có thể truyền lại qua các mối quan hệ ruột thịt, mang theo niềm tin rằng những hình xăm sẽ lan truyền rộng rãi hơn. Cụ đang dạy nghề xăm cho hai cháu gái là Elyang Wigan và Grace Palicas.

Cụ kể "Những người bạn làm cùng nghề với tôi đều đã qua đời. Giờ chỉ còn lại mình tôi làm nghề này. Nhưng tôi không sợ truyền thống này biến mất vì mình đang có những người kế tục''. Cụ Whang Od còn chia sẻ bí quyết sống tới 100 tuổi của mình là không ăn đồ hộp, thức ăn có dầu mỡ hay đồ muối mà chỉ ăn rau, đậu.