Trước khi các mỏ kim cương ở Brazil và Nam Phi được phát hiện hồi đầu thế kỷ XVIII, Ấn Độ chính là nguồn cung cấp loại khoáng vật này duy nhất trên thế giới. Và tại Ấn Độ, phần lớn kim cương lại được khai thác từ một vùng đất nhỏ mang tên Golconda (nay thuộc bang Andhra Pradesh và Telangana).
Nằm cách xứ Hyderabad ở miền Trung Nam Ấn Độ không xa, Golconda, nơi có công trình pháo đài cổ được xây dựng tinh tế, vốn là kinh đô đầu tiên của vương triều Qutb Shahi – được thiết lập vào đầu thế kỷ XVI. Nhờ sự xuất hiện của kim cương trong khu vực, Golconda đã nổi lên trở thành trung tâm buôn bán loại khoáng vật vô cùng quý hiếm này. Đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết những viên kim cương lớn và đẹp nhất thế giới đều có xuất xứ tại Golconda. Cái tên “Golconda” trở nên đồng nghĩa với sự “giàu sang”, được các nhà buôn và sưu tập kim cương nhắc đến với sự tôn kính.
Tranh vẽ Nữ hoàng Victoria đang đeo viên kim cương Koh-i-Noor của họa sĩ người Đức Franz Xaver Winterhalter. Ảnh: Wikimedia Commons.
Kim cương Golconda vốn đã nổi tiếng ở châu Âu từ thời Marco Polo (thế kỷ XIV). Nhà buôn Pháp – Jean Baptiste Tavernier (1605 – 1689) – là một trong số những người hiếm hoi từng du hành khắp vùng này để viếng thăm các mỏ kim cương và những ông hoàng sở hữu chúng. Trong nhật ký của mình, ông đã miêu tả các mỏ kim cương của Ấn Độ rộng mênh mông đến nhường nào, và tên của một số vùng đất (nơi có khu mỏ) còn được chọn để đặt cho những viên kim cương nổi tiếng như Tamil Nadu, Maharashtra, Bengal, Bundelkhand,… Tavernier từng có cơ hội kiểm định viên Great Mogul Diamond – có kích thước khổng lồ và hình dạng trông giống nửa quả trứng, được đặt theo tên Shah Akbar (1760 – 1837, vị vua thứ ba của Đế quốc Hồi giáo Mogul tồn tại từ thế kỷ XVI – XIX trên tiểu lục địa Ấn Độ). Nhưng viên đá đã biến mất ngay sau đó. Có giả thuyết cho rằng nó đã bị bọn trộm cắt thành các mảnh nhỏ hơn để che giấu danh tính. Nhiều nhà nghiên cứu đương đại tin một trong số đó chính là viên kim cương Orlov (nặng 189 carat) được gắn trên vương miện của Nữ hoàng Catherine (Nga) và hiện được trưng bày trong bảo tàng của Điện Kremlin ở Moscow. Tavernier cũng tuyên bố đã nhìn thấy viên kim cương nhẵn Great Table trong trong một căn hầm ở Golconda. Nó bị chiếm đoạt bởi vua Ba Tư Nader Shah (1698 – 1747) sau cuộc chinh phạt Ấn Độ năm 1739 rồi biến mất cùng với cái chết của ông này (bị ám sát).
Viên Hope hiện được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ Smithsonian tại Washington DC.
Ảnh: Mbalotia/Wikimedia Commons.
Một trong những viên kim cương nổi tiếng nhất từng được chế tác tại Golconda là Tavernier Blue Diamond do chính Tavernier mua lại năm 1666 rồi bán cho Vua Louis XIV. Nó là một khối đá hình tam giác, nặng khoảng 67 carat và mang sắc xanh (lục) huyền bí, thường được đính trên chiếc cà vạt bằng vàng ròng kết hợp với dải ruy băng cổ mà nhà vua hay mang trong các buổi lễ. Sau này, cháu trai ông – Louis XVI – lại thích gắn nó trên một mặt dây chuyền được nạm cực kỳ tinh xảo cùng viên Red Spinel và hàng trăm viên kim cương nhỏ khác. Trong cuộc Cách mạng Pháp (1789), sau khi Louis XVI và gia đình bị bắt giam, đám đông nổi loạn đã đột nhập vào mật thất hoàng gia và lấy đi hầu hết các viên đá quý, bao gồm cả viên Tavernier Blue – còn mang tên khác là French Blue (Màu xanh của nước Pháp). Hai thập kỷ sau, nó lại tái xuất hiện ở Anh trong hình hài của một viên kim cương khác đã qua gọt giũa nặng 45 carat và được gọi là Hope (Hy vọng). Sau nhiều lần đổi chủ, nó được Harry Winston – một nhà buôn đá quý tại New York – mua lại năm 1949 rồi tặng cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ (năm 1958) và yên vị tại đó cho đến bây giờ.
Một viên kim cương nổi tiếng khác từ Golconda đã gây nên rất nhiều tranh chấp là Koh-i-Noor (Núi ánh sáng). Nó được khai thác tại mỏ Kollur Mine, nặng gần 200 carat và từng hiện diện trên chiếc vương miện Mughal Peacock Throne của vua Shah Jahan (1592 – 1666) vào đầu thế kỷ XVII. Koh-i-Noor đã trải qua vài lần đổi chủ giữa các thế lực ở Tây và Nam Á, trước khi được dâng cho Nữ hoàng Victoria (1819 – 1901) sau khi Anh chinh phục Punjab vào năm 1849. Trong hơn một thế kỷ, những người phụ nữ thuộc Hoàng gia Anh đã thay nhau đính viên kim cương này lên vương miện của họ. Sau khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ yêu cầu người Anh trả lại Koh-i-Noor nhưng bị từ chối với lý do nó đã được mua bán hợp pháp. Ngày nay, viên kim cương vẫn đang được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng trong Kho Châu báu Hoàng gia (Jewel House) ở Tháp London (Tower of London).
Viên kim cương hồng Daria-e Noor.
Ảnh: Wikimedia Commons.
Phần lớn các viên kim cương Golconda đều đã bị mang ra khỏi Ấn Độ. Daria-i-Noor, viên kim cương hồng lớn nhất thế giới, nằm trong bộ sưu tập phục sức của Hoàng gia Iran (cũ) – nay thuộc sự quản lý của Ngân hàng Trung ương Iran ở Tehran, cũng được khai thác từ Kollur. Ban đầu nó được sở hữu bởi vương triều Kakatiya; sau đó, cũng giống như viên Koh-i-Noor, nó trở thành vật trang trí trên vương miện Peacock Throne của vua Shah Jahan. Năm 1739, khi vua Nader Shah xâm chiếm Bắc Ấn Độ và chiếm đóng Delhi, ông đã cho lùng sục kho tàng của người Mughals và lấy đi cả hai viên Daria-i-Noor, Koh-i-Noor cùng chiếc vương miện Peacock Throne. Vài nhà nghiên cứu tin rằng Daria-i-Noor có thể là một phần của viên Great Table mà Tavernier đã nhắc đến từ thế kỷ 17, sau khi bị cắt thành hai mảnh. Mảnh lớn chính là Daria-i-Noor, còn mảnh kia nhỏ hơn có lẽ là viên Noor-ul-Ain nặng 60 carat – cũng được đính trên một chiếc vương miện khác trong bộ sưu tập của Hoàng gia Iran.
Viên kim cương Golconda lớn duy nhất mà Ấn Độ còn giữ lại được là Jacob Diamond – không màu, nặng khoảng 185 carat, và là viên kim cương được mài nhẵn lớn thứ năm thế giới. Nó từng được nhà buôn đồ cổ và đá quý Alexander Malcolm Jacob mua lại (sau đó được đặt theo tên của ông) rồi bán cho Mahbub Ali Khan (1866 – 1911) – nizam (người cai trị) thứ sáu của xứ Hyderabad. Mahbub Ali phải đặt cọc 2,2 triệu rupee để vận chuyển viên kim cương từ London đến Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi ngắm nghía nó vài lần, ông này lại đổi ý không muốn mua nữa và đòi trả lại tiền nhưng Jacob từ chối. Sự việc đã dẫn đến một vụ tranh chấp pháp lý gây chấn động Ấn Độ và quốc tế. Mặc dù tòa đã phán trao Jacob Diamond cho Mahbub Ali và ông không phải thanh toán số tiền còn lại, nhưng việc một vị nizam đứng trước tòa án của người Anh lại bị xem là nỗi hổ thẹn cùng cực. Cho rằng viên kim cương chỉ mang lại xui xẻo, Mahbub Ali đã bọc nó bằng vải rồi nhét vào trong một chiếc giày cũ.
Năm 1911, Mahbub Ali mất; vài năm sau, con trai ông Mir Osman Ali Khan – vị nizam cuối cùng của Hyderabad – tình cờ tìm thấy Jacob Diamond. Cho rằng đó chỉ là một viên đá rẻ tiền, Mir Osman Ali đã dùng nó làm vật chặn giấy mãi đến khi nhận ra giá trị thực của viên kim cương. Nhiều thập niên sau, dưới sự ủy thác của vị nizam, Chính phủ Ấn Độ đã mua lại viên Jacob Diamond và cất giữ nó trong hầm của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ ở Mumbai.
Theo Amusing Planet