Chankillo là Đài quan sát Mặt trời lâu đời nhất ở châu Mỹ với niên đại cách đây gần 2.300 năm. Đây là một trong 13 địa điểm trên thế giới vừa được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Nằm trên Ốc đảo Casma-Sechin ở khu vực sa mạc ven biển của Peru là khu phức hợp Chankillo hoành tráng và đáng kinh ngạc, có diện tích khoảng 4 km2. Nó phục vụ cho cả mục đích quan sát thiên văn và tiến hành các nghi lễ. Đặc điểm nổi bật nhất của địa điểm này là 13 tháp đá nằm thẳng hàng trên một đỉnh đồi, tương ứng với vị trí mọc và lặn của Mặt trời theo từng thời điểm trong năm. Chúng được xây dựng từ năm 250 đến năm 200 trước Công nguyên. Di chỉ khảo cổ cũng bao gồm một ngôi đền với ba bức tường bao quanh hùng vĩ trong khung cảnh cằn cỗi của thung lũng sông Casma.
Toàn cảnh khu phức hợp khảo cổ Chankillo nhìn từ trên cao. Ảnh: WMF
Theo các nhà khảo cổ, Chankillo là Đài quan sát Mặt trời lâu đời nhất ở châu Mỹ. Nó được xây dựng sớm hơn nhiều thế kỷ so với các công trình dùng để quan sát Mặt trời và các ngôi sao của người Inca. Vào tháng 7/2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Chankillo là Di sản Thế giới, đồng thời gọi nó là “kiệt tác sáng tạo của nhân loại”.
“Đây là đài quan sát duy nhất trong thế giới c đại mà chúng ta biết có thể dùng để tính toán lịch Mặt trời hoàn chỉnh trong một năm. Tổng cộng 13 ngọn tháp nằm ở vị trí trùng khớp với chuyển động của Mặt trời vào các mùa trong năm từ hai điểm quan sát khác nhau. Điều này không có sự tương đồng với bất kỳ nơi nào ở châu Mỹ hay trên thế giới”, Iván Ghezzi, Giám đốc chương trình nghiên cứu về Chankillo, cho biết.
Người ta đã biết đến các ngọn tháp đá tại Chankillo từ lâu, nhưng giá trị của chúng về mặt thiên văn học không được công nhận rộng rãi cho đến khi hai nhà khoa học Ghezzi và Clive Ruggles nghiên cứu chi tiết địa điểm khảo cổ này vào năm 2007.
13 tháp đá tương ứng với vị trí mọc và lặn của Mặt trời theo từng thời điểm trong năm. Ảnh: WMF
Chankillo được xây dựng với độ chính xác đáng kinh ngạc. Theo dữ liệu đo đạc, 13 tháp đá ở Chankillo nằm cách nhau từ 4,7m đến 5,1m. Vào thời điểm mới xây dựng, các tháp hoàn toàn bằng phẳng trên đỉnh. Mỗi tháp có hình dạng và kích thước khác nhau với chiều rộng từ 70 – 130m và chiều cao lên tới 6m. Chúng nằm trải dài theo vị trí mọc và lặn của Mặt trời dịch chuyển dần theo hướng Bắc và Nam, dọc theo đường chân trời trong suốt một năm.
Giới khảo cổ cho rằng, các cư dân ở Chankillo có thể sử dụng đài quan sát để xác định chính xác thời điểm trong năm với độ sai lệch chỉ khoảng 1 – 2 ngày. Vào ngày Đông chí, Mặt trời mọc sau ngọn tháp xa nhất ở bên trái và sau đó theo thời gian, nó sẽ mọc phía sau mỗi ngọn tháp ở giữa, cho đến khi nó đến ngọn tháp xa nhất ở bên phải vào sáu tháng sau, trùng với ngày Hạ chí.
“Các nền văn minh cổ đại ở Peru đã tiến hành những quan sát thiên văn học tinh vi nhất vào thời điểm đó”, Ghezzi nói. Đài quan sát Mặt trời Chankillo giúp những người xây dựng nó biết thời điểm nào tốt nhất để trồng và thu hoạch mùa màng, cũng như thời điểm tiến hành các lễ hội tôn giáo.
Các bức tường tại khu di tích Chankillo từng có màu trắng sáng bóng, chứa các bức tranh và hình vẽ trang trí. Chúng đảm nhiệm chức năng phòng thủ với những lối vào giả. Ngoài 13 tháp đá và ngôi đền kiên cố, Chankillo còn bao gồm một quảng trường rộng lớn. Các công trình kiến trúc ở Chankillo đều được xây bằng đá, xuất hiện nổi bật trong khung cảnh sa mạc ven biển ở Peru.
“Chankillo là một kiệt tác của người Peru cổ đại. Một kiệt tác về kiến trúc, công nghệ và thiên văn học. Đây là một trong những cái nôi thiên văn học ở châu Mỹ”, Ghezzi nói.
Điều khó hiểu nhất về Chankillo là ai đã xây dựng khu phức hợp đáng kinh ngạc này? Các nhà nghiên cứu gần như không biết gì về những người xây dựng cổ đại, cũng như nền văn hóa đã tạo ra đài quan sát Mặt trời lâu đời nhất ở châu Mỹ. Nguyên nhân là do họ không phát hiện thấy bất kỳ hài cốt người nào tại khu di tích.
Tuy nhiên, giới khảo cổ tin rằng những người xây dựng Chankillo có thể thờ thần Mặt trời. Vì vậy, các tháp đá không chỉ đóng vai trò là lịch và đài quan sát, mà còn là nơi để những người xây dựng nó ca tụng mối liên hệ thần bí của họ với Mặt trời.
“Nếu người ta chỉ nhằm mục đích đo lường sự thay đổi của các mùa trong năm, họ không cần thiết phải tạo ra công trình kiến trúc vĩ đại như vậy”, Ghezzi cho biết. “Nhiều khả năng nó có nhiệm vụ truyền tải thông điệp chính trị hoặc tư tưởng về mối quan hệ mật thiết giữa một người cai trị nào đó với Mặt trời”.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy Chankillo đã bị bỏ hoang vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Sau đó, nó gần như bị lãng quên cho đến thế kỷ 19. Trong suốt nhiều thế kỷ, Chankillo đã phải đối mặt với gió mạnh, độ ẩm, động đất và những biến động nhiệt độ lớn trong khí hậu khắc nghiệt của sa mạc. Những yếu tố này gây ra xói mòn, phá hủy dần các công trình xây dựng bằng đá.
“Chankillo được xây dựng vào thời điểm có nhiều xung đột xã hội lớn. Tôi tin rằng Chankillo là sản phẩm từ quá trình Balkan hóa sau sự sụp đổ của nền văn hóa Chavín trước đó”, Ghezzi cho biết. Thuật ngữ Balkan hóa dùng để diễn tả quá trình chia cắt có tính toán một lãnh thổ thành một số quốc gia độc lập hoặc một số vùng nhỏ hơn với các dân tộc có xung đột lẫn nhau về lợi ích, mục đích là ngăn cản sự hình thành một lực lượng tập trung, thống nhất đe dọa người cai trị.
Năm 2010, Quỹ Di tích Thế giới (WMF) bắt đầu hỗ trợ các nỗ lực nghiên cứu, khai quật và thiết lập ranh giới pháp lý cho khu phức hợp Chankillo. Gần đây, các tổ chức bao gồm WMF, Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) và Quỹ Selz đã hỗ trợ bảo tồn năm trong số các tháp đá của Chankillo, cũng như tiến hành nhiều biện pháp để bảo vệ nó.
Chankillo là địa điểm thứ ba của Peru được UNESCO thêm vào danh sách Di sản Thế giới trong thế kỷ này. Hai địa điểm còn lại là Qhapaq Ñan, một hệ thống đường giao thông rộng lớn do người Inca xây dựng và Caral, thành phố lâu đời nhất ở châu Mỹ.
Theo Ancient Origins, Guardian