Một nghiên cứu mới đây đã cảnh báo, rất nhiều ngôn ngữ đang đứng trên bờ vực ‘tuyệt chủng’, và kéo theo đó, những phương thuốc lâu đời mà khoa học chưa từng biết đến cũng có nguy cơ biến mất.
Người đứng đầu bộ tộc Sateré-Mawé đang thu hoạch caferana, một loại cây bản địa của rừng nhiệt đới Amazon. Loại cây này được người dân bản địa xem như một loại thảo dược. Ảnh:Ricardo Oliveira/AFP/Getty
Các ngôn ngữ bản địa chứa đựng một lượng lớn kiến thức về các lợi ích của hệ sinh thái do thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta ban tặng. Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, dự kiến hơn 30% trong số 7.400 ngôn ngữ trên hành tinh sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này.
Tiến sĩ Rodrigo Cámara-Leret, nhà sinh vật học ở Đại học Zurich, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, nhóm của ông đã xem xét 12.000 lợi ích của cây thuốc gắn với 230 ngôn ngữ bản địa ở ba khu vực có mức độ đa dạng ngôn ngữ và sinh học cao – Bắc Mỹ, tây bắc Amazon và New Guinea. Họ phát hiện ra rằng có thể tìm thấy 73% kiến thức về y học ở Bắc Mỹ chỉ trong một ngôn ngữ; con số đó ở tây bắc Amazon là 91% và ở New Guinea là 84%. Nếu các ngôn ngữ bị ‘tuyệt chủng’, những kiến thức chuyên môn về y học viết bằng những ngôn ngữ này cũng sẽ biến mất theo. Các nhà nghiên cứu dự đoán phát hiện của họ ở những khu vực này cũng sẽ tương tự những khu vực khác trên thế giới.
“Việc đánh mất ngôn ngữ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các kiến thức y học cổ truyền về cây thuốc”, theo Cámara-Leret.
Thuốc thảo dược Amazon được bày bán tại chợ Ver-o-Peso ở Belem, Brazil. Ảnh:Mario Tama/Getty
Các khu vực có những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất cao nhất bao gồm tây bắc Amazonia – nơi 100% kiến thức y học cổ truyền được viết bởi những ngôn ngữ đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng; còn ở Bắc Mỹ, con số này là 86%. Ở New Guinea, 31% ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng. Theo bài báo đăng trên PNAS, việc mất đi tính đa dạng ngôn ngữ được dự đoán trước sẽ “gây tổn hại đáng kể đến khả năng khám phá tiềm năng của dược liệu”.
Có thể kể đến những kiến thức như sử dụng nhựa cây để điều trị các loại bệnh nấm da, sử dụng vỏ cây làm dược liệu điều trị các vấn đề về tiêu hóa, dùng trái cây để chữa bệnh về đường hô hấp, cũng như các chất kích thích hoặc gây ảo giác trong tự nhiên. “Danh sách cứ kéo dài mãi, nó khá ấn tượng”, Cámara-Leret nói. “Ngay cả những nhà phân loại thực vật giỏi nhất cũng phải ngạc nhiên trước bề dày kiến thức của các nền văn hóa bản địa, không chỉ về thực vật mà còn về động vật và mối quan hệ giữa chúng”.
Không thể biết được chúng ta đã đánh mất những gì. Hơn 1.900 ngôn ngữ nói giờ chỉ còn ít hơn 10.000 người sử dụng, và Liên Hợp Quốc đã tuyên bố giai đoạn 2022-2032 là Thập kỷ Quốc tế về Ngôn ngữ Bản địa để ghi nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.
Jordi Bascompte, nhà sinh thái học thuộc Đại học Zurich, và là tác giả thứ hai của bài báo, cho biết mặc dù rất nhiều loại thuốc đang được tạo ra dựa trên các hợp chất tổng hợp, nhưng vẫn còn nhiều thành phần hóa học có nguồn gốc thực vật. “Bất kỳ sự hiểu biết sâu sắc nào, đến từ đâu, đều có thể trở nên hữu ích”, ông nhận định.
Một dòng chảy tiến hóa độc đáo
Những người đàn ông da đỏ Lakota thuộc tộc người Siouxi tại Khu bảo tồn Rosebud ở Nam Dakota. Hầu hết những người nói ngôn ngữ Lakota đều đã trên 70 tuổi. Nhiều người tỏ ra lo ngại rằng ngôn ngữ này sẽ chết dần. Ảnh:Robert Van Der Hilst/Gamma-Rapho/Getty Phần lớn sự đa dạng ngôn ngữ của thế giới đang được bảo tồn nhờ những người bản địa, những người mà văn hóa và sinh kế của họ đang bị đe dọa khi rào cản giữa các nhóm người đang mờ nhòa. Không giống như những xã hội nơi con người lưu giữ thông tin trong sách và máy tính, hầu hết các ngôn ngữ bản địa đều lưu giữ kiến thức qua hình thức truyền miệng.
Cámara-Leret cho biết các chương trình của chính phủ nhằm khuyến khích việc truyền tải ngôn ngữ, học song ngữ và quan tâm đến di sản văn hóa, sẽ giúp cộng đồng duy trì sự đa dạng ngôn ngữ. Khía cạnh y học chỉ là một trong nhiều lý do nhằm thúc đẩy việc bảo tồn và tính đa dạng của các ngôn ngữ trên thế giới, ông bổ sung thêm.
Tiến sĩ Jonathan Loh, nhà nhân chủng học và nhà bảo tồn thuộc Đại học Kent, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết ông rất ngạc nhiên về sự liên quan giữa ngôn ngữ với kiến thức về cây thuốc. Trước đây, ông đã bàn về mức độ tương đồng giữa sự đa dạng ngôn ngữ và đa dạng sinh học, cũng như nhận xét rằng chúng đã phát triển theo những cách giống nhau, và cả hai đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tuyệt chủng.
Ông cho rằng điều này vô cùng quan trọng, tuy nhiên chúng ta không nên chỉ vì các nguyên nhân thực dụng mà quyết định bảo tồn ngôn ngữ, đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học.
“Có thể những kiến thức về các loại cây thuốc trong những ngôn ngữ này – thứ phương Tây chưa từng biết đến – rất quý giá và đúng ở một mức độ nào đó, nhưng nó không phải là lý do quan trọng nhất để chúng ta quyết tâm bảo tồn chúng”, ông nói. “Mỗi loại ngôn ngữ và văn hóa bản địa đều là một dòng chảy tiến hóa độc đáo, mà một khi đã mất đi thì sẽ không bao giờ trở lại.”
Nguồn: