Gần hai tháng qua, đàn voi châu Á 15 con vốn sinh sống tại châu Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã di chuyển hơn 500 km, đến ngoại ô thành phố Côn Minh vào ngày 8/6. Đây là lần đầu tiên một đàn voi châu Á di chuyển lâu như vậy.

Voi rừng châu Á là loài động vật được bảo tồn cấp quốc gia tại Trung Quốc, rất hiếm khi chúng đi lên phía Bắc, vì thế sự kiện này cực kì thu hút sự chú ý của dư luận nước này.

Hiện tại, đàn voi vẫn chưa gây thương vong về người. Tuy nhiên giới chức địa phương đang hết sức thận trọng thực hiện những phương án nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn công cộng, đồng thời bảo vệ sự an toàn cho chính đàn voi.

Đàn voi từ đâu đến? Chúng muốn đi đâu?

Theo Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Vân Nam, ngày 16/4, 17 con voi vốn sống ở khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tây Song Bản Nạp đã di chuyển từ huyện Mặc Giang (TP Phổ Nhĩ) đến huyện Nguyên Giang (TP Ngọc Khê).

Ngày 24/4, hai con trong số chúng đã quay trở lại huyện Mặc Giang và 15 con còn lại tiếp tục di chuyển.


Đàn voi đi lang thang trên con đường chính xuyên qua huyện Nga Sơn, TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, tối 27/5. Ảnh: BBC

Theo quan sát, đàn voi gồm 6 voi cái trưởng thành, 3 voi đực trưởng thành, 3 voi nhỡ và 3 voi con. Đàn voi đã đi được quãng đường hơn 500km - gần như một nửa tỉnh Vân Nam, qua một số quận thuộc TP Ngọc Khê, trong đó có quận đông dân Hồng Tháp.

Đến ngày 8/6, nhà chức trách cho biết, đàn voi nghỉ chân tại bìa rừng bên ngoài một ngôi làng ở thị trấn Tịch Dương thuộc quận Tấn Ninh - một quận ngoại ô của thành phố Côn Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 90 km về phía tây nam. Đàn voi đang có dấu hiệu đang đi về hướng tây nam, ngược lại đường chúng đến.

Trước đó, ngày 7/6, hơn 410 nhân viên khẩn cấp, 374 phương tiện và 14 máy bay không người lái đã được triển khai nhằm cung cấp hơn 2 tấn thức ăn cho voi, trong nỗ lực tiếp tục điều hướng đàn voi ra khỏi khu vực có người và sơ tán người dân trên đường đàn voi di chuyển.

“Việc di cư và mở rộng địa bàn của voi châu Á là hiện tượng phổ biến, tuy nhiên trước đây chúng chỉ đi lang thang và kiếm ăn trong một phạm vi môi trường sống nhất định. Cuộc di cư lên phía Bắc lần này thực sự hiếm thấy”, Giáo sư Trần Minh Dũng - Viện Sinh Thái và Môi trường, Đại học Vân Nam - cho biết. Là một người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu đàn voi, ông cũng nói thêm rằng đây là lần đầu tiên một đàn voi châu Á di chuyển lâu như vậy.

“Chúng tôi cũng không thể phán đoán được điểm dừng chân cuối cùng của chúng. Khí hậu, thức ăn, nguồn nước có thể hỗ trợ một phần, tuy nhiên vẫn cần quan sát và đánh giá thêm”, ông Trần nói, đây có thể là “một cuộc di cư không mục đích” của đàn voi.

Trên đường đi, đàn voi đã phá hủy gần 1 nghìn mẫu cây trồng, ước tính sơ bộ thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến gần 6,8 triệu nhân dân tệ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu đàn voi tiếp tục xâm nhập vào những khu đông dân cư như quận Hồng Tháp và quận Tấn Ninh, nơi có mật độ dân số cao và mạng lưới giao thông dày đặc, thì việc quản lí trở nên khó khăn, thậm chí đàn voi có thể gây ra tai nạn và thương tích cho con người. Đồng thời, do nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm, đàn voi sẽ thường xuyên vào nhà dân để tìm thức ăn, làm gia tăng xung đột tiềm ẩn giữa voi và con người.

Vì sao đàn voi “Bắc tiến”?


Đàn voi hoang dã đi qua huyện Nga Sơn, TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam ngày 28/5. Ảnh chụp bằng drone. Nguồn: Tân Hoa Xã

Được mệnh danh là “nhà vô địch kích thước” trên cạn, voi châu Á là loài động vật hoang dã hiện được bảo vệ cấp một ở Trung Quốc. Chúng sinh sống chủ yếu ở châu Tây Song Bản Nạp, thị trấn Phổ Nhĩ và thị trấn Lâm Thương thuộc tỉnh Vân Nam. Là loài động vật tiêu biểu cho quần động vật có xương sống ở châu Á, chúng cũng đồng thời là “kỹ sư” giúp duy trì hệ sinh thái rừng rậm.

Sau hơn 30 năm duy trì công tác cứu hộ và bảo tồn, hiện số lượng cá thể đàn voi rừng châu Á ở Vân Nam đã tăng lên khoảng 300 con, so với con số 193 vào đầu những năm 1980.

Theo Giáo sư Trần Minh Dũng: “Quan sát cho thấy đàn voi này đang di chuyển theo hướng từ bắc sang đông. Những thông tin về cơ chế định vị và điều hướng của đàn voi vẫn chưa đầy đủ, vì thế, chưa thể giải thích được lí do vì sao chúng lại di chuyển như vậy”. Việc này có thể xảy ra do con voi đầu đàn thiếu kinh nghiệm. “Có thể nó đã bị lạc đường, nhưng vẫn nghĩ rằng mình đã đi đúng”, ông nói.

Sự suy giảm sức tải môi trường cũng là một nguyên nhân quan trọng. Trong số 11 khu bảo tồn thiên nhiên thuộc phạm vi phân bố của voi rừng châu Á ở Vân Nam, có 10 khu thuộc hệ sinh thái rừng phòng hộ với nguồn thức ăn cho voi châu Á bị giảm sút, khiến chúng buộc phải dần di chuyển ra bên ngoài khu bảo tồn để kiếm ăn. Đàn voi thường xuyên vào khu vực làng mạc và đất nông nghiệp, gia tăng việc tiếp xúc với con người. Theo thống kê, có đến 2/3 số voi đã từng ra khỏi khu bảo tồn, khiến cho công tác quản lí và bảo vệ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đàn voi châu Á cũng đã thay đổi tập tính sau khi mở rộng quần thể. Theo quan sát, khi số lượng cá thể trong đàn voi châu Á gia tăng, khu vực sinh sống của chúng cũng sẽ không ngừng mở rộng. Hằng năm, chúng vẫn hoạt động xung quanh làng mạc, ruộng đồng theo thời vụ của các loại cây trồng. Chúng đi lại giữa rừng và ruộng, chủ yếu ăn lúa, ngô và các loại cây nông nghiệp khác. Vào những lúc khan hiếm lương thực, chúng còn ăn cả lương thực, ngô… do nông dân tích trữ.

Giải pháp “nhà ăn” cho voi


Đoàn công tác sử dụng drone với cảm biến nhiệt hồng ngoại để theo dõi, giám sát lộ trình của đàn voi. Nguồn: Tân Hoa Xã

Để giảm bớt xung đột giữa voi và con người, các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp như xây dựng “nhà ăn” cho voi, dựng hàng rào ngăn voi ở thôn xóm, đồng thời vận động các lực lượng xã hội tham gia vào việc bảo vệ, thúc đẩy giám sát, bảo vệ và phục hồi môi trường sống.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng mua bảo hiểm trách nhiệm động vật hoang dã cho người dân. Cùng với đó, nhờ việc cảnh báo sớm và giám sát, số vụ việc người bị voi rừng làm bị thương cũng đã được giảm thiểu.

“Trước đây, tôi chỉ được nhìn thấy voi trong vườn thú, đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nhìn thấy voi hoang dã”, theo ông Phổ Thúy Phương, tổ trưởng tổ dân làng thuộc thôn Liên Hoa (xã Bách Cẩm, phố Song Giang, huyện Nga Sơn, tỉnh Vân Nam) kể lại. Tối ngày 26/5, khi đàn voi vào ruộng của làng để kiếm ăn, ông Phổ đã thông báo cho dân làng sơ tán khẩn cấp thông qua hệ thống phát thanh, và đã thức trắng cả đêm đó.

“Thiệt hại đối với cây ngô, đậu nành và các loại cây trồng khác trong thôn ước tính khoảng 5 vạn tệ”, ông Phổ cho biết.

“Tất cả những gì chúng ta có thể làm đối với 15 con voi này đó là cảnh báo sớm, sơ tán dân chúng và cố gắng giảm thiểu tối đa thiệt hại”, Giáo sư Trần phát biểu. Trong điều kiện có thể khống chế được, cân nhắc việc thiết lập các hàng rào bảo vệ trước khi đàn voi tiến vào khu vực đông dân cư. Nhóm chuyên gia vẫn đang tiếp tục giám sát, nghiên cứu nhằm đưa ra những phương án khoa học, hợp lí giúp bảo đảm sự an toàn cho cả đàn voi và con người. Trong khi đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên thực hiện theo hướng dẫn, cập nhật thông tin, sắp xếp thời gian làm việc và đi lại hợp lí, tránh tiếp xúc trực tiếp với đàn voi, đồng thời nghiêm cấm việc trêu ghẹo đàn voi để đảm bảo an toàn.


Nguồn: