Phòng trống mới trong Đại kim tự tháp Giza
Nhóm dự án ScanPyramids phát hiện một căn phòng lớn dài ít nhất 30 m phía trên Grand Gallery, một hành lang dốc nối liền hai phòng chứa khác mang tên "Phòng vua" và "Phòng hoàng hậu" trong Đại kim tự tháp Giza hôm 2/11.
Các nhà khoa học vẫn chưa xác đinh được phòng trống mới là phòng đơn hay chia thành nhiều phòng nhỏ, đồ đạc và cấu trúc bên trong và mục đích xây dựng căn phòng.
Họ cũng chưa trực tiếp tiến vào vì phòng trống được tìm ra nhờ sử dụng hạt muon có nguồn gốc từ tia vũ trụ xâm nhập sâu vào các lớp đá. Các hạt muon đi xuyên qua khoảng trống nhưng bị hấp thụ bởi vật chất cứng. Đường đi của chúng giúp các nhà khoa học biết được đâu là khoảng trống, đâu là đá.
Hàng chục con bạch tuộc bò lên bờ biển
Một quản lý công ty du lịch địa phương và nhóm khách tham quan phát hiện hơn 20 con bạch tuộc đang bò lên khỏi mặt nước và tiến về bãi biển Ceredigion ở Wales, Anh, sau 10 giờ đêm hôm 27/10.
Một con bạch tuộc bò trên bãi biển Wales. Video:Facebook.
Nhiều chuyên gia cho rằng đàn bạch tuộc đang trải qua quá trình lão hóa. Bạch tuộc thường sống khoảng một năm và chết không lâu sau khi đẻ trứng. Tháng 10 là lúc mùa đẻ trứng gần kết thúc nên có thể chúng bị suy giảm nhận thức do già yếu.
Một giả thuyết khác là hai cơn bão Ophelia và Brian đã buộc chúng rời khỏi biển. Một nghiên cứu năm 2016 trên Current Biology chỉ ra, số lượng bạch tuộc đang tăng mạnh. Đây cũng có thể là nguyên nhân những con bạch tuộc phải đi xa hơn để tìm thức ăn và chỗ trú ẩn.
Người dân tiếp tục thấy bạch tuộc bò lên bờ biển vài tuần sau đó. Đến khoảng giữa tháng 11, có vẻ tình trạng này mới chấm dứt.
Phát hiện 15 chớp sóng vô tuyến ngoài hành tinh
Đầu tháng 9, các nhà khoa học thuộc dự án Breakthrough Listen chuyên tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh, phát hiện 15 chớp sóng vô tuyến ngắn nhưng rất mạnh từ một thiên hà cách Trái Đất ba tỷ năm ánh sáng.
Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân tạo nên những chớp sóng này. Tuy nhiên, chúng thỉnh thoảng phát ra từ những nơi có từ trường mạnh. Các nhà khoa học lần đầu dò được chớp sóng từ thiên hà này năm 2007. Từ đó đến nay, có hơn 20 chớp sóng đã được phát hiện.
Ký sinh trùng ăn não giết chết hàng nghìn con cá mập
Một nhà nghiên cứu bệnh học ở Cơ quan Cá và Động vật hoang dã California (CDFW) xác định được thủ phạm khiến hàng nghìn con cá mập và cá đuối biến thành xác sống và chết ở vịnh San Francisco, Mỹ, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7.
Nhiều cá mập và cá đuối chết do bị ăn não. Video: National Geographic.
Đó là một loài ký sinh trùng chui qua mũi cá mập, bám vào não chúng và ăn sạch não, khiến cá mập trở nên mất phương hướng, bơi như "xác sống" và cuối cùng mắc cạn hoặc chết.
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa xác định được nguồn gốc của những ký sinh trùng này. Đây là trường hợp đầu tiên cá mập hoang dã nhiễm bệnh. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết, số lượng cá mập lớn trong vịnh tạo điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng lây lan nhanh. Lượng mưa cao hơn bình thường cũng có thể ảnh hưởng đến độ mặn của nước, làm yếu hệ miễn dịch của cá mập.
Chó Ấn Độ có lông chuyển màu xanh
Hình ảnh những con chó lông xanh xuất hiện trên đường phố được ghi lại lần đầu trong một khu vực có nhiều nhà máy công nghiệp ở Mumbai, Ấn Độ, vào giữa tháng 8. Người dân địa phương sau đó phát hiện, những con chó đã lội qua nước sông ô nhiễm khiến lông bị nhuộm xanh.
Chất nhuộm này không độc và có thể dễ dàng rửa trôi khỏi lông chúng. Tuy nhiên, người dân địa phương tỏ ra rất bức xúc về nguồn gây ô nhiễm.Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Maharashtra điều tra vụ việc nhưng không tiết lộ tên công ty cụ thể hay chất hóa học khiến lông chó chuyển màu xanh.
Theo các chuyên gia, có thể nhiều nhà máy khác nhau đã cùng xả thải và gây ô nhiễm nguồn nước.