Giữa năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử 21 cán bộ ở các chuyên ngành khoa học khác nhau đi Liên Xô học tập, trong số đó có hai người còn sống là Thiếu tướng Phạm Như Vưu và PGS. Thiếu tướng Lê Văn Chiểu.

Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô Nguyễn Lương Bằng cùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn và "đoàn Liên Xô 51" tại Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcova, 1952. Từ trái qua phải: Phạm Như Vưu (thứ 2), Lê Văn Chiểu (thứ tư), Ngô Huy Quỳnh (thứ 6), Nguyễn Lương Bằng (thứ 7), Nguyễn Khánh Toàn (thứ 9), Phạm Đồng Điện (thứ 10), Hoàng Văn Lãn (thứ 13), Nguyễn Đức Thừa (thứ 15), Trần Linh Sơn (thứ 16).
Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên Xô Nguyễn Lương Bằng cùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn và "đoàn Liên Xô 51" tại Đại sứ quán Việt Nam tại Matxcova, 1952. Từ trái qua phải: Phạm Như Vưu (thứ 2), Lê Văn Chiểu (thứ tư), Ngô Huy Quỳnh (thứ 6), Nguyễn Lương Bằng (thứ 7), Nguyễn Khánh Toàn (thứ 9), Phạm Đồng Điện (thứ 10), Hoàng Văn Lãn (thứ 13), Nguyễn Đức Thừa (thứ 15), Trần Linh Sơn (thứ 16).

Thông qua những câu chuyện được kể lại cùng những hồi ức, tư liệu đã góp phần làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước khi chiến tranh kết thúc.

Sau thắng lợi của chiến dịch biên giới Thu-Đông năm 1950, tháng 1-1950, Trung Quốc và Liên Xô đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cũng trong tháng 1-1950, Hồ Chủ Tịch bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô trao đổi bàn bạc, đề nghị các Đảng và các nước phe xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam kháng chiến, trong đó có kế hoạch đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại nước bạn…

Tháng 7-1951, đoàn cán bộ đầu tiên sang học tập tại Liên Xô qua con đường ngoại giao, mang theo thư giới thiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng chí Xuxlôp - Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong bức thư ngỏ bằng tiếng Pháp, có đoạn viết: “Được phép của đồng chí Stalin, tôi hân hạnh gửi 21 đồng chí Việt Nam để được giáo dục về chính trị và kỹ thuật”.

Những người được cử đi học, đều là đảng viên, trong đó có 3 cử nhân, 2 bác sĩ, 1 dược sĩ, 2 kỹ sư nông nghiệp, 2 tú tài và 9 người đã tốt nghiệp các ngành kỹ nghệ thực hành và hầu hết đã giữ những vai trò quan trọng ở các cơ quan, tổ chức khác nhau trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

In đậm trong tâm trí của họ là lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường nhận nhiệm vụ đặc biệt. Ngày 18-7-1951, bên bờ suối ở Đại Từ - Thái Nguyên, Bác bất ngờ đến động viên cả đoàn trước khi lên đường làm nhiệm vụ… Bác ân cần dặn dò chu đáo: “Sang Liên Xô học phải biết định hướng, vận dụng hiểu biết mới để đảm bảo những yêu cầu thiết yếu của nhân dân, giúp nhau giữ được tư cách, đi nước ngoài sung sướng đừng quên người nước nhà cực khổ, anh em trong đoàn phải đoàn kết, thành thật, phê bình và tự phê bình. Đối với nước bạn, cái gì biết thì nói biết, phải thành thật ân cần. Chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên, Liên Xô đào tạo chúng ta, nếu bằng lòng thì chuyến sau sẽ dễ, đầu xuôi, đuôi lọt”.

Lời căn dặn của Bác Hồ và Tổng bí thư Đảng Trường Chinh được ghi chép trang trọng trong cuốn sổ tay của GS Lê Duy Thước: “Thái độ học tập: Vì ai mà học? Vì nhân dân, giai cấp, vì Đảng. Phải chịu trách nhiệm kết quả học tập của mình trước Đảng, giai cấp, nhân dân”… Ấn tượng khó quên ấy được lưu giữ trong các cuốn nhật ký mà cho đến nay nét chữ đã mờ theo thời gian… Nhưng trong ký ức của từng thành viên thì kỷ niệm khó quên ấy không bao giờ phai nhạt. Ngày 21-07-1951 đồng chí Lê Văn Lương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương tới trao giấy giới thiệu và thết bữa cơm thân mật tiễn đoàn. Ngày 22-07-1951 đoàn từ An toàn khu ở chiến khu Việt Bắc lên đường để sang Liên Xô.

Ông Trần Linh Sơn (thứ 5 từ trái sang phải, hàng sau) và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Việt Bắc, 1949.
Ông Trần Linh Sơn (thứ 5 từ trái sang phải, hàng sau) và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại Việt Bắc, 1949.

Từ năm 1955-1956, những thành viên trong đoàn cán bộ năm xưa lần lượt trở về nước và đã góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và phục vụ trực tiếp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, như kỹ sư Lê Văn Chiểu, Phạm Như Vưu, và Hoàng Văn Lâm, là những người xây dựng và phát triển lĩnh vực công nghiệp quốc phòng; Bác sỹ Nguyễn Sĩ Quốc phụ trách Tổ chức mạng lưới Quân y cho chiến trường khu 4, Đông Nam Bộ, Lào, Campuchia; Phó tiến sỹ Trần Linh Sơn; Phó TGĐ NHNN Việt Nam đóng góp không nhỏ vào việc dự thảo để ban hành các chế độ, thể lệ, biện pháp để quản lý công tác tín dụng và tổ chức công tác thanh toán không dùng tiền mặt qua các giai đoạn phát triển của đất nước; ông Phan Lục đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng nhằm phát triển ngành than, như: Phó Giám đốc, Giám đốc khu mỏ Cẩm Phả, khu mỏ Hòn Gai,…; Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh và Đỗ Hữu Dư đã thiết kế xây dựng các công trình kiến trúc: Khu Văn công Quân đội ở Mai Dịch-Hà Nội năm 1959; Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây; Khu nhà ở 4 tầng Nam Đồng; Trường Sĩ quan Quân y, Bệnh viện 103 Hà Đông, Trụ sở Bộ Tư lệnh thông tin, Nhà nghỉ quân đội Sầm Sơn…; GS Lê Duy Thước chủ trì của cụm công trình Điều tra - Phân loại - Lập bản đồ đất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000, là cơ sở quan trọng cho việc quy hoạch và phát triển nông nghiệp với những khuyến cáo có giá trị…

Nhật kí của ông Ngô Huy Quỳnh.
Nhật kí của ông Ngô Huy Quỳnh.

Nhìn chung, 21 thành viên trong đoàn được cử đi học Liên Xô đợt đầu tiên, mỗi người một cuộc đời, một số phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung đó là những người có phẩm chất tốt đẹp, trình độ chuyên môn cao, có vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng, xây dựng và phát triển một số lĩnh vực ở Việt Nam; đào tạo các thế hệ kế cận sau mình để tiếp tục sự nghiệp khoa học, kỹ thuật.