Sông băng Thwaites đã tan 540 tỷ tấn kể từ năm 1980 và góp khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế chuẩn bị khoan qua hơn nửa km băng, đi vào vùng nước tối tăm bên dưới để hiểu tại sao băng tan nhanh như vậy.
Nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ mất băng ở 5 sông băng ở Nam Cực đã tăng gấp đôi sau sáu năm và nhanh hơn năm lần so với những năm 1990. Tan băng đang lan từ bờ biển vào bên trong lục địa và tan hơn 100 mét độ dày tại một số địa điểm.
Sông băng Thwaites đã mất khoảng 540 tỷ tấn băng kể từ những năm 1980.
Sông băng Thwaites, một phần của dải băng Tây Nam Cực, được coi là nguy cơ lớn nhất trong việc gây gia tăng nhanh chóng mực nước biển trong tương lai. Nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science cho thấy tảng băng này có khả năng mất ổn định và làm "rơi" băng xuống biển nhanh hơn những dự kiến trước đó.
Alex Robel, một giáo sư trợ lý tại Viện Công nghệ Georgia của Hoa Kỳ và là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết dải băng này có thể tan hết trong khoảng 150 năm, ngay cả khi nhiệt độ ngừng tăng. "Nó sẽ tiếp tục tự tan, và đó là mối lo ngại chính," Alex nói.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đến sông băng Thwaites và đang chuẩn bị khoan qua hơn nửa km băng để đi vào vùng nước tối tăm bên dưới. Lỗ khoan sâu 600 mét sẽ cho phép các nhà nghiên cứu đưa xuống một tàu ngầm robot hình ngư lôi khám phá mặt dưới của thềm băng để hiểu rõ hơn tại sao nó lại tan nhanh như vậy.
Vị trí sông băng Thwaites.
Sông băng Thwaites đã mất khoảng 540 tỷ tấn băng kể từ những năm 1980. Nhưng các phép đo gần đây cho thấy sự tan chảy của tảng băng này còn đang tăng tốc hơn nữa, đưa thêm băng vào Biển Amundsen.
"Có vài sông băng ở Nam Cực đang tan nhanh như vậy, nhưng đây là trường hợp đáng lo nhất," David Vaughan, giám đốc khoa học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, người đã đi Nam Cực cùng với đội khoan của Anh-Mỹ, nói.
Sông băng Thwaites là một trong những nơi xa xôi và khắc nghiệt nhất trên Trái đất. Các nhà nghiên cứu phải mất hàng tuần để có thể di chuyển và đưa thiết bị của họ đến các vùng khoan, một điểm trên tảng băng cách khoảng 1.500km (932 dặm) từ cả hai trạm nghiên cứu Nam Cực Rothera của Anh và trạm McMurdo của Mỹ.
Trong điều kiện tàn khốc, nơi nhiệt độ có thể xuống dưới -20 độ C, các nhà nghiên cứu sẽ chỉ có vài ngày để khoan qua thềm băng, triển khai tàu ngầm và đưa nó về an toàn, và đặt một bộ dụng cụ giám sát vào băng trước khi lỗ khoan đóng băng trở lại. "Phải làm càng nhanh càng tốt. Tất cả điều này sẽ xảy ra trong ba đến bốn ngày, không có thời gian để chậm trễ," Vaughan nói.
Cuộc thám hiểm đến sông băng có kích thước bằng Florida này trở nên cấp bách hơn trong năm nay, khi các nhà khoa học Nasa sử dụng radar xuyên mặt đất đã phát hiện ra một khoang rỗng lớn trong tảng băng này. Các hang động, có kích thước tương đương hai phần ba Manhattan và cao 300 mét, được hình thành khi 13 tỷ tấn băng tan trong ba năm qua. Khoang trống khổng lồ này cho phép nước chui xuống sông băng và làm tan chảy nó nhanh hơn nữa từ bên dưới.
Đầu tuần này, các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu đã kéo các xe trượt được trang bị radar trên băng để lập bản đồ độ dày của tảng băng gần đường biên nơi sông băng rời khỏi đất liền và trải dài trên biển. Bản đồ sẽ giúp họ xác định chính xác địa điểm cần khoan.
Các nhà khoa học sẽ sử dụng một mũi khoan nước nóng để khoan một lỗ rộng 30cm thông qua tảng băng. Thiết bị có thể làm tan chảy một lỗ ở tốc độ khoảng 1,5 mét/phút, có nghĩa là sẽ mất hơn sáu giờ khoan không ngừng để khoan thủng tảng băng. Các đội sẽ ngủ qua đêm trong lều trên băng và làm việc ngày đêm để khoan lỗ, triển khai tàu ngầm và đặt các dụng cụ khác vào lỗ khoan để theo dõi lâu dài.
"Chưa ai từng khoan xuyên qua lớp băng xuống đến gần nơi nó bắt đầu nổi trên mặt nước, và đó là điểm then chốt," Vaughan nói. "Nếu tất cả mọi thứ theo kế hoạch, họ sẽ khoan lỗ và sau đó mở rộng miệng lỗ khoan ra khoảng 50 cm, sau đó hạ xuống lỗ một phương tiện tự hành dưới nước. Phương tiện này sẽ đi vào khoang rỗng trong tảng băng và gửi lại hình ảnh trong thời gian thực để họ có thể điều hướng nó đến điểm tảng băng bắt đầu nổi."
Tàu ngầm dài 3,5 mét mang theo máy ảnh độ nét cao, thiết bị siêu âm và dụng cụ để theo dõi lưu lượng nước, độ mặn, oxy và nhiệt độ. Dữ liệu sẽ được đưa vào các mô hình máy tính để tinh chỉnh dự đoán về số phận của sông băng và cường độ của mực nước biển dâng lên do băng tan.
Nam Đại Dương nóng lên làm cho băng trượt xuống biển ngày càng nhiều.
Sông băng Thwaites đã góp khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu, khi băng trượt khỏi đất liền và rơi xuống biển. Bản thân Thwaites chứa đủ băng để tăng mực nước biển toàn cầu hơn 2 feet (61cm), nhưng nó cũng giúp kiềm chế các sông băng khác lớn hơn, với tổng lượng nước đủ để nâng mực nước biển toàn cầu thêm hơn 2 mét.
Nguồn:
https://www.theguardian.com/world/2019/dec/28/submarine-to-explore-why-antarctic-glacier-is-melting-so-quickly
https://www.theguardian.com/world/2019/jul/09/glacial-melting-in-antarctica-may-become-irreversible