Lễ đăng quang lên ngôi vị hoàng đế là một sự kiện đặc biệt quan trọng, được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng với những nghi thức long trọng nhất. Tuy nhiên, lễ lên ngôi của vua Hàm Nghi lại có những điều khác thường so với các đời vua trước đó.
Hàm Nghi tên thật là Ưng Lịch, con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và thân mẫu là bà Phan Thị Nhàn. Chuyện Ưng Lịch được tôn lên ngôi vua diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều biến động.
Sau khi vua Tự Đức qua đời, các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết nắm trọn quyền hành trong việc phế bỏ vua này, truất ngôi vua khác.
Vì nhỏ tuổi mà được lên ngôi
Tuy nhiên, các vị quan đại thần này đều bị động trong việc tìm người trong Hoàng gia có cùng chí hướng chống Pháp để đưa lên ngôi. Trước thời Hàm Nghi, cả ba vua Dục Đức, Hiệp Hoà và Kiến Phúc đều lần lượt đi ngược lại đường lối của phái chủ chiến hoặc bị mất sớm, trở thành những phần tử không thể không bị loại bỏ khỏi việc triều chính đang rối ren.
Vua Kiến Phúc đột ngột qua đời trong lúc tình hình đang có lợi cho phái chủ chiến trong triều đình Huế. Sau khi nhà vua mất, đáng lẽ con nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ lên ngôi, song do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ lập một vị vua lớn tuổi sẽ mất quyền hành do đó hai vị Phụ chính đại thần này chủ trương lựa chọn một người có tinh thần dân tộc, có thể ủng hộ lập trường chống Pháp lập làm vua nên đã chọn Ưng Lịch.
Đây là một người có đủ tư cách về dòng dõi, chưa bị cuộc sống giàu sang của kinh thành làm vẩn đục tinh thần tự tôn dân tộc và quan trọng hơn hết là có thể định hướng nhà vua về đại cuộc của đất nước một cách dễ dàng.
Chính vì vậy, cậu bé Ưng Lịch mới 13 tuổi đã được đưa lên ngai vàng để trở thành vị hoàng đế thứ 8 của vương triều Nguyễn.
Ký họa chân dung vua Hàm Nghi trên báo Pháp.
Rắc rối ngay sau lễ đăng quang
Lễ đăng quang của Ưng Lịch diễn ra vào sáng ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (02/8/1884) tại điện Thái Hòa, triều đình Huế không thông báo sự kiện này cho phía Pháp.
Biết tin, đại diện Pháp là Khâm sứ Trung kỳ Rheinart tuyên bố không thừa nhận vua mới và kịch liệt phản đối Nam triều thực hiện lễ tôn vương vị không tham khảo ý kiến của người Pháp là đi ngược với thỏa luận trong Hòa ước Giáp Thân (06/6/1884).
Quan Phụ chính Nguyễn Văn Tường trả lời phía Pháp rằng, trong Hòa ước Giáp Thân không có điều nào đề cập rằng việc lập vua phải có sự thỏa thuận với Chính phủ Pháp, như tại khoản 5 của Hòa ước có ghi: “Viên Khâm sứ, đại diện Chính phủ Pháp, chủ tọa các liên lạc ngoại giao, điều hành công cuộc bảo hộ nhưng không can thiệp vào việc nội trị tại các tỉnh đã ấn định ở khoản 3 (các tỉnh từ biên giới Nam Việt đến địa giới tỉnh Ninh Bình).
Viên Khâm sứ sẽ ở trong kinh thành Huế cùng với các đoàn tùy tùng quân sự, có quyền lấy tư cách riêng để yết kiến vua An Nam”.
Thế nhưng Rheinart vẫn một mực phản đối, đề nghị Nam triều đưa Gia Hưng quận vương lên ngôi nhưng các phụ chính đại thần bác bỏ, lấy cớ trước khi mất vua Kiến Phúc đã để lại di chiếu chỉ định Ưng Lịch làm người kế vị.
Khâm sứ Rheinart cho rằng vua Kiến Phúc mất khi chưa đến tuổi trưởng thành nên di chiếu đó không có giá trị.
Cuộc tranh biện giữa hai bên cứ thế trao qua đổi lại rất căng thẳng mà không có sự nhượng bộ của bất cứ bên nào.
Vua Hàm Nghi thời gian đầu ở chốn lưu đày.
Gỡ rối nhằm hạ nhiệt sự đối đầu
Trước thái độ cương quyết của Nam triều, Khâm sứ Rheinart không biết quyết định như thế nào bèn gửi điện văn về nước xin chỉ thị.
Chính phủ Pháp không muốn sinh chuyện lôi thôi liền đánh điện đáp lại, lệnh cho tướng Millot đem một trung đoàn quân vào Huế để làm lễ tấn phong cho vua Hàm Nghi.
Đội quân đi đầu do Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp, Đại tá Marcel Guerrier chỉ huy gồm 600 lính và 2 cỗ pháo kéo đến trước cửa thành uy hiếp, yêu cầu mở cửa để quân Pháp tiến vào nhưng Phụ chính Nguyễn Văn Tường không chịu.
Đại tá Marcel Guerrier dọa rằng trong vòng 12 tiếng đồng hồ, nếu Nam triều không tổ chức lại lễ đăng quang sẽ bắn đại bác và tấn công vào Đại nội.
Chiều hôm đó (tức ngày 15/8/1884), khi thời hạn ấn định sắp hết, Phụ chính Nguyễn Văn Tường và một số quan trong Cơ mật viện thân hành qua tòa Khâm sứ báo cho Rheinart triều đình Huế chấp nhận tổ chức lễ đăng quang lại với sự có mặt của đại diện Pháp.
Biết bản thông báo của Nam triều viết bằng chữ Nôm, Khâm sứ Rheinart buộc Phụ chính Nguyễn Văn Tường phải viết lại bằng chữ Hán. Thấy bên ta nhượng bộ, Đại tá Marcel Guerrier đem lính rút về đồn Mang Cá.
Lễ đăng quang lần thứ 2
Dù nhượng bộ nhưng phải đến 9 giờ sáng ngày 28 tháng 6 năm Giáp Thân (18/8/1884) triều đình Huế mới tổ chức lại lễ lên ngôi cho Ưng Lịch với sự hiện diện của Rheinart, Guerrier, 25 sĩ quan và 160 lính Pháp.
Thay mặt Chính phủ Pháp, Đại tá Marcel Guerrier đọc diễn văn (do Rheinart soạn sáng sớm hôm đó) công nhận Ưng Lịch là hoàng đế của nước Đại Nam. Sở dĩ có sự chậm trễ là do khi quân Pháp tiến vào, chúng buộc triều đình Huế phải cho đi vào Ngọ Môn bằng lối cửa giữa, là lối chỉ dành cho vua đi, nhưng Tôn Thất Thuyết nhất định cự tuyệt.
Cuối cùng chỉ có 3 quan chức cao cấp Pháp không mang theo vũ khí được vào cổng chính, còn 16 sĩ quan và 60 lính thì đi cửa hai bên, những kẻ khác đứng trực phía ngoài.
Cả triều đình Huế và phái đoàn Pháp đều mang tâm trạng không vừa lòng nhau, nhưng buổi lễ thọ phong cuối cùng cũng kết thúc êm thấm. Đây là một thắng lợi của Nam triều trong việc bảo vệ ngai vàng cho vua Hàm Nghi, còn với người Pháp, sau những yêu sách bất thành cũng phải nhân nhượng chấp nhận sự đã rồi để tránh thêm rắc rối.
Lúc phái đoàn Pháp cáo từ, Phụ chính Tôn Thất Thuyết đã ngầm cho quân lính đóng cửa chính ở Ngọ Môn lại nên đoàn Pháp phải theo hai lối cửa bên để về. Viết về sự kiện này, Đại tá Marcel Guerrier sau này trong cuốn “Le Roi Proscrit” (Hoàng đế bị lưu đày) đã phải thú nhận: “Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân mình. Vô tình vị vua trẻ tuổi đã làm một việc có ảnh hưởng vang dội khắp nước: với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn.
Thái độ ấy do Hội đồng Phụ chính đề ra. Hội đồng ấy rất có lý mà tin chắc rằng dân chúng trông vào thái độ của nhà vua để noi theo, xem thái độ ấy như mệnh lệnh (chống lại người Pháp) không nói ra bằng lời...”.
Một năm sau, vị hoàng đế trẻ tuổi Hàm Nghi đã lên đường xuất bôn, rời bỏ kinh thành để trở thành người khởi xướng phong trào Cần Vương chống Pháp, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ: “Nhà vua bị những gian lao mà luyện thành người nhẫn nại và đón cuộc phong trần bằng thái độ rất thản nhiên” (Phan Trần Chúc. Vua Hàm Nghi. Hà Nội, Chinh Ký, 1952, tr. 142).
Trước ý chí và tầm ảnh hưởng của vua trong phong trào Cần Vương, người Pháp cũng phải thừa nhận rằng: “Tên của ông ta đã trở thành ngọn cờ của nền độc lập quốc gia... Từ Bắc chí Nam, đâu đâu dân chúng cũng nổi lên theo lời gọi của ông vua xuất hành” (Ch. Gosselin. L’ Empire de l’ Annam. Paris, Perrin et Cie, p. 239, 237).