Trong cuốn sách “Việt Nam Sử Lược” (1920), học giả Trần Trọng Kim từng đúc rút một nét tính của người Việt là “mê cờ bạc”. Nhà nghiên cứu Lương Đức Thiệp trong sách “Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại” (1944) lý giải nguyên nhân gây ra cái nạn này bởi “cờ bạc vẫn gieo những ảo tưởng giàu sang vào đám dân chúng rời rạc”.

Nhức nhối nạn cờ bạc đầu Xuân

Lật lại lịch sử, sau khi chiếm thành Hà Nội năm 1882, sang năm 1883, để có nguồn thu, chính quyền thực dân Pháp đã cho phép mở các cửa hàng bán thuốc phiện, tiệm hút và sòng bạc ở Hà Nội để thu thuế. Cũng bởi chính sách này đã khiến cho nạn cờ bạc ở nước ta thêm phần nhức nhối.


Một canh bạc thời Pháp thuộc. Ảnh: TL

Trong cuốn sách “Việt Nam phong tục” ấn hành năm 1915, nhận thấy dân mình “vùi đầu vào đen đỏ”, học giả Phan Kế Bính đã phải thốt lên rằng: “Những người vô công rồi nghề, thường có tính ham mê về cờ bạc. Trong những tháng giêng, hai, ba, gọi là tháng ăn chơi, đàn bà trẻ con cho chí người lớn, chỗ thì xúm năm, chỗ thì tụm ba, nào đám thò lò, nào đám xúc xắc, quay đất, xóc đĩa, giồi mỏ giồi chẵn lẻ, bài phu, tam cúc, tứ sắc, bài cào, ... Đâu đâu cũng chỉ nói đến chuyện cờ bạc. Đó là cách chơi xuân, ăn thua độ dăm ba đồng, còn quanh năm những tay ăn chơi chực bóc áo tháo cầy của nhau thì nhất là hay chơi xóc đĩa, ít-xì hay là tài bàn, đánh bất”.

Trong bài “Phú tài bàn” của Nguyễn Thiện Kế (em ruột Nguyễn Thiện Thuật), một trong những lãnh tụ của cuộc nghĩa quân Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương đã vạch rõ nạn đánh tài bàn xưa “phổ biến” thế nào: “Thím khách, cô tây, bác thông cậu ký, thầy giáo, thầy Nho, cụ tổng cụ lý; ông cả, bà lớn, bố cu, mẹ đĩ; đến cả sãi chùa, cùng đàn trẻ bé; rằng buồn ông chơi, thấy vui cháu ké”. Ai ai cũng cờ bạc, bất kể giới tính, tuổi tác, tầng lớp, nghề nghiệp!

Trên nhiều trang báo bấy giờ cũng sôi sục tin tức về nạn cờ bạc. Hà Thành ngọ báo, tờ báo nổi tiếng bán chạy nhất lúc bấy giờ, cũng phải than phiền: “Vào dịp xuân, từ nhà quan, đến nhà dân, từ người lớn đến trẻ con, từ ngã ba đến ngã bảy, chỗ nào cũng như chỗ nào, chỉ toàn thấy chơi cờ bạc. Đánh bạc quanh năm đã đành là cách tiêu khiển của những hạng máu me. Đến ngày tết, vì cớ chơi xuân, cả đến những người không hay đánh bạc, cả đến trẻ con không nên cho đánh bạc, cũng thấy xúm xít, túm năm tụm ba, lăn lóc với lá bài, quân bạc. Người ngoại quốc vốn vẫn cho dân An Nam hầu hết là có máu me cờ bạc, nhưng nếu mấy du khách bước chân đến nước Nam và dịp mình chơi xuân thì họ tất tưởng lầm rằng họ lạc vào một nước cờ bạc. Nếu theo đúng ca dao: “Tháng giêng ăn tết ở nhà, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”, thì đã là chỉ đánh bạc có một tháng. Khốn nỗi phần nhiều người đánh bạc từ tháng giêng, cho đến tháng hai rồi suốt cả tháng ba. (“Trong cách tiêu khiển của mình: Chơi Xuân”, Hà Thành ngọ báo, Số 1618, 21-1-1933).


Vấn nạn cờ bạc đầu Xuân được đề cập trên Hà Thành ngọ báo. Ảnh: TL

Ở một số bài báo khác, các ký giả đương thời cũng hết mực lên án nạn cờ bạc, thậm chí còn yêu cầu chính quyền Pháp phải có biện pháp mạnh giải quyết triệt để vấn đề này: “Trong dạo tết này, người mình đã bày ra không thiếu gì trò, nào tam cúc, tài bàn tổ tôm, bất rút,… có nhà quá vui lại giở cả xóc đĩa ra nữa. Từ nhà sang đến nhà hèn, cho đến cả những người không chơi cờ bạc bao giờ, cũng đâm vào mê man, mài miệt. Trước thì bảo để cầu vui, sau cay cú mới quay ra bóc lột lẫn nhau, bóp hầu bóp cổ… Cái cờ bạc là một cái hại gớm ghê, thế mà năm nào trong vụ xuân bà con ta cũng cứ say đắm. Yêu cầu các nhà chuyên trách trong ba tháng xuân nên lùng bắt hết thảy các nhà chơi bài bạc, bất cứ to, nhỏ rồi thẳng tay trừng trị…” (“Cái lối chơi xuân của bà con ta”, Hà Thành ngọ báo, Số 1626, 4-2-1933).

Cũng đã lường trước được vấn nạn này, chính quyền Pháp đã có động thái từ trước, họ công bố trên báo chí “Lệ cấm đánh bạc sau mấy ngày Tết”, nhưng thực chất quy định này cũng thật “nửa vời” và thiếu triệt để: “Chơi xuân đã đủ, cái hạn đánh bạc chỉ đến mồng năm. Qua ngày ấy, các viên chức, mật thám lại thi hành chính sách cấm cờ bạc như cũ. Những nhà nào hay tụ họp đỏ đen, dù không phải là gá chứa mà bị bắt cũng phải điệu ra tòa” (Lệ cấm đánh bạc sau mấy ngày Tết, Hà Thành ngọ báo, Số 1625, 3-2-1933)”. Nhìn vào thực tế, mấy ai đánh bạc mà không ham gỡ, càng đánh càng ham, mất hết lý trí, lúc ấy cái thời hạn mùng 5 thật khó mà khiến người ta dừng lại!

Người xưa cảnh tỉnh

Trước thực trạng tai hại ấy, học giả Phan Kế Bính đã buông lời nhắc nhở: “Phương ngôn có câu rằng cờ bạc rạc rày, lại rằng: cờ bạc là bác thằng bần, lại rằng tiền cờ bạc gác ngoài sân, những câu ấy thực là đích đáng. Chẳng những hại một mình mà thôi, lại còn có người vì cờ bạc mà bán vợ đợ con hoặc là sinh ra ăn cắp ăn trộm thì hại lây đến vợ con cùng là người ngoài nữa.

Nghề cờ bạc hại như thế, mà sao lại lắm người ham mê? Đó chẳng qua mấy bác ăn không ngồi rồi, không nghĩ cách xa xôi, trước còn cho là một cuộc tiêu khiển, rồi cay vào thành ra gỡ gạc. Chẳng kể gì mấy đám gỡ gạo nho nhỏ, các tay đại phú, các bực hào thương thường cũng có kẻ đam mê mà bỏ cả công việc buôn bán. Hạng ấy thì lại mộng tưởng những sự may rủi rất lớn lao, tưởng những sự gỡ một ngày còn hơn buôn cả tháng. Cái mộng tưởng ấy thì trăm người may cũng có một người được phỉ lòng, nhưng chẳng qua được buổi này thua buổi khác, chớ mấy người mà nhờ cờ bạc làm nên giầu” (Trích sách "Việt Nam phong tục", in năm 1915 của Phan Kế Bính).

Người viết báo bấy giờ cũng không đứng ngoài cuộc, nhìn thấy rõ ràng hệ quả sau những cuộc đỏ đen, những trang báo lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh:

“Ai có vợ, có con, đến dịp tết, xin để mắt vào cái lối “chơi xuân” của họ, vì chính ngày tết là một dịp rất tốt cho nhiều người vốn tính nết tốt mà đâm hư. (“Trong cách tiêu khiển của mình: Chơi xuân”, Hà Thành ngọ báo, Số 1618, 21-1-1933).


Vấn nạn cờ bạc đầu Xuân được đề cập trên Hà Thành ngọ báo. Ảnh: TL

“Cái gì xa phí, xằng bậy thì nên bỏ đi. Nhất là cái lối suốt ngày đêm quây quần đánh bạc, cái thú liên miên ngày tháng trong các đền chùa, ta cần khuyên nhau bỏ hẳn, vì hai thứ chơi ấy, thường làm cho gia đình tan nát!” (“Cái lối chơi xuân của bà con ta”, Hà Thành ngọ báo, Số 1626, 4-2-1933).

Lời cách nay đã trăm năm, xem ra vẫn còn phải nghiệm!