Thành phố Wroclaw1 của Ba Lan nổi tiếng vì có hàng trăm bức tượng người lùn nhỏ bằng đồng. Ai đã đặt chúng ở đó và vì mục đích gì?

Đầu thập niên 1980, khi Ba Lan còn đang trong thời kỳ thiết quân luật, phong trào dân sự Giải pháp Cam (Orange Alternative) do nghệ sĩ Waldemar Fydrych2 khởi xướng đã nghĩ ra một số cách sáng tạo để biểu đạt chính kiến trong ôn hòa và lặng lẽ, chẳng hạn ăn mặc như những chú lùn trong cổ tích hay vẽ đè hình chú lùn lên tất cả các biểu tượng của chính quyền tại Wroclaw, … Phong trào sau đó lan sang những thành phố khác như Warsaw, Łódź, Lubli, Tomaszów Mazowiecki, … và trở thành một phần của Công đoàn Đoàn kết (Solidarity) dẫn tới sự đồng thuận chính trị cho các cải cách năm 19893.

Ba chú lùn: mù, liệt chân và điếc. Ảnh: Flickr
Ảnh: Flickr.

Năm 2001, để vinh danh phong trào Giải pháp Cam, hội đồng thành phố Wroclaw đã cho đặt Papa Dwarf – bức tượng chú lùn đầu tiên – tại góc đường Ulica Świdnicka, nơi Fydrych và những chiến hữu của ông từng tác nghiệp. Bốn năm sau (2005), thành phố đặt hàng một nghệ sĩ địa phương điêu khắc thêm năm bức tượng nữa. Kể từ đó, tại Wroclaw xuất hiện ngày càng nhiều người lùn – ước tính lên đến 350 hoặc hơn, mặc dù số liệu chính thức được công bố là 163. Mấy năm trước, để ngăn tình trạng lạm phát tượng, thành phố đặt ra quy định mới: tất cả các tác phẩm cần được đặt trên một bục thấp (làm từ bê tông) thay vì dựng trực tiếp trên mặt đường hoặc vỉa hè.

Nhiều doanh nghiệp địa phương cũng tự dựng những bức tượng và sử dụng chúng như một công cụ quảng bá, bao gồm tiệm pizza, cửa hàng kem, quầy sách báo,… Bên ngoài khuôn viên Đại học Wroclaw cũng có một chú lùn đeo kính mặc bộ lễ phục tốt nghiệp và tay cầm một cuốn sách – nhiều người truyền tai nhau rằng nếu xoa chiếc mũ sáng bóng của chú (do hàng ngàn bàn tay khác chạm vào) thì sẽ gặp được may mắn. Gần nhà thờ St Elizabeth – một công trình mang đậm phong cách Gothic và toàn bộ được xây bằng gạch đỏ – còn có hai chú lùn trong trang phục lính cứu hỏa và tay cầm vòi nước đang “hớt hải” chạy về hướng đám cháy.



Ảnh: Flickr.

Hầu hết các bức tượng đều mang hình hài đàn ông (điều này có lẽ bắt nguồn từ văn hóa dân gian) song cũng có một vài bức được điêu khắc với niềm cảm hứng từ phụ nữ, ví dụ: bức người phụ nữ tay cầm ly bia ngồi ngay phía trên lối vào một quán nhậu, hay một người phụ nữ khác tay đang ôm vỉ thuốc chữa bệnh bên ngoài quầy dược phẩm,…

Theo lời của một hướng dẫn viên du lịch, du khách đến với Wroclaw ngày nay thường rất thích tham gia hoạt động săn tìm người lùn, giống như chơi trò Pokémon Go vậy. Nhưng thay vì bắt các sinh vật ảo, họ sẽ đi khắp thành phố để tìm kiếm những bức tượng nhỏ bé – chỉ cao không quá 01 foot (30,48cm) và luôn ở trong tư thế đang làm gì đó. Nếu dạo bước từ vị trí đặt tượng Aleksander Fredro (thi hào nổi tiếng thế kỷ 19 của Ba Lan) tới cổng chính của Tòa thị chính Cổ, du khách sẽ bắt gặp một bộ ba chú lùn – một bị mù, một bị liệt chân phải ngồi xe lăn, và một bị lãng tai. “Hội đồng thành phố đã chọn đặt những bức tượng ở đây nhằm khắc họa hình ảnh của Wroclaw như một điểm đến thân thiện với người khuyết tật,” hướng dẫn viên cho biết.

Từ ý nghĩa chính trị cho đến vai trò biểu tượng hay đại sứ của một thành phố vui tươi, đáng sống là cả một chặng đường dài. Cũng giống như Wroclaw, các chú lùn đã thoát khỏi “màn đêm tăm tối” để hòa nhập với thế giới văn minh và chào đón bạn bè bốn phương bằng nụ cười thân thiện cùng trái tim ấm áp.

Chú thích:

1. Wroclaw nằm tại phía Tây Nam Ba Lan, có hơn 640.000 dân và là thành phố lớn thứ tư cả nước. Năm 2016, Wroclaw được bầu chọn là Thủ đô Văn hóa của châu Âu.

2. Waldemar Fydrych (1953) là một nghệ sĩ, thủ lĩnh phong trào Giải pháp Cam. Năm 2012, ông được Học viện Nghệ thuật Warsaw trao bằng tiến sĩ. Ông còn ra tranh cử thị trưởng Wroclaw năm 2006 nhưng chỉ giành được 0,41% số phiếu. Năm 2014, bản dịch tiếng Anh cuốn Lives of the Orange Men của ông về phong trào Giải pháp Cam được Nhà xuất bản London Publishing House ấn hành.

3. Công đoàn Đoàn kết là một phong trào chính trị xã hội, ra đời từ tháng 9/1980 tại Xưởng đóng tàu Gdańsk (Ba Lan) do Lech Wałęsa (1943 –) lãnh đạo. Tháng 04/1989, Đảng Cầm quyền chấp thuận giải pháp “Hội nghị bàn tròn” và đồng ý tổ chức bầu cử quốc hội công khai. Ngày 04/06/1989 (trùng với sự kiện Thiên An Môn), Công đoàn Đoàn kết giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử để cùng Đảng Nhân dân Thống nhất và Đảng Dân chủ đứng ra lập chính phủ liên hiệp. Tháng 12/1990, Lech Wałęsa trở thành Tổng thống Ba Lan. Chính quyền mới sau đó đã thực hiện nhiều cải cách để chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa Ba Lan vượt qua những khó khăn và dần dần trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao, tiệm cận tiêu chuẩn của Tây Âu.