Cuốn sách ảnh mới này tổng hợp các nghiên cứu kết hợp với phỏng dựng hệ thống các trang phục cổ dưới thời Lê sơ, mà cụ thể là nửa đầu triều Lê sơ.

“Dệt nên Triều đại” được thực hiện bởi Vietnam Centre - một tổ chức phi lợi nhuận do các du học sinh Việt Nam tại Australia thành lập. Nguồn: Vietnam Centre.
“Dệt nên Triều đại” được thực hiện bởi Vietnam Centre - một tổ chức phi lợi nhuận do các du học sinh Việt Nam tại Australia thành lập. Nguồn: Vietnam Centre.

Có thể nói, “Dệt nên Triều đại” dày hơn 200 trang là thành quả của một nỗ lực công phu, từ việc tập hợp đội ngũ (gồm những người làm nghiên cứu không chuyên, họa sĩ, biên tập viên, nhà thiết kế, người dịch thuật và nhiếp ảnh) đến tổ chức trình diễn trang phục cổ (ở Hà Nội và Sydney năm 2017, 2018) và gây quỹ cộng đồng.

Trong “Lời nói đầu”, các tác giả khẳng định mục tiêu của cuốn sách nhằm “quảng bá nền văn hóa lâu đời của Việt Nam (…) bắt đầu từ khía cạnh ăn mặc” bởi nghề dệt may “luôn là một ngành kỹ thuật tinh xảo có mối liên hệ sâu sắc với sự thịnh vượng kinh tế và thể diện quốc gia”.

Việc tập trung vào trang phục ở nửa đầu triều Lê sơ, thoạt đầu là một quyết định khó hiểu, chỉ được giải thích ở nửa sau cuốn sách (Chương 5); theo đó, mốc năm 1471 được lựa chọn dựa trên sự kiện vua Lê Thánh Tông ban quy chế Bổ tử [miếng thêu trên áo] cho trang phục quan lại trong triều, kết hợp với màu áo để phân biệt phẩm cấp (tr.122). Tuy nhiên, lựa chọn này đối lập với phần lớn tư liệu lịch sử được sử dụng có niên đại từ thời Lê Trung Hưng (1533-1789) cũng như các so sánh liên tục giữa các giai đoạn khác nhau.

Cuốn sách được chia làm hai phần với 10 chương và một Phụ lục. Ở phần thứ nhất, các tác giả mô tả các kiểu dáng trang phục cơ bản, là “những trang phục phổ biến của tầng lớp dân thường và quý tộc”. Sau khi giải thích về ảnh hưởng của các quy chế trang phục Trung Quốc đến trang phục cổ của Việt Nam và các nước Đông Á cùng thời kỳ, các kiến thức lịch sử và thiết kế chung của các loại áo được lần lượt trình bày, như: Giao lĩnh (“là chiếc áo đúng nghĩa với khái niệm [quốc phục] hơn bất kỳ loại áo nào khác trong lịch sử Việt Nam”), thường (“chỉ một loại y phục nhìn như chiếc váy che phần hạ thể của người mặc”), áo Viên lĩnh (“nghĩa là cổ áo hình tròn”) và áo Đối khâm (“một loại áo khoác mở giữa, vạt song song rất phổ biến trong các nước đồng văn Đông Á.”). Phần hai của cuốn sách mô tả các lối phục sức trong Cung đình đầu thời Lê sơ, bao gồm Nam quan, Nữ quan, Tụng quan (hay là các nội quan hầu cận nhà vua trong Hoàng cung), Thị nữ và cuối cùng là trang phục dành cho Hoàng đế và Hậu phi.

Người mẫu mặc trang phục cổ giới thiệu trong “Dệt nên Triều đại”. Từ trái qua: áo Đối khâm, áo Giao lĩnh quấn thường, áo Viên lĩnh tay thụng quấn thường và áo Giao lĩnh tay thụng. Nguồn: Vietnam Centre.
Người mẫu mặc trang phục cổ giới thiệu trong “Dệt nên Triều đại”. Từ trái qua: áo Đối khâm, áo Giao lĩnh quấn thường, áo Viên lĩnh tay thụng quấn thường và áo Giao lĩnh tay thụng. Nguồn: Vietnam Centre.

Từng chương được xây dựng trên cùng một trình tự lặp lại rất dễ theo dõi: sử dụng các nguồn tư liệu lịch sử (ghi chép trong nước cũng như của người nước ngoài) rồi kết hợp với kho các tranh vẽ cổ, các hiện vật khảo cổ học và các tranh tượng đương thời. Phải kể đến sự đa dạng và chất lượng của các nguồn hình ảnh được tập hợp, đặc biệt là bộ sưu tập ảnh chụp các tượng thờ đặt trong lăng hay các đình chùa (chụp bởi Chiêu Minh Nguyễn Hùng). Đây là một điểm mạnh riêng có của hình thức sách ảnh này vốn rất khó có thể thấy được ở các sách khảo cứu thông thường.

Các hình ảnh sau đó được chuyển thể thành các minh họa và phỏng dựng thành trang phục thật do người mẫu thể hiện. Các hình ảnh “phỏng dựng” (khác với “phục dựng” hoàn toàn nguyên mẫu, vốn không thể thực hiện được do thiếu tư liệu) với chất liệu vải, màu sắc và độ chi tiết thực sự là điểm nhấn đặc sắc của cuốn sách.

Tuy vậy, với những độc giả khó tính thì “Dệt nên Triều đại” có lẽ sẽ không giúp bổ sung thêm nhận thức mới về lịch sử trang phục Việt Nam trung đại. Những độc giả đã biết đến cuốn sách “Ngàn năm Áo mũ” (2013) sẽ bắt gặp lại trong cuốn sách mới một tóm tắt các luận điểm (ví dụ, ảnh hưởng Trung Hoa), dẫn chứng (trong hầu hết các chú thích tham khảo), và cách tiếp cận (điểm nhìn so sánh “các nước đồng văn”) của tác giả Trần Quang Đức. Dù đã có đầu tư về tư liệu hình ảnh minh họa, “Dệt nên Triều đại” rõ ràng vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của cuốn sách nổi tiếng này. “Ngàn năm Áo mũ” cho đến tận gần đây vẫn được coi như “cẩm nang” cho những người quan tâm đến trang phục cổ, nhưng thực tế là trong 5 năm qua đã có thêm một số nghiên cứu mới mà các kết luận có thể bổ sung hay phản biện các kết luận trước đây của tác giả. Mặt khác, việc coi nhẹ các khảo sát chi tiết trên các hiện vật thật (có được qua khai quật khảo cổ học hay khảo sát tranh tượng, như ví dụ với hiện vật áo Giao lĩnh trong mộ quan Tư đồ Nguyễn Bá Khanh ở tr.19 và tr.157) cho thấy rằng “Dệt nên Triều đại” đã bỏ qua một cơ hội lớn để có thể đưa ra những phân tích về thông số kỹ thuật, chất liệu hay cách thức may đo – vốn cũng rất có giá trị với những người có ý định phỏng dựng trang phục cổ.

Bất chấp những hạn chế nói trên, cuốn sách thực sự đạt được phần lớn những mục tiêu mà nó đã đề ra: phác họa một phần chân dung của trang phục cổ - một “câu chuyện bề mặt” quan trọng của văn hóa Việt Nam trung đại. Bởi vậy, cuốn sách vẫn có thể xem như một nguồn tham khảo có giá trị cho những người quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt Nam và đóng một dấu mốc mới cho phong trào Cổ phong phát triển đến nay đã gần 10 năm.