Thông qua việc thu thập dữ liệu, làm nghiên cứu và sử dụng máy đo chất lượng không khí, các "nhà khoa học nhí" góp phần thay đổi nhận thức của những người xung quanh về không khí sạch.


Cuộc thi Nhà khoa học nhí "Đi tìm không khí sạch" do Live&Learn tổ chức thường niên từ năm 2021, nhằm tạo cơ hội cho học sinh cả nước khám phá và tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm không khí.

Trong cuộc thi này, các em có thể tự thiết kế máy đo chất lượng không khí hoặc mượn máy đo chất lượng không khí của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để thực hiện thí nghiệm khoa học đơn giản. Các em cũng có thể sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi các đơn vị quan trắc. Trên cơ sở đó, các em phân tích kết quả/dữ liệu, rồi chia sẻ quá trình thực hiện và kết quả của mình bằng các sản phẩm truyền thông sáng tạo (video, poster, bài viết, bài báo,…) hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học đơn giản (ảnh, biểu đồ, silde,…).

Cuộc thi năm nay trở lại sớm hơn các năm trước và đối tượng học sinh cũng tập trung hơn vào lứa tuổi thiếu niên (7 - 15 tuổi) thay vì toàn bộ học sinh như trước. Live&Learn phát động cuộc thi ngay trước thềm năm học mới như một hoạt động STEM sáng tạo gắn với thực tiễn cuộc sống.

Trong vòng một tháng, cuộc thi lần thứ ba đã thu hút 104 lượt đăng ký và 48 bài tham dự.

Các bài thi thể hiện sự tìm tòi, khám phá của các bạn nhỏ về chất lượng không khí với những câu hỏi nghiên cứu thú vị, chẳng hạn như "Chất lượng không khí hôm nay quanh quận Hoàn Kiếm thế nào nhỉ?", "Liệu hoạt động thu gom rác hàng ngày có ảnh hưởng đến chất lượng không khí xung quanh?", "Khảo sát chất lượng không khí tại làng cơ khí thôn Rùa Hạ", "So sánh chất lượng không khí giữa ngày nắng với ngày mưa", "So sánh chất lượng không khí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm", "Xem xét sự khác biệt về chất lượng không khí giữa sân thể thao ngoài trời và sân trong nhà", "Có nên cho em bé tắm nắng trước 9h sáng?", "Điều hòa nhiệt độ có thể gây hại thế nào đến sức khỏe?", "Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà"...

Đo chất lượng không khí ở hành lang lớp học. Ảnh chụp màn hình.
Đo chất lượng không khí ở hành lang lớp học. Ảnh chụp màn hình.

27 dự án xuất sắc nhất được lựa chọn vào vòng chung kết do Ban giám khảo chấm. Các bài thi được đánh giá theo nhiều tiêu chí, gồm: Thiết kế nghiên cứu logic, phụ hợp với mục tiêu nghiên cứu; Tính chính xác của thông tin; Thông điệp ý nghĩa, rõ ràng; Chủ đề sáng tạo; Tính lan tỏa của thông điệp sản phẩm; Thông tin trình bày rõ ràng; Hình thức trình bày sáng tạo, thẩm mỹ; và Kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tìm hiểu thông tin của đội thi.

Kết quả chung cuộc vừa được công bố online hôm 13/10:

Nhóm Junior (7-10 tuổi)
Nhóm Tween (11-15 tuổi)
  • Giải Nhất: Lá chắn Xanh đến từ Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội.
  • Giải Nhì: 8A3FC đến từ Trường Trung học Vinschool, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Giải Ba: OTIYE đến từ Trường Trung học cơ sở Vinschool Ocean Park, Hà Nội.
Các giải thưởng phụ,
Vào vai các phóng viên và chuyên gia đi khảo sát chất lượng không khí tại một xưởng cơ khí truyền thống ở làng Rùa,  xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Thí sinh vào vai các phóng viên và chuyên gia đi khảo sát chất lượng không khí tại một xưởng cơ khí truyền thống ở làng Rùa, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Những bài học truyền cảm hứng

Chị Trang, mentor dẫn dắt nhóm Superman 5RS Quy Nhon, chia sẻ rằng cuộc thi giúp các bạn nhỏ trưởng thành rất nhiều về mặt khám phá và cảm xúc. Ba bạn nhỏ mới 8 tuổi trong nhóm là thành viên của một câu lạc bộ quan tâm đến các vấn đề môi trường. Câu lạc bộ này thường tổ chức các hoạt động nhặt rác, đọc sách trên bờ biển, trao đổi sách cũ v.v. Có những hoạt động có tới gần 100 người tham gia.

"Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các bạn tìm hiểu về ô nhiễm không khí và cũng là lần đầu tiên biết cách làm một nghiên cứu. Thành thử, khi tham gia cuộc thi, cả ba bạn học được nhiều thứ, từ hình thành nên ý tưởng, cách sử dụng máy đo, cách xử lý số liệu trên excel, cách vẽ biểu đồ v.v Các bạn đều rất thích thú và nghiêm túc trong quá trình thực hiện nghiên cứu này", chị Trang cho biết.

Một điều mà chị nhớ mãi là việc các em học được cách tôn trọng cảm xúc của nhau khi làm việc nhóm. Chị kể, trong một lần xử lý số liệu, vì ở mỗi điểm, các bạn phải đo 5 lần để tính ra nồng độ PM2.5 trung bình, nên cần dùng đến excel. Do đây là lần đầu dùng hàm toán, các em đều bỡ ngỡ. Một bạn trong nhóm bị tính nhầm, dẫn đến số liệu sai. Hai bạn kia cảm thấy ngạc nhiên và cười đùa một chút, nhưng bạn tính sai khóc một trận rất lớn. Điều này buộc cả ba phải dừng hoàn toàn công việc. Cuối cùng, hai bạn kia xin lỗi nhưng cũng phải mất một thời gian khá dài các bạn mới tiếp tục làm việc lại với nhau.

Thuyết trình về kết qua đo các nguồn gây ô nhiễm không khí. Ảnh chụp màn hình
Thuyết trình về kết qua đo các nguồn gây ô nhiễm không khí. Ảnh chụp màn hình

"Điều này dạy cho các bạn rằng khi làm việc chung thì việc tôn trọng cảm xúc và trân trọng nỗ lực của các thành viên rất quan trọng. Và trong quá trình làm, sai lỗi là thứ để ta học hỏi và trưởng thành lên chứ không có vấn đề gì hết", chị Trang nói.

Sau cuộc thi, nhóm Superman 5RS đã đề xuất với câu lạc bộ môi trường tổ chức một buổi chia sẻ cho các thành viên ở Quy Nhơn những kiến thức các bạn học được qua các buổi training và các tài liệu mà các anh chị Live&Learn đã gửi cho.

Trong khi đó, chị Khánh Linh, mentor đã làm việc với 7 đội thi, nhận xét: "Tuy các bạn còn nhỏ nhưng có những ý tưởng sáng tạo cực kì lớn. Đây là điều làm mình tương đối bất ngờ. Có bạn hóa thân thành phát thanh viên đài truyền hình rất chuyên nghiệp; có bạn vào vai phóng viên thường trú tại các điểm trên đường phố, trong lớp học vô cùng sinh động."

"Chúng tôi cũng đánh giá rất cao quá trình nghiên cứu của các nhóm", chị Nhung Nguyễn, thành viên Ban giám khảo, cho biết. "Các bạn đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về ô nhiễm không khí trước khi thực hiện bài dự thi của mình, nhất là nhóm Junior. Các nhóm đều làm đầy đủ các bước của một quy trình nghiên cứu tiêu chuẩn. Có những bài dự thi nêu ra câu hỏi nghiên cứu nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm thì cần rất nhiều hoạt động công phu, và đến khi làm xong thì thông điệp của các bạn đưa ra đặc biệt rõ ràng và ý nghĩa".

Chị nói thêm, có một bài dự thi của bạn nhỏ chỉ mới 7 tuổi ở Đồng Nai nhưng phần báo cáo lại dễ thương và truyền cảm hứng đến mức bất kỳ người lớn nào đọc được cũng sẽ muốn thay đổi thói quen tiếp xúc với không khí của mình.

"Đây là năm thứ ba cuộc thi diễn ra. Chúng tôi rất may mắn được đồng hành với hành trình học, trải nghiệm và lớn lên của các em nhỏ như thế", đại diện Live&Learn chia sẻ.

***

Khoa học và Phát triển xin giới thiệu một báo cáo nổi bật, giành giải Ba ở bảng Junior:

Không nên tắm nắng cho em bé trước 9 giờ sáng + Mang khẩu trang khi đi tập thể dục

Tác giả: Nguyễn Vương Thiên Quyền và Nguyễn Anh Thư Hương (Đồng Nai)


Con kính chào các bác, các cô chú ở gia đình Live & Learn,
Con xin kính chào các bác, các cô chú ở Lãnh sự quán Đan Mạch tại Việt Nam,
Con xin chào và cảm ơn chị Hà My, chị Quỳnh Như, anh Huy Ninh, chị Khánh Linh đã dạy cho con viết báo cáo,

Lời đầu tiên, con xin cảm ơn Ban Tổ chức đã cho con được tham gia cuộc thi này. Con xin cảm ơn cô Kiều chủ nhiệm lớp 18 đã đăng ký cho con đi thi. Con xin cảm ơn cô Loan chủ nhiệm lớp 28 đã giúp con xem lại bài. Con xin cảm ơn bác Vương đã gõ máy tính cho con. Con xin cảm ơn cô Nhi tổng phụ trách đã in giấy cho con. Con xin cảm ơn thầy Kiệt và Ba Tý đã chỉ con cách ghi các con số. Con xin cảm ơn Ông Nội đã chỉ con xem các từ tiếng Anh trên máy tính. Con xin cảm ơn bác bảo vệ Danh và bác bảo vệ Đức đã cho con mang đồ vào trường để làm thí nghiệm. Con cảm ơn em Hương, là em gái con vì đã ngồi xem con làm và chơi với con.

Con là học sinh lớp 28 trường Hoàng Hoa Thám (Biên Hòa, Đồng Nai). Năm nay con 7 tuổi, sinh nhật con là ngày 23 tháng 7. Điện thoại của cô Loan chủ nhiệm của con là 096xxx. Điện thoại của Mẹ con là 090xxx.

Báo cáo mà con nộp hôm nay gồm có hai đề tài, tên là:
  • Đề tài một: “Không nên tắm nắng cho em bé trước 9 giờ sáng”.
  • Đề tài hai: “Nên mang theo khẩu trang khi đi tập thể dục”
Nguyên nhân con chọn đề tài này là vì mợ Hiền vừa sinh em bé. Con thấy sáng sáng mợ hay bế em bé ra phơi nắng. Bà Nội con bảo là phơi như vậy để da trắng và cao. Mẹ con nói phơi nắng như vậy cho khỏe.

Em bé

Nhưng khi con làm nghiên cứu với các thầy cô, thì con thấy rằng không nên đem em bé ra phơi nắng trước 9 giờ sáng. Nguyên nhân là do lúc này có rất nhiều bụi. Khi phơi nắng như vậy thì em bé sẽ hít các viên bụi vào trong phổi. Như vậy là không tốt vì sẽ làm em bé dễ bị nhiễm bệnh.

Khi con nói với mợ Hiền thì mợ bảo là “không có đâu, buổi sáng không khí trong lành mà”, rồi mợ lại cho em bé phơi nắng tiếp. Bà Nội và Mẹ cũng nói không khí buổi sáng trong sạch, tốt cho em bé và mọi người.

Vì vậy, con làm đề tài này và mong Ban Giám khảo nói với mợ Hiền và Mẹ con, và Bà Nội và em Hương là không được phơi em bé ra nắng trước 9 giờ sáng, cũng như phải mang khẩu trang khi chạy thể dục trước lúc 9 giờ sáng.

Đi bộ

Ba Tý của con, và Ông Nội, và bác Vương, và bác Danh, bác Đức rất lười mang khẩu trang. Vì vậy, con cũng mong Ban giám khảo chỉ con tìm ra cách để nhắc mọi người biết là mang khẩu trang sẽ giúp bảo vệ mình khỏi bị bụi bay vào phổi, sẽ khiến mình bị ho giống như bác Danh hay ho sau khi hút thuốc hôi vậy.

Thầy Kiệt và Ba Tý của con có làm một cái máy [đo] với cánh quạt cho con xài. Nhưng lúc con mang vào trường, bạn Phát và bạn Nam và con đã bẻ cái cánh quạt, sau đó gỡ pin ra rồi gắn vào con milo gâu gâu của bạn Hân cho nó bay lên nhưng mà nó không chịu bay. Vì thế, máy của con không xài được nữa.

Con về kể Ông Nội nghe, rồi Ông Nội dạy con mở máy tính để lên internet lấy số đo. Con cảm ơn các bạn ở trang internet IQAir đã chia sẻ các con số cho con xài. Mỗi ngày vào sáng sớm khi con thức dậy và ăn sáng xong, thì con mở máy tính và ghi các con số hiện ra trong các cột màu cam vào trong Vở Làm Lại của cô Loan. Lúc 11 giờ sáng, sau khi học bài xong thì con lại lên internet để ghi các số mới.

Con học buổi chiều, nên lúc 17 giờ chiều, đi học về và tắm rửa xong, con lại mở máy tính để ghi các con số mới hiện ra. Buổi tối, 10 giờ trước khi đi ngủ, con lên máy tính ghi thêm một lần nữa.

Báo cáo này con làm theo các tin nhắn và trao đổi của anh chị Hà My, anh chị Quỳnh Như, anh chị Huy Ninh, anh chị Khánh Linh đã dạy cho con qua email hoặc qua phim. Con xin cảm ơn Ban giám khảo đã xem bài của con và con chúc Ban giám khảo mạnh khỏe - ăn nhiều - mau lớn.

Trong báo cáo nghiên cứu, con xài số đo trên internet của www.iqair.com mà Ông Nội đã chỉ cho con. Sau đây là bảng các số mà con đã ghi được trong các ngày gần đây (Bảng dữ liệu)

Bảng dữ liệu
(Bảng dữ liệu ngắn)

Cột TT là số thứ tự, lúc làm, con ghi rất nhiều số nhưng con chỉ đưa vào đây 72 số trong thời gian gần nhất. Day là ngày của thời gian mà con ghi số, con xài 3 ngày mới nhất là các ngày 20-Sep, 19-Sep và 18-Sep. Time là thời gian họ đo số, là từ 0:00 đến 23:00.

AQI là chỉ số chất lượng không khí, tiêu chuẩn US, nếu từ 0 – 50 thì là tốt cho sức khỏe và không cần mang khẩu trang lúc đi ra ngoài đường, từ 51 trở lên thì thầy Kiệt bảo là phải mang khẩu trang khi đi ra đường.

P.M 2.5 là chỉ số bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 micron mét, nếu dưới 35 thì là ít hạt bụi và ra đường không cần mang khẩu trang, còn từ 36 trở lên thì cần phải mang khẩu trang lúc đi ra ngoài đường để bảo vệ sức khỏe. Sau đây là phân tích các chỉ số làm bằng excel mà thầy Kiệt hướng dẫn và chỉ con làm. (3 biểu đồ cột)

Một biểu đồ trích từ báo cáo. Bảng phân tích AQI (màu xanh) và P.M 2.5 (màu cam)  trong ngày 20 tháng 9 năm 2023 (20-Sep)
Bảng phân tích AQI (màu xanh) và P.M 2.5 (màu cam) trong ngày 20 tháng 9 năm 2023 (20-Sep).

Dựa theo các bảng phân tích, con thấy trong thời gian từ 6 giờ đến 9 giờ, chất lượng không khí AQI ở mức kém (từ 80- 120), P.M 2.5 từ 25 đến 40 nên cũng không tốt cho sức khỏe vì trong không khí có nhiều hạt bụi 2.5 micron mét. Như vậy tắm nắng muộn an toàn hơn. Nên cho em bé tắm nắng từ 10-11h. Lúc đó ít bụi, khói, hạt hơn.

Dựa theo các bảng phân tích, con thấy trong thời gian từ 4 giờ đến 9 giờ, chất lượng không khí AQI luôn ở mức kém (từ 60-120), P.M 2.5 từ 25 đến 40 nên cũng không tốt cho sức khỏe khi chạy tập thể dục vì không khí có nhiều bụi 2.5 micron mét. Như vậy những người tập thế dục buổi sáng nên đeo khẩu trang.

Kết quả