Lò phản ứng được đặt tại hầm tòa nhà King William thuộc Trường Hải quân Hoàng gia (Royal Naval College, viết tắt: RNC) cũ ở Greenwich. Trường được thành lập từ năm 1873 và nằm trong một quần thể mang phong cách kiến trúc đặc trưng của thế kỷ 17. Kiến trúc sư nổi tiếng – Sir Christopher Wren (1632 – 1723) – chính là tác giả của công trình. Ban đầu, đây là cơ sở của Bệnh viện Greenwich – nơi nghỉ dưỡng cho các thương bệnh binh thuộc biên chế Hải quân. Đến năm 1869, bệnh viện bị đóng cửa và những tòa nhà được chuyển đổi thành nơi đào tạo sĩ quan tham mưu. Cùng với việc các hoạt động của Trường Chiến tranh Hải quân Hoàng gia (Royal Naval War College, viết tắt: RNWC) được chuyển từ Portsmouth đến Greenwich vào năm 1914, RNC bắt đầu cung cấp cả những khóa đào tạo về chiến lược và chiến thuật tác chiến hải quân ở mức độ ngày càng chuyên nghiệp và tinh vi.
Đầu thập niên 1960, RNC mua lại một lò phản ứng hạt nhân công suất nhỏ – mang tên mã là JASON – để tiến hành đào tạo nhân lực cho chương trình tàu ngầm hạt nhân của hải quân. Đó là loại lò nghiên cứu, công suất 10 kW, thuộc thế hệ Argonaut do công ty Hawker Siddley Nuclear Power Corporation vận hành trước đó tại Langley. So với lò phản ứng trong các nhà máy điện hạt nhân, JASON có kích thước nhỏ gọn hơn (cao khoảng 12 feet hay 3,7m), được bao phủ bởi hơn 300 tấn thép và bê tông để ngăn phóng xạ rò rỉ. Mặc dù vậy, JASON lại sử dụng nguyên liệu vô cùng mạnh mẽ là urani đã làm giàu đến 90% (cấp độ vũ khí, có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử) và cho hiệu suất phát xạ cao gấp 30 lần urani trong những lò phản ứng dân sự. Vì vậy, nó thực sự là một quả bom hẹn giờ và chắc chắn hải quân sẽ không thể để công chúng biết.
“JASON đã trở thành huyền thoại trong suốt một thời gian dài. Một người từng trực tiếp làm việc với lò phản ứng cho tôi biết đó chỉ là mô hình và không hề chứa chất phóng xạ”, tác giả cuốn sách Greenwich Phantom (Bóng ma ở Greenwich) viết. Ngoài ra, Greenwich cũng được chính quyền tuyên bố là khu vực “phi hạt nhân” vào năm 1963 – một năm sau khi JASON đi vào hoạt động. Nhưng đó thực ra chỉ là những hành động nhằm trấn an công chúng.
Đến năm 1996, Hải quân Hoàng gia Anh (RN)2 quyết định giải thể RNC và bàn giao tài sản cho khu vực dân sự – tổ chức Greenwich Foundation. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải tháo dỡ JASON – một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Đầu tiên, các kỹ sư cần vô hiệu hóa lò phản ứng, tháo bỏ những thiết bị đang hoạt động – phần công việc dễ dàng nhất và có thể được hoàn thành một cách nhanh chóng. Nhưng vấn đề phức tạp nhất lại nằm ở khâu tháo dỡ các thanh nhiên liệu cùng lõi lò phản ứng được bao phủ bởi một lớp bê-tông dày. Tại thời điểm đó, người Anh chưa từng có kinh nghiệm tháo dỡ một lò phản ứng nào, vì vậy họ cần phải học mọi thứ từ đầu. Cuối cùng, sau gần ba năm (tháng 11/1998), tổng cộng 270 tấn chất thải hạt nhân đã được vận chuyển ra khỏi Greenwich, dưới sự giám sát và chứng nhận của Cục Quản lý môi trường Anh quốc (EA).
Hiện nay, Hải quân Hoàng gia Anh đã chuyển sang sử dụng lò phản ứng CONSORT của Đại học Imperial College London ở Ascot, kết hợp cùng các trình mô phỏng tiên tiến tại Trường Kỹ thuật Hàng hải và Không gian (Royal Navy’s School of Marine and Air Engineering, viết tắt RNSMAE) ở HMS Sultan, Gosport, Hampshire, để đào tạo nhân lực cho chương trình tàu ngầm hạt nhân của nước này.