Thay vì xây bằng bêtông cốt thép như hiện nay, các tòa nhà cao tầng sẽ được làm từ gỗ. Những tòa nhà như vậy đã xuất hiện ở Anh, Mỹ và được dự báo là xu hướng của ngành xây dựng thế kỷ 21.
Kỷ nguyên phục hưng của gỗ
Đầu năm 2015, công ty xây dựng Hines gây sự chú ý lớn tại Mỹ khi công bố kế hoạch xây một căn nhà 7 tầng trên diện tích 19.500m2 ở thành phố Minneapolis với vật liệu chủ yếu là gỗ.
Công trình đặc biệt này được đặt tên là T3, viết tắt của gỗ, công nghệ và chuyển tiếp trong tiếng Anh. Nó đánh dấu sự quay trở lại của một loại vật liệu xây dựng ưu việt có lịch sử lâu đời nhưng đã bị đánh mất vị thế trong suốt một thời gian dài. Michael Green - kiến trúc sư trưởng của tòa nhà - cho biết: “Các công trình cao tầng bằng gỗ như T3 đi tiên phong cho nguyên tắc xây dựng bền vững tại Mỹ. So với nó, các tòa nhà bêtông cốt thép hiện tại đang tiêu thụ quá nhiều năng lượng”.
Có thể ở nước Mỹ T3 là tiên phong cho xu hướng xây dựng nhà cao tầng bằng gỗ, nhưng trên thế giới từ lâu đã có rất nhiều công trình dạng này. Trong số đó, có thể kể đến Trung tâm Sáng tạo và Thiết kế gỗ tại Đại học British Columbia (Canada) - tòa nhà gỗ cao nhất Bắc Mỹ với 29,25m, hay tòa tháp 10 tầng Forte tại Melbourne - Australia (cao 32m)...
Quốc gia dẫn đầu xu hướng xây dựng nhà cao tầng bằng gỗ là Anh. Có khoảng 160 công trình cao tầng làm bằng chất liệu tự nhiên này được xây dựng trong vòng 4-5 năm qua. Nhiều nước khác cũng đang chú ý và khuyến khích xu hướng làm nhà gỗ, đặc biệt là Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Phát triển Đô thị và Nông thôn Trung Quốc Chen Zhenggao vừa ký ban hành một chỉ thị nhằm thúc đẩy việc gia tăng sử dụng vật liệu gỗ trong xây dựng.
Trong năm 2015, hội thảo quốc tế về xây dựng công trình gỗ đã được tổ chức tại Canada. 185 kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên gia xây dựng đều nhất trí rằng thị trường nhà gỗ cao tầng đang gia tăng nhanh chóng. Mikko Viljakainen - Giám đốc Hiệp hội gỗ Phần Lan - thậm chí còn gây dấu ấn với bài tham luận về “Sự phục hưng của gỗ công nghiệp trong xây dựng”.
Giảm khí thải, thi công nhanh
Nhà tầng xây bằng gỗ được ưa chuộng trở lại nhờ sự đột phá trong công nghệ vật liệu, đặc biệt là CLT. Loại gỗ này được xem là đủ tiêu chuẩn để xây dựng các công trình cao tầng và đang được sử dụng ngày càng nhiều nhờ tính tiện dụng và khả năng thi công nhanh chóng.
Các cấu kiện gỗ CLT có thể được chế tạo sẵn phù hợp với thiết kế, qua đó làm tăng tốc độ xây dựng, giảm chất thải và các yếu tố gây khó chịu trong công trường. Đặc biệt so với bêtông cốt thép, các cấu kiện gỗ rất dễ sửa chữa và trong trường hợp cần tháo dỡ nhà cửa thì có thể tái sử dụng, chỉ cần chỉnh sửa rất ít.
Nhu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng là một động lực quan trọng khiến cho sự thay đổi lựa chọn về vật liệu này diễn ra nhanh hơn. Vì là vật liệu tái tạo, có thể được sản xuất trong các rừng trồng mọc nhanh, gỗ giúp giải quyết nhiều vấn đề từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Chẳng hạn, trong khi mỗi tấn thép được sản xuất thải ra môi trường 1,5 tấn CO2, mỗi tấn ximăng thải ra 1,125 tấn CO2 thì mỗi tấn sinh khối gỗ hình thành lại giúp hấp thụ 1,42 tấn CO2.
Nhà cao tầng bằng gỗ thể hiện tính ưu việt về mỹ thuật, thân thiện với môi trường là vậy nhưng tại sao vẫn chưa thể phát triển đúng với tiềm năng của nó? Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính nằm ở quy định về độ cao của các ngôi nhà bằng gỗ ở nhiều nước.
Một khi mối nghi ngại và rào cản về mặt pháp luật được gỡ bỏ, chúng ta hoàn toàn có thể mơ đến những đô thị sạch hơn, bền vững hơn và thân thiện hơn nhờ vật liệu gỗ trong tương lai gần.