Tháng 7/1518, trước sự chứng kiến của dân làng, Frau Troffea bắt đầu nhảy múa trên đường phố Strasbourg (Pháp). Không nhạc, không niềm vui, cô gái không thể ngăn bản thân khỏi sự điên cuồng.


Nếu đây là trường hợp đơn lẻ, các vị trưởng lão chắc chắn kết luận Troffea bị điên hoặc quỷ ám. Thế nhưng, ngay sau cô, một hàng xóm khác cũng trở nên như vậy. Đến cuối tuần, đã có hơn 30 người nhảy nhót không màng ngày đêm. Sự việc chưa dừng lại ở đó. Trong vòng một tháng, ít nhất 400 công dân Strasbourg bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị cuốn vào hiện tượng này.

[Caption]

Tranh minh họa cảnh dân làng Strasbourg nhảy múa điên cuồng củaPieter Bruegel (con).

Theo Historic Mysteries, thầy thuốc và quan chức chỉ được mời đến khi một số "vũ công" chết vì đau tim, kiệt sức hay đột quỵ. Tầng lớp lãnh đạo tin rằng phương thức chữa căn bệnh nhảy múa là nhảy nhiều hơn nữa nên cho dựng những sân khấu bằng gỗ để dân chúng lên biểu diễn.

Tất cả những điều này nghe như câu chuyện dân gian cổ xưa, nhưng dịch bệnh "nhảy múa cuồng loạn" năm 1518 được ghi chép rõ ràng trong các văn bản y học, dân sự và cả tôn giáo.Không chỉ thế, nó còn xuất hiện ở Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan.

Điều gì có thể lý giải hành động nhảy đến chết?

Một giả thuyết cho rằng người dân là nạn nhân của rối loạn phân ly tập thể: Họ tin rằng mình bị một căn bệnh giống hệt nhau trong bối cảnh căng thẳng cực độ dưới tác động của cộng đồng. Thời kỳ đó, nạn đói và suy dinh dưỡng đang hoành hành ở Starsbourg. Thế nhưng vụ rối loạn phân ly tập thể lớn nhất trong lịch sử là "dịch cười Tanganyika" năm 1962 chỉ ảnh hưởng lên 95 người.

Một vài nhà nghiên cứu kết luận dịch bệnh nhảy múa đến từ nông nghiệp và được nhiều người ủng hộ. Dân làng đã ăn phải hạt lúa mạch bị nấm hay còn gọi là cựa lúa mạch, gây nên tình trạng động kinh dù biểu hiện của người Starsbourg giống vũ điệu truyền thống hơn là một cơn co giật.

Cuối cùng, một cách giải thích khác dựa vào niềm tin tôn giáo, tin tưởng điệu nhảy điên cuồng là kết quả của việc tôn thờ thánh Vitus.

Trên thực tế, chưa có lời giải đáp chính xác hoàn toàn cho dịch bệnh nhảy múa. Trở lại với năm 1518, thấy những sân khấu gỗ không đem lại hiệu quả, nhà cầm quyềnđã ra lệnh cấm hàng loạt tệ nạn bao gồm cờ bạc, mại dâm như một cách sám hối. Những "vũ công" được đưa đến ngôi đền trên núi Vosges để cầu nguyện. Ở đó, họ đi xung quanh ban thờ, chân mang giầy đỏ. Vài tuần sau, dịch bệnh suy giảm. Hầu hết bệnh nhân, theo như ghi chép, đã lấy lại kiểm soát cơ thể và trở về trạng thái bình thường.