Nhiều người trong chúng ta có thể chưa từng nghe nói đến Nasreddin Hodja, nhưng đó là một nhân vật truyền kỳ nổi tiếng khắp Trung Đông, Trung Á và cả một phần châu Âu.
Hodja thường được miêu tả như một người thông thái và dí dỏm, luôn biết cách thoát khỏi những tình huống “trớ trêu” nhờ sự khôn ngoan của bản thân. Người ta cho rằng ông sinh năm 1208 tại làng Hortu thuộc thị trấn Sivrihisar (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), sau chuyển đến Aksehir rồi Konya – nơi ông qua đời năm 1284. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại khẳng định không có ai mang tên Nasreddin Hodja từng sống trong lịch sử. Đó đơn giản chỉ là một nhân vật trong trí tưởng tượng của người dân Anatolia (Tiểu Á) từ thế kỷ 13, sau lan sang các vùng lân cận và trở thành một phần văn hóa dân gian tại những nơi này. Tượng Hodja được dựng ở nhiều nơi trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, mang hình dáng một ông già cưỡi lừa trong tư thế ngược. Con lừa thường hay xuất hiện trong các câu chuyện về Hodja, chẳng hạn:
Tượng Nasreddin Hodja cưỡi lừa trong tư thế ngược ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Nevit Dilmen/Wikimedia
Một ngày nọ, bạn của Nasreddin đến tìm gặp ông hỏi mượn con lừa để đi vào thị trấn. Không muốn cho mượn, Nasreddin suy nghĩ một lát rồi nói: “Bạn thân mến, tôi rất muốn giúp anh nhưng người khác đã mượn nó mất rồi.” Bỗng có tiếng kêu phát ra từ phía sau nhà. Người bạn thốt lên: “Hình như tôi nghe thấy con lừa đang kêu thì phải?” “Anh tin ai?”, Nasreddin nổi nóng, “Con lừa hay bạn của anh?”
Tượng Nasreddin Hodja ở Brussels, Bỉ. Ảnh: quarsan/Flickr
Tính hài hước và dí dỏm luôn là điểm nhấn trong truyền kỳ về Nasreddin Hodja. Dưới đây là một ví dụ khác:
Có lần Hodja được mời đi thuyết pháp. Đứng trên bục giảng, ông hỏi: “Các vị có biết tôi định nói gì không?” Đám đông đáp: “Không”. Hodja tuyên bố: “Tôi không muốn nói chuyện với những người thậm chí không biết tôi định nói gì!” và rời đi. Cảm thấy xấu hổ, hôm sau mọi người lại mời ông tới. Lần này, câu trả lời của họ cho câu hỏi tương tự là “Có”. Nhưng Hodja nói: “Chà, vì các vị đã biết tôi định nói gì nên tôi thật sự không muốn làm mất thời gian của các vị” và rời đi. Đến lúc này, mọi người quả thực vô cùng bối rối. Họ quyết định phải thử thêm một lần nữa và mời Hodja tới nói chuyện tiếp vào tuần sau. Ông vẫn hỏi đúng một câu như vậy. Như đã chuẩn bị sẵn, một nửa trả lời “Có” và nửa còn lại đáp “Không”. Hodja kết luận: “Hãy để một nửa biết tôi định nói gì kể cho nửa còn lại” và rời đi.
Nhưng cũng có không ít lần, Hodja tự biến mình thành kẻ ngốc trước mặt người khác. Ví dụ:
Một ngày nọ, Hodja trèo lên cây và tự cưa cành mà ông đang ngồi. Một người qua đường trông thấy và thét lên: “Này, ông đang làm gì vậy? Ông sẽ ngã đấy.” Hodja phớt lờ và vẫn tiếp tục cưa. Cuối cùng, cành gãy và tất nhiên là ông ngã xuống. Bất chấp mình mẩy ê ẩm, Hodja đứng dậy, chạy đến chỗ người đàn ông và nói: “Này anh bạn! Anh đã biết tôi sẽ ngã, vậy anh có thể cho tôi biết khi nào tôi sẽ chết,” Hodja bám theo người đàn ông và kiên quyết không để anh ta đi khi chưa có câu trả lời.
Tuy vậy, phần lớn mọi người xung quanh đều trở thành “kẻ thua” trong các trò “chơi khăm” của Hodja, như câu chuyện sau:
Có lần Hodja mượn cái vạc dầu của người hàng xóm và đem trả rất đúng hạn. Nhưng ông còn cố tình đặt vào bên một cái nồi nhỏ. Khi hàng xóm hỏi, Hodja nói cái vạc của anh ta đã sinh con, chính là chiếc nồi, và đứa bé nên ở cùng mẹ của nó. Người hàng xóm biết Hodja thường hành xử lập dị nên không nói gì thêm, trái lại còn mừng thầm vì tự nhiên không mất tiền mua mà lại được thêm cái nồi. Một thời gian sau, Hodja lại hỏi mượn chiếc vạc. “Tại sao lại không?”, người hàng xóm nghĩ, “Có lẽ mình sẽ lại được thêm một chiếc nồi nữa khi ông ta mang trả.” Nhưng lần này, anh ta đợi mãi mà vẫn không thấy Hodja sang trả đồ. Nhiều ngày trôi qua, người hàng xóm bèn sang tận nhà Hodja để đòi. “Bạn thân mến của tôi ơi,” Hodja nói. “Tôi rất buồn phải báo cho anh tin dữ. Chiếc vạc đã chết và được chôn cất dưới mộ của nó.” Người hàng xóm nghe vậy nổi giận. “Cái vạc không sống và cũng không thể chết. Hãy trả nó lại cho tôi ngay lập tức!”, anh ta hét lên. “Nó chính là cái vạc mà cách đây không lâu đã sinh con, và chiếc nồi thuộc về anh. Nếu có thể sinh con thì tức là nó cũng có thể chết đi.” Vậy là người hàng xóm không bao giờ đòi được chiếc vạc dầu của anh ta nữa.
Sau cùng, như nhận định của GS. Jeremy Schiff từ Đại học Bar-Ilan University (Israel): “Sự dí dỏm, hài hước, khôn khéo, hơi có phần chế giễu nhưng rất hợp lẽ thường, phản ánh đúng tâm lý con người và phơi bày những khiếm khuyết xã hội, thậm chí còn động chạm cả vấn đề nhà nước và tôn giáo, song luôn giải quyết vấn đề theo cách thân thiện chính là các yếu tố cùng nhau tạo nên một loại logic đặc biệt – logic của Nasreddin Hodja”.
Theo Amusing Planet
(*) Tựa đề do người dịch tự đặt. Thổ Nhĩ Kỳ về mặt địa lý được xem là nơi giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, nhưng về văn hóa thì gần gũi với phương Tây hơn.
Trương Quả Lão (張果老; 596-735) là một trong số tám vị tiên (Bát Tiên) nổi tiếng của Đạo giáo (Trung Quốc). Cùng với Hán Chung Li và Lã Động Tân, ông là vị tiên có nguyên mẫu từ những nhân vật có thật trong lịch sử; các vị còn lại chỉ có trong truyền thuyết. Trong văn hóa đại chúng Trung Hoa (tranh vẽ, tượng,…), Trương Quả Lão thường xuất hiện với hình ảnh là một ông lão cưỡi con lừa trắng (bạch lư) trong tư thế ngược, mang hàm ý ẩn dụ “Phản bổn quy chân” tức tiến về phía trước chính là thụt lùi.