Trong nhịp sống nhanh, mọi thứ xoay như dòng chảy thời hiện đại, những chiếc bánh trung thu truyền thống như sợi dây vô hình kết nối con người ta với những kỷ niệm ngày xưa.
Thời đại công nghệ, cái gì cũng theo hướng nhanh chóng, hiện đại, tiết kiệm thời gian. Đến việc mua sắm vốn bị tiếng tốn thời gian, nay cũng chỉ cần ngồi một chỗ lách cách bàn phím tìm kiếm, đặt hàng, nhanh trong “vài nốt nhạc” rồi cứ ngồi yên đấy, sẽ có người ta giao hàng đến tận nơi vừa nhanh, vừa gọn.
Tiện lợi là thế, nhưng không phải lúc nào cái tiện ấy cũng khiến người ta thoả mãn, bởi đôi khi, như lúc tiết trời sang thu rất đỗi mát mẻ và trong lành này, lòng người hoài cổ lại ngập tràn những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ với ánh trăng sáng tròn của rằm tháng tám và thèm luôn cả miếng bánh trung thu truyền thống, vốn khó có thể mua bằng những cái click chuột hay cú điện thoại.
Thế là lúc ấy, người ta lại tranh thủ một buổi chiều có nắng vàng như mật, gió mát mơn man tạt vào phố cổ, len vào những con phố nhỏ, tìm đến những tiệm bánh trung thu cổ truyền nổi tiếng của Thủ đô để tìm lại hương vị truyền thống.
Giữ hương vị truyền thống…
Trong một chiều đầy hoài niệm, tôi tìm đến tiệm bánh nổi tiếng trên phố cổ. Con ngõ vào nhỏ, thiếu sáng, nhưng không khó để tìm ra hiệu bánh này, không phải nhờ biển hiệu mà nhờ mùi thơm của bột, của đường, của bánh..., đang toả ra một hương thơm dìu dịu để dẫn lối cho người lạ lần đầu tới, lên những bậc thang, đưa đúng vào nhà.
Trong căn phòng thơm mùi bánh, bà Trần Thị Đoan Phương (77 tuổi) - người trực tiếp gây dựng lên cơ ngơi và thương hiệu Phương Soát - bắt đầu câu chuyện về những chiếc bánh trung thu cổ truyền bằng chất giọng từ tốn, nhẹ nhàng, hoài niệm.
Bà kể, khi đất nước vào thời đổi mới, nhà nước cho phép phát triển kinh tế gia đình, bà cùng chồng (ông Soát) bắt tay vào làm bánh trung thu – vốn nghề được gia đình truyền lại. Đến nay, tuổi đời thương hiệu đã 30 năm có lẻ, nhưng bánh trung thu nơi đây vẫn trung thành với hương vị truyền thống gồm nhân thập cẩm, nhân đậu xanh xát, nhân sen xát - mà như bà Phương chia sẻ - thì đó là những nguyên liệu được sử dụng từ xưa.
Bà kể rằng, vẫn là những thứ jambon, mỡ phần, hạt dưa, bí, vừng, lạp xường và chút lá chanh..., công thức thì cũng tương tự như công thức người ta chia sẻ khắp nơi, nhưng nhờ bí quyết riêng nhà mình mà bánh nhà bà chẳng lẫn đi đâu. Thế nên dẫu có mua bánh nhà bà về cắt ra, gắp từng thành phần nhỏ để nghiên cứu cũng chẳng thể làm ra được hương vị giống như thế. Có lẽ cũng bởi sự đặc trưng ấy mà có những thực khách nghiện hương vị bánh của nhà bà đến độ đã là khách quen đến mấy chục năm, từ đời bà, đời mẹ đến đời con, cứ “đến hẹn lại lên” là lại đến nhà bà mua bánh.
Chiếc bánh cổ truyền được làm to, đầy đặn, chiếc nào “nhẹ nhàng” cũng phải 200 gram, còn trung bình cứ 250 gram, ấy là để cắt ra mỗi người đủ một miếng ăn. Bởi cứ như ngày xưa, Tết Trung thu mỗi năm chỉ có một, bánh trái ít, chiếc bánh phải “bổ đầu” chia đều, nếu cứ làm bé 80 gram, hay 100 gram như bánh hiện đại có lẽ chẳng bõ miệng. Khuôn bánh chỉ gồm khuôn vuông và tròn truyền thống tượng trưng cho đất-trời, muốn mua bánh cho trẻ thì có thêm bánh con cá, đàn lợn, con rùa nặn tay thủ công ở mọi kích cỡ.
Ngay cả đến cái hộp đựng bánh của nhà bà cũng chẳng thể “truyền thống” hơn, với chiếc hộp vuông vức bìa đỏ, đựng vừa 2 hoặc 4 chiếc bánh tùy theo ý khách.
Có khách đến mua, người bán mới cho bánh vào khay nhựa, cho vào túi, ghim lại, xếp vào hộp.
… bước vào thời công nghệ số
Không chỉ gìn giữ hương vị xưa qua từng chiếc bánh, ý thức về “thương hiệu” cho bánh trung thu của mình rất sớm, cho dù điều đó diễn ra rất tình cờ. Đó là thời điểm bánh của gia đình bà Phương đã bắt đầu có tiếng và thực sự cần có một cái tên để giao dịch. Đang lúc băn khoăn nghĩ về việc đặt tên thì có một người bạn từ thời niên thiếu đến mua bánh. Do bà bạn ngại lên cầu thang nên đứng dưới gọi vọng lên “Phương Soát ơi”. Vậy là tên thương hiệu ra đời, Nghĩ ra tên, ông bà tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay.
Trong xu thế hiện đại, nhiều tiệm bánh truyền thống “cha truyền con nối” nay cũng vận dụng linh hoạt công nghệ với sự trợ giúp của máy móc để phù hợp với thời cuộc. Tiệm bánh của ông bà cũng không ngoại lệ, từ địa chỉ khởi nguồn ở Hàng Chiếu, nay con cháu ông bà đã có thêm cơ sở khác với máy móc hỗ trợ để tạo ra thành phẩm nhanh hơn, công nghiệp hơn. Tuy nhiên dù có hiện đại đến thế nào, hương vị vẫn nhất định phải đảm bảo theo công thức của gia đình. Còn ở Hàng Chiếu, ông bà vẫn giữ lại rất cách làm truyền thống-từ cách chế biến, đóng hộp thủ công, bởi hàng bao năm nay, người dân phố cổ đã quen thuộc với hình thức mộc mạc ấy rồi.
Hỏi bà Phương rằng liệu bà có cải tiến mẫu mã hộp cho đẹp để bánh đến với nhiều người hơn không, bà cười hiền bảo rằng bao bì của gia đình cũng đã cải tiến so với ngày xưa nhiều. Ngày xưa, bánh chỉ được đựng nguyên chiếc vào hộp không, còn bây giờ mỗi bánh có khay nhựa đựng riêng, có bao nylon, hộp cũng đã trang trí bắt mắt hơn. Đó là cách để bánh không bị lạc lõng trong thị trường hiện đại, đầy cạnh tranh, nhưng dẫu sao, bánh truyền thống thì vẫn phải giữ lại nét cơ bản, đảm bảo vệ sinh. Còn việc đưa bánh đi xa hơn, đến được với đông người hơn là phần việc của con cháu bà, những công dân hiện đại, được tiếp xúc với công nghệ hằng ngày, hằng giờ.
Giữa cơn lốc bánh trung thu công nghiệp, bánh trung thu handmade rầm rộ, dù có lúc doanh số của cửa hàng bà có bị sút giảm do thực khách muốn khám phá cái mới, cái lạ, nhưng bà Phương cho rằng đấy là lẽ tất yếu bởi người ta ai cũng muốn thử cái mới. Nếu thấy hợp thì người ta tiếp tục, không phù hợp, người ta lại quay về với mình. Mình cứ giữ chữ tín tạo dựng từ ngày khởi nghiệp, giữ gìn chất lượng bánh như lúc đầu, chắc chắn nghề chẳng phụ mình, khách hàng chẳng bỏ mình.
Thay lời kết
Khi nhịp sống bị cuốn theo thời đại số, người ta lại càng hướng về những giá trị truyền thống-nơi còn người được thảnh thơi thực sự bên những thứ chân chất giản dị nhất. Bên mâm cỗ trung thu dẫu giản tiện đi nhiều, người ta vẫn nhớ pha một ấm trà ngon, đợi trăng lên cao quá đỉnh đầu mới khai bánh, cắt thành những miếng nhỏ, trước là mời người cao tuổi, sau chia cho lũ trẻ trong nhà. Cắn miếng bánh nhỏ rồi chiều một ngụm trà, nghe vị đắng của trà, vị ngọt của bánh tan vào nhau mới thầy càng trân quý biết bao chiếc bánh trung thu truyền thống.
Nghệ nhân trong thời... mạng xã hội Để có được buổi chuyện trò với bà Phương không dễ. Tôi phải đến xin phép, nằn nì bà trước để được bà chấp thuận cho phỏng vấn. Một hồi lâu bà mới đồng ý dành thời gian chuyện trò với tôi, kèm theo điều kiện phải mang đầy đủ giấy tờ giới thiệu tới. Đến lúc chuyện trò thân mật rồi, bà Phương mới chậm rãi bảo: Cháu thông cảm, xã hội nhiều nhập nhoạng, cạnh tranh cũng nhiều nên bà phải cẩn thận để giữ gìn thương hiệu. Cuộc trò chuyện của bà cháu tôi đang hồi rôm rả thì anh con trai bà về, bởi anh nghe nói có người đến nhà phỏng vấn viết bài. Anh hỏi tôi những câu hỏi mang tính chất kiểm tra của một người trẻ hiểu biết xã hội rồi mới trải lòng với tôi. Tuy khá bất ngờ nhưng lại thầm nghĩ, sự cẩn thận ấy là rất cần thiết để họ bảo vệ thương hiệu của mình, nhất là trong thời đại mạng xã hội ít nhiều hỗn loạn như hiện nay.
|