Trong khi vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc các nghi lễ, một số nghiên cứu gần đây cho thấy các nghi lễ ban đầu là cách con người ngăn chặn hoặc giải quyết các mối đe dọa phổ biến.
Đầu tháng này, cả thế giới đã tham gia vào một trong những nghi lễ phổ biến nhất: bắn pháo hoa mừng năm mới - hay nói cách khác là mừng một vòng Trái đất quay quanh Mặt trời. Các nền văn hóa cụ thể còn có những nghi lễ riêng, chẳng hạn như nấu đậu và rau xanh ở khu vực Đông Nam Hoa Kỳ, ăn nho vào nửa đêm năm mới ở Tây Ban Nha hoặc đốt hình nộm ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Tất cả các nền văn hóa của con người đều có các nghi lễ - thường là những hành vi mang tính biểu tượng, lặp đi lặp lại mặc dù không ai biết ý nghĩa thực tế của chúng. Những nghi lễ này giúp củng cố ý thức cộng đồng và niềm tin chung. Nhưng trước khi chúng trở nên thuần túy mang tính xã hội, nghi lễ ban đầu là cách con người tránh các mối nguy hiểm thực tế.
Theo đó, nghi lễ ban đầu dùng để duy trì những hành vi đảm bảo an toàn cho con người, và nó vẫn tiếp tục được thực hành khi sau này chúng ta đã quên mất lý do ban đầu. Ví dụ, những nghi lễ chuẩn bị thức ăn hoặc vệ sinh cơ thể có thể từng là những cách ngăn ngừa bệnh tật.
Giờ đây, giữa đại dịch Covid-19, con người lại đang áp dụng các hành vi mới để đối phó với mối đe dọa dịch bệnh, mặc dù còn quá sớm để biết liệu các hành vi này có trở thành nghi lễ hay không. Hành vi chỉ trở thành nghi lễ khi ý nghĩa xã hội của hành vi được ưu tiên hơn so với ý nghĩa thực dụng (tránh bệnh tật hoặc thảm họa), nhà tâm lý học Mark Nielsen tại Đại học Queensland (Úc) cho biết. Đây là điểm phân biệt nghi lễ khác với các thực hành văn hóa khác, chẳng hạn như nấu ăn.
“Khi bạn lần đầu tiên học nấu một món ăn nào đó, có thể bạn sẽ làm theo y hệt công thức, nhưng sau khi đã thành thạo, bạn có thể nấu theo cách của riêng mình,” Nielsen nói. “Nhưng kiểu cá nhân hóa đó sẽ không xảy ra với các hoạt động được nghi thức hóa. Nghi lễ được lặp đi lặp lại rất cẩn thận, cuối cùng nó mất đi giá trị chức năng và mọi người thực hiện nó vì giá trị xã hội”.
Mang lại cảm giác an toàn
“Ở những vùng thường xảy ra thiên tai và dịch bệnh cũng như nguy cơ bạo lực và bệnh tật cao, xã hội có xu hướng trở nên ‘chặt chẽ hơn’, nghĩa là họ có các chuẩn mực xã hội mạnh hơn và ít chấp nhận các hành vi lệch lạc,” Michele Gelfand, nhà tâm lý học tại Đại học Maryland, cho biết. Họ cũng có xu hướng trở nên mê tín hơn, đặt ưu tiên cao vào các hành vi được nghi thức hóa.
Nghiên cứu của Gelfand phát hiện ra rằng, sự đồng thuận xã hội của mọi người gia tăng khi họ nhìn thấy các mối đe dọa. Khi bộ phim Contagion - miêu tả một câu chuyện hư cấu về một đại dịch trên toàn thế giới - được công chiếu vào năm 2011, Gelfand và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu bảng câu hỏi cho thấy những người rời rạp sau khi xem phim cảm thấy thù địch hơn với những kẻ lệch lạc xã hội.
Khi tất cả chúng ta di chuyển đồng bộ hoặc thực hiện các hành động giống nhau theo cách có thể dự đoán được, chẳng hạn như trong các buổi tiến hành nghi lễ, điều này có thể tạo ra cảm giác yên tâm, hợp tác, đồng thuận. Và khi đối mặt với nguy hiểm, sự hợp tác này là rất quan trọng.
“Văn hóa quân đội là một ví dụ tuyệt vời,” Gelfand nói. Các động tác nhóm đồng bộ được các đơn vị quân đội trên khắp thế giới thực hành để luyện tập khả năng hành động thống nhất trong những tình huống nguy hiểm.
Các nghi lễ cũng có thể giúp mọi người vượt qua các loại sợ hãi và lo lắng khác. Martin Lang, nhà nghiên cứu tại Đại học Masaryk ở Cộng hòa Séc, tin rằng tính lặp đi lặp lại và dễ đoán của các nghi lễ khiến chúng trở nên thoải mái và dễ chịu. Ví dụ, nghiên cứu của Lang phát hiện ra rằng phụ nữ trên đảo Mauritius, đảo quốc ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương, cảm thấy bớt lo lắng hơn về việc phát biểu trước đám đông sau một nghi lễ cầu nguyện trong một ngôi đền Hindu.
Tính nhân văn của nghi lễ
Một số hiện tượng bề ngoài giống với nghi lễ đã được quan sát thấy ở các loài linh trưởng khác, nhà linh trưởng học Carel van Schaik tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ), cho biết. Giống như tất cả các loài động vật, các loài linh trưởng được sinh ra với bản năng tránh nguy hiểm và bệnh tật, và chúng cũng có thể học cách tránh rủi ro sau khi đã một lần trải qua tình huống nguy hiểm hoặc nhìn thấy những con khác gặp nguy hiểm.
Van Schaik tin rằng nhiều nghi lễ xã hội bắt nguồn từ khi con người bắt đầu sống trong các nhóm lớn, đặc biệt là sau khi nông nghiệp phát triển cho phép các quần thể lớn sống cùng một nơi. “Quyết định [chung sống] đó khiến con người phải đối mặt với đủ loại bạo lực, thảm họa và bệnh tật,“ van Schaik nói, “từ xung đột trong nhóm đến chiến tranh giữa các nhóm, đến các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan nhanh chóng trong các ngôi làng”.
Và để ngăn chặn những thảm họa như vậy xảy ra, con người tạo ra các nghi lễ. “Chúng ta có xu hướng giải thích bất kỳ điều gì xui xẻo xảy ra là một việc mà ai đó - một linh hồn, một con quỷ hoặc một vị thần - đã làm với chúng ta, vì chúng ta khiến họ khó chịu. Vì vậy, chúng ta đã cố gắng tìm ra những cách làm để ngăn không cho những thảm họa như vậy xảy ra lần nữa”.
Nhiều nghi lễ tôn giáo, ví dụ, đề cập đến vấn đề vệ sinh, tình dục hoặc cách chúng ta xử lý thực phẩm theo những cách có liên quan đến nguy cơ bệnh tật. Trong khi những nghi lễ khác áp dụng cho các vấn đề tài sản và gia đình - thường là gốc rễ của các cuộc xung đột.
Nhiều nghi lễ vẫn tồn tại đến ngày nay vì chúng được coi là giúp tránh được các mối nguy. Ở bang Bihar, vùng nông thôn của Ấn Độ, nơi tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn cao, nhà khoa học nhận thức Cristine Legare tại Đại học Texas ở Austin, đã ghi lại 269 nghi lễ liên quan đến việc mang thai và sinh nở. Cô nói: “Hầu hết trong số đố đều để cố gắng tránh những kết quả tiêu cực”.
Legare cho biết một tỷ lệ đáng kể các nghi lễ liên quan đến sinh sản này, chẳng hạn như thức ăn bổ dưỡng được chuẩn bị cho người mẹ ăn trong lễ Chhathi - một nghi lễ của người Hindu được thực hiện vào ngày thứ sáu sau khi sinh, hoàn toàn phù hợp với lời khuyên của y học hiện đại. Tuy nhiên nhiều nghi lễ khác thì không có tác dụng thực tế gì, hoặc thậm chí gây nguy hiểm, chẳng hạn như tắm cho trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh.
“Điều này cho thấy một khi nghi lễ đã có ý nghĩa xã hội, rất khó để loại bỏ chúng”, Legare nói.