Kinh Kim Cương là một văn bản của Phật giáo Đại thừa ghi chép lại những lời giảng, giáo lý tôn giáo của Đức Phật. Một bản sao của nó được tìm thấy trong hang Mạc Cao ở Trung Quốc là cuốn sách in hoàn chỉnh lâu đời nhất thế giới, có niên đại năm 868.
Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika prajnaparamita sutra) là một trong những văn bản được tôn kính nhất của Phật giáo Đại thừa [nhánh Phật giáo phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á]. Người ta thường gọi nó với tên ngắn gọn hơn là Kinh Kim Cương hay Kinh Kim Cang. Thuật ngữ “Kinh” (sutra) trong tiếng Phạn mang nghĩa một “bài thuyết giáo”, hay “bài thuyết pháp” của Đức Phật.
Kinh Kim Cương thuộc một bộ kinh sách lớn hơn của Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa, hay “Sự hoàn hảo của Trí tuệ”. Một tác phẩm nổi tiếng khác cũng thuộc bộ kinh sách này là Bát Nhã Tâm Kinh. Các bộ kinh đều do đệ tử ghi chép lại lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay Tất Đạt Đa Cồ Đàm. Nhiều học giả tin rằng, chúng được viết từ thế kỷ 1 trước Công nguyên và hoàn thành sau đó vài thế kỷ.
Vào đầu thế kỷ 20, một tu sĩ Đạo giáo tên Wang Yuanlu chịu trách nhiệm trông coi hang Mạc Cao ở thành phố Đôn Hoàng, Trung Quốc. Tại đây, Wang tình cờ phát hiện một cánh cửa bí mật dẫn đến căn phòng kín chứa 40.000 tài liệu và đồ tạo tác cổ, trong đó có một bản sao của Kinh Kim Cương. Đây là cuốn sách in hoàn chỉnh cổ nhất thế giới từng được con người biết đến, và nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Khí hậu sa mạc khô cằn của Đôn Hoàng là điều kiện hoàn hảo giúp bảo quản các cuốn sách.
Nhờ một ghi chú ngắn ở cuối bản sao Kinh Kim Cương, chúng ta có thể biết rõ nguồn gốc và niên đại của nó. Nội dung cụ thể như sau: “Wang Jie thay mặt cha mẹ phân phát miễn phí cuốn sách này vào ngày 11 tháng 5 năm 868 [thuộc triều đại nhà Đường]”.
Năm 1907, Aurel Stein – nhà khảo cổ người Anh gốc Hungary – đến thăm hang Mạc Cao trong một chuyến thám hiểm trên Con đường tơ lụa và gặp Wang Yuanlu. Ông chi số tiền 130 bảng Anh để mua lại 24 thùng chứa đầy tài liệu [trong đó bao gồm Kinh Kim Cương, truyện dân gian, nhạc kịch, thơ, tiểu luận, tiểu thuyết,..], các bức tranh lụa, đồ thêu dệt, đồ tạo tác mang tính nghệ thuật cao. Sau đó, ông đem tất cả chúng về nước Anh.
Hiện nay, bản sao của Kinh Kim Cương lấy từ hang Mạc Cao đang được trưng bày tại Thư viện Anh ở London. Hang Mạc cao cũng trở thành một di sản văn hóa của thế giới. Nhà nước Trung Quốc thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu và tu bổ hang, nhưng chỉ có điều các báu vật “một đi không trở lại” thì chẳng tiền của nào có thể đánh đổi.
Bản sao Kinh Kim Cương được tạo ra bằng phương pháp in khối, hay in mộc bản. Người thợ khắc các nét chữ, hình vẽ lên một tấm gỗ. Phần có chữ sẽ nổi lên cao, phần không chữ được khoét lõm xuống. Khi in, người ta phủ một lớp mực mỏng trên bề mặt tấm gỗ, sau đó đặt tờ giấy lên và dùng một thanh gỗ đã mài nhẵn gạt nhẹ phía trên tờ giấy. Giấy in được ngâm trong một loại thuốc nhuộm màu vàng chiết xuất từ cây Hoàng bá mang đặc tính diệt sâu bọ và côn trùng. Bản khắc gỗ có nhược điểm là nếu hỏng một từ hoặc một ký tự thì phải làm lại cả khuôn in.
Kinh Kim Cương là văn bản khá ngắn ngọn, trong đó bao gồm một cuộc đàm luận giữa Đức Phật và tôn giả Tu Bồ Đề. Trang đầu tiên là một bức tranh mô tả đức Phật được bao quanh bởi các nhà sư, tín đồ và các vị thần. Ở góc dưới bên trái là đệ tử Tu Bồ Đề đang lắng nghe Đức Phật trình bày giáo lý trong Kinh Kim Cương.
Bản dịch tiếng Anh của Kinh Kim Cương thông thường chỉ khoảng 6.000 từ, và người đọc có thể hoàn thành nó trong vòng chưa đầy 40 phút. Cuốn sách chứa đựng thông điệp rất sâu sắc, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Một trong những cách diễn giải cơ bản nhất về Kinh Kim Cương là lời khích lệ của Đức Phật đối với các đệ tử, kêu gọi họ “vượt qua những ảo tưởng về thực tại xung quanh để nhận thức rõ những điều có thật”.
Năm 401 sau Công nguyên, một tu sĩ Phật giáo tên là Cưu Ma La Thập lần đầu tiên dịch Kinh Kim Cương sang tiếng Trung Quốc. Phong cách dịch thuật của Cưu Ma La Thập khá mạch lạc, trôi chảy, tập trung chủ yếu vào việc truyền đạt ý nghĩa của cuốn kinh thay vì dịch chính xác theo nghĩa đen một cách rập khuôn. Nội dung bản sao Kinh Kim Cương tìm thấy ở Đôn Hoàng cũng là bản dịch của Cưu Ma La Thập. Trong thế kỷ tiếp theo, thái tử Chiêu Minh – con trai của Lương Vũ Đế – chia kinh sách thành 32 chương và đặt tiêu đề cho chúng [bản nguyên văn tiếng Phạn không chia chương mục]. Cách phân chia này vẫn còn được sử dụng đến ngày nay, mặc dù các dịch giả không phải lúc nào cũng dùng tên tiêu đề giống như của thái tử Chiêu Minh.
Đến cuối triều đại nhà Đường (năm 907), việc sao chép và tụng Kinh Kim Cương là một thực hành phổ biến của những người mộ đạo. Ước tính có hơn 80 tác phẩm diễn giải Kinh Kim Cương của các phật tử nổi tiếng ở Trung Quốc như Tăng Triệu, Tạ Linh Vận, Trí Nghĩ, Tông Mật,… Trong số đó, chỉ còn 32 tác phẩm tồn tại đến ngày nay.
Một câu chuyện thú vị về Kinh Kim Cương liên quan đến sự giác ngộ của Huệ Năng, vị tổ sư thứ sáu và cuối cùng của Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc. Theo cuốn tự truyện của nhà sư Huệ Năng, khi ông đi bán củi ở ngoài chợ lúc còn trẻ, ông tình cờ nghe người khác tụng Kinh Kim Cương và đạt được giác ngộ.
Năm 2004, bản sao Kinh Kim Cương có nguồn gốc ở Đôn Hoàng được trưng bày tại Triển lãm Con đường tơ lụa do Thư viện Anh tổ chức. Hiện nay, toàn bộ các trang của kinh sách có thể xem online, thông qua trang web của Thư viện Anh.