Cách đây vài năm, một sinh viên Mỹ chỉ có chỉ nhớ bình thường nhưng nhờ tập luyện theo phương pháp cổ, Alex Mullen đã trở thành người vô địch thế giới về ghi nhớ.

nguoi-dan-ong-co-tri-nho-tot-nhat-the-gioi-nho-luyen-tap

Nhà vô địch ghi nhớ thế giới 2015, Alex Mullen. Ảnh: Đại học y Missisippi

Theo BBC, câu chuyện bắt đầu khi Joshua Foer, một nhà báo tới xem cuộc thi về trí nhớ của Mỹ, với hy vọng sẽ viết được sách về giải đấu này.

Ông tìm thấy một nhóm người luyện tập trí nhớ bằng cách kỹ thuật cổ xưa và viết quyển sách "Moonwalking with Einstein". Foer bắt đầu tự luyện tập theo các phương pháp này và thắng cuộc thi này vào năm tiếp theo.

Mullen,cậu sinh viên y khoa Đại học Mississippiđược khích lệ bởi câu chuyện của Foer và bắt đầu luyện tập cải thiện trí nhớ.

"Tôi thật sự không có trí nhớ tự nhiên tốt", anh nói. "Nhưng bắt đầu từ năm 2013, tôi luyện tập theo các phương pháp mà Foer đã đề cập đến".

Một năm sau đó, Mullen giành chức á quân cuộc thi trí nhớ.

“Nó thật sự tạo động lực cho tôi, tôi vẫn tiếp tục tập luyện và trở thành nhà vô địch thế giới vào năm 2015".

Cuộc thi được tổ chức ở Quảng Châu, Trung Quốc, gồm có 10 vòng đấu thách thức về tinh thần, bao gồm những việc như nhớ được càng nhiều số càng tốt sau một giờ, tên và khuôn mặt sau 15 phút, hoặc nhớ hàng trăm số nhị phân. Vòng cuối cùng luôn là thi nhớ thứ tự một bộ bài tây càng nhanh càng tốt.

Mullen đang ở vị trí thứ hai trước vòng đấu cuối cùng. Anh nhìn vào bộ bài trong 21,5 giây, nhanh hơn Yan Yang, người đang dẫn đầu một giây. Chừng đó là đủ để Mullen vô địch.

Mullen hiện cũng đang nắm giữ kỷ lục thế giới về ghi nhớ nhiều con số nhất trong vòng một giờ, 3.209 số.

"Vài năm trước đây, tôi nghĩ đều này là bất khả thi", anh nói. Đồng thời Mullen cũng đang giữ nửa tá kỷ lục của Mỹ, gồm cả kỷ lục nhớ được 3.888 số nhị phân trong vòng 30 phút.

Bước vào cung điện tâm trí

Theo Mullen, ai cũng có thể có được khả năng ghi nhớ tốt.

"Bạn chỉ cần tạo ra được một cung điện trong tâm trí mình", anh cho biết.

Cung điện tâm trí là hình ảnh của một địa điểm có thực mà bạn biết, được nhìn qua con mắt của tâm trí. Đó có thể là ngôi nhà bạn, hay tuyến đường đi làm hàng ngày. Để nhớ được nhiều thứ, bạn chỉ cần đi qua cung điện tâm trí của mình, đặt các hình ảnh về những thứ cần nhớ vào các nơi đặc biệt dọc theo con đường.

Kỹ thuật này được cho là do một nhà thơ Hy Lạp, tên là Simonides, sống vào năm 477 trước Công nguyên nghĩ ra. Truyền thuyết kể rằng Simonides khi đó đang ở trong một bữa tiệc tối do một nhà quý tộc giàu có tổ chức. Nửa chừng tiệc, ông được gọi ra ngoài để gặp một người đưa tin.

Khi ông vừa bước ra ngoài cửa, mái nhà sụp xuống và đè chết mọi người bên trong, không còn nhận dạng được xác. Simonides nhớ lại nơi ông ngồi, và đột nhiên hình dung ra mình đang nói chuyện với người khách ngồi đối diện, một người nữa ngồi bên trái, một người khác nữa ngồi phía đầu bàn. Ông nhận ra rằng có thể nhận dạng các thi thể bằng cách nhớ chính xác vị trí từng người đã ngồi. Sự kiện này được cho là đã dẫn dắt ông tới khám phá rằng cách tốt nhất để ghi nhớ một nhóm đối tượng hoặc sự kiện là đính kèm hình ảnh với một địa điểm cụ thể và theo thứ tự.

Nhiều thế kỷ sau đó, Eleanor Maguire và các cộng sự tại Đại học College, London tiến hành quét não 10 người có thứ hạng cao nhất tại cuộc thi trí nhớ thế giới. Bà hy vọng tìm được những điểm khác biệt trong cấu trúc não khiến cho họ có trí nhớ phi thường. Tuy nhiên các xét nghiệm đều không phát hiện ra bất kỳ khác biệt nào. Sự khác nhau duy nhất chỉ là sự ưu tiên sử dụng 3 vùng não liên quan tới điều hướng. Những người có siêu trí nhớ chỉ nhớ tốt hơn nhờ vào việc dạo bước qua cung điện tâm trí của họ.

Sơn các con số

Khi muốn nhớ các số nhị phân, mỗi đấu thủ có một cách riêng để chuyển những số này thành các hình ảnh. Ví dụ, với Mullen, anh sử dụng hệ thống "hai lá bài" để ghi nhớ một bộ bài.

Nó bao gồm việc chuyển các chất (rô, cơ, bích, nhép) và con số sang âm đọc. Ví dụ, 7 rô và 5 bích đi với nhau tạo thành âm "m" (trong tiếng Anh). Số 7 thì được chuyển thành âm 'k' và 5 là 'l'. Dù các quy tắc chuyển đổi này không rõ ràng, nó thực sự dựa trên một loại mật mã mà ai đó đã nghĩ ra rất lâu trước đây, theo Mullen.

"Một khi bạn đã có các chữ cái k, l, m, bạn chỉ cần tạo ra một hình ảnh phù hợp với các chữ cái này. Chúng gợi tôi nhớ tới từ Michael, nên khi tôi nhìn thấy cặp bài này, tôi nghĩ tới Michael Jordan", Mullen nói.

Anh tiết lộ một thủ thuật để giảm đi một nửa trong tổng số 2.074 các khả năng có thể kết hợp các cặp 2 lá bài với nhau, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Mullen giành chức quán quân trí nhớ trước đối thủ Jonas Von Essen. Giống như Mullen, Von Essen cũng có sở thích ghi nhớ mọi thứ trong cuộc sống.

Anh sinh viên Đại học Gothenburg này đã thử một vài kỹ thuật trong đó và đạt được hiệu quả tức thì.

"Gần như ngay lập tức tôi nhận ra rằng tôi có thể ghi nhớ nhiều thứ hơn tôi đã từng mơ ước có thể", Essen nói. Anh đã vô địch cuộc thi trí nhớ của Thụy Điển vào năm 2012, và vô địch thế giới liên tiếp hai năm sau đó.

Essen sử dụng một kỹ thuật hơi khác để ghi nhớ các quân bài. Anh gán cho mỗi quân bài một hình ảnh cụ thể trước khi nhóm thành từng bộ ba và đặt chúng trên quãng đường ngắn qua nhà mình.

"Vì vậy, tôi có thể bắt đầu từ cửa trước. Đó là 4 cơ, 9 cơ và 8 nhép. Tôi mở cửa trước và nhìn thấy Sherlock Holmes đang chơi đàn và ăn hamburger. Sau đó tôi tiến vào căn phòng lớn, tạo ra cảnh mới cho 3 quân bài tiếp theo".

Nhà hàng yêu thích của bạn là gì?

Cung điện tâm trí có thể là bất cứ nơi nào – khách sạn, ngôi nhà, các tuyến đường đi làm, một kỳ nghỉ yêu thích, một công viên hay một chuyến tàu.

"Ngồi một lúc suy nghĩ bạn có thể thấy hàng trăm địa điểm mà bạn biết khá rõ", Mullen nói.

Cả hai nhà vô địch thế giới đều sử dụng các cung điện tâm trí cụ thể cho những điều mà họ muốn ghi nhớ trong ngắn hạn, như một bộ bài, và những điều muốn ghi nhớ mãi mãi.

"Với một cuộc thi dài 5 phút, tôi sử dụng hai cung điện giống nhau và tái sử dụng chúng lần sau", Mullen nói.

"Bởi vì tôi không muốn nhớ một sự kiện 5 phút mà tôi đã làm vào hai năm trước. Nhưng khi học ở trường, như về các loại thuốc điều trị rối loạn dạ dày, tôi sẽ đặt chúng vào một cung điện và không sử dụng nó cho bất kỳ thứ gì khác, ngoài những thông tin có liên quan".

"Nó có luôn hiệu quả không? Có bao giờ tâm trí bạn trống rỗng không?" Khi được hỏi câu này, cả hai người đều trả lời "Không".

"Nếu bạn đã đặt một thứ gì đó vào trong cung điện tâm trí, nó sẽ luôn được giữ an toàn", Essen nói.

Một điều khác mà cả hai đồng tình đó là cách để có một trí nhớ phi thường không có gì đặc biệt, ai cũng có thể làm được. Mullen chỉ tập luyện nửa giờ hoặc một giờ mỗi ngày trước cuộc thi thế giới. Essen cũng chỉ tập luyện mỗi ngày một ít, trước khi tăng cường 5 giờ một ngày ngay trước cuộc thi.

Essen đã từ giã các cuộc thi, nhưng vẫn đang hy vọng có thể phá kỷ lục về ghi nhớ số pi vào năm tới. Hiện anh đang ghi nhớ được 10.000 chữ số thập phân và hy vọng vào năm tới có thể tăng lên thành 100.000 chữ số.

Mullen cũng không thể kiếm sống nhờ danh hiệu vô địch.

"Tiền thưởng cũng có nhưng không đủ sống", Mullen nói. "Do đó tôi đã tập trung khả năng của mình để tự giúp mình và những người khác khi học tập ở trường. Tôi làm hết sức để đưa các kỹ thuật ghi nhớ tới những người khác, vì thực sự nó rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Tôi đang cố gắng chỉ cho mọi người thấy cách sử dụng các kỹ thuật ghi nhớ này cho việc học nói chung, chứ không chỉ để dùng trong các cuộc thi. Tôi thích các cuộc thi nhưng tôi nghĩ rằng bạn sẽ thu được nhiều thứ hơn từ các kỹ thuật ghi nhớ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống".

Essen đồng tình với ý kiến này. Nó giống như đi xe đạp, anh nói. Chưa thử thì thấy rất khó và ấn tượng, nhưng chỉ cần luyện tập một chút thì ai cũng đi được.

"Bạn không cần phải trở thành vô địch ghi nhớ thế giới để có một trí nhớ tốt hơn bình thường. Cũng như bạn không cần phải vô địch Tour De France để đi tới cửa hàng nhanh hơn đi bộ".