Trước khi con người thuần hóa được cây trồng, họ đã biết nghiền ngũ cốc để làm các món hầm thịnh soạn và các món ăn giàu tinh bột khác.
Vào một ngày trời quang, từ tàn tích ngôi đền Göbekli Tepe, chúng ta có thể nhìn thấy quang cảnh miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trải dài đến tận biên giới Syria cách đó khoảng 50 km. Với 11.600 năm tuổi, địa điểm khảo cổ trên đỉnh núi này là ngôi đền lâu đời nhất thế giới - cổ kính đến mức có những cây cột và những bức tường bao quanh bằng gốm có niên đại lâu đời nhất ở Trung Đông.
Những người xây dựng nên công trình kiến trúc đồ sộ này đã sống ngay trước một cuộc chuyển giao lớn trong lịch sử loài người: cuộc cách mạng thời kỳ đồ đá mới, khi con người bắt đầu trồng trọt và thuần hóa các loại cây trồng và vật nuôi. Nhưng không có dấu hiệu của ngũ cốc đã được thuần hóa ở Göbekli Tepe, cho thấy cư dân ở đây vẫn chưa thực hiện bước nhảy vọt sang trồng trọt. Những bộ xương động vật phong phú được tìm thấy trong khu di tích chứng tỏ cư dân ở đó là những thợ săn cừ khôi, và là dấu hiệu của những bữa tiệc lớn. Các nhà khảo cổ cho rằng nhóm người săn bắn hái lượm từ khắp nơi trong khu vực đã cùng nhau tổ chức những bữa tiệc nướng khổng lồ, và những bữa tiệc nhiều thịt này là nguồn "năng lượng" để họ xây nên công trình kiến trúc bằng đá ấn tượng.
Ngũ cốc có trong thực đơn trong các bữa tiệc diễn ra cách đây hơn 11.000 năm tại Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những ngôi đền cổ nhất thế giới.
Giờ đây, quan điểm đó đang thay đổi, nhờ các nhà nghiên cứu như Laura Dietrich tại Viện Khảo cổ học Đức, Berlin. Trong 4 năm qua, Dietrich đã phát hiện, nguồn thực phẩm của những người xây dựng công trình kiến trúc cổ đại này không phải thịt, mà là những nồi cháo và món hầm làm từ ngũ cốc mà họ đã xay và chế biến ở quy mô lớn. Các manh mối từ Göbekli Tepe tiết lộ, con người cổ đại sống dựa vào ngũ cốc sớm hơn nhiều so với những giả thuyết trước đây, trước khi những cây này được thuần hóa. Và công việc của Dietrich là một phần trong lĩnh vực khảo cổ đang phát triển nhằm xem xét kỹ hơn vai trò của ngũ cốc và các loại tinh bột khác trong chế độ ăn của con người trong quá khứ.
Các nhà nghiên cứu đang sử dụng một loạt các kỹ thuật - từ việc kiểm tra các dấu vết rất nhỏ trên các công cụ cổ đại cho đến phân tích DNA còn sót lại bên trong các nồi và hũ. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn thử nghiệm tái tạo các bữa ăn của 12.000 năm trước bằng các phương pháp nấu từ thời đó. Nhìn lại xa hơn nữa,
có bằng chứng còn cho thấy một số người đã ăn thực vật có tinh bột từ hơn 100.000 năm trước.
Những khám phá này đã phá vỡ quan điểm lâu đời rằng con người cổ đại chủ yếu sống bằng thịt. (Quan điểm này đến nay vẫn ảnh hưởng đến mức hình thành một chế độ ăn khuyến nghị tránh ngũ cốc và các loại tinh bột khác.)
Công trình mới lấp đầy một lỗ hổng lớn trong sự hiểu biết về các loại thực phẩm tạo nên chế độ ăn cổ đại. Dorian Fuller, nhà khảo cổ học tại University College London, cho biết: “Chúng ta đang tìm ra những bằng chứng quan trọng để xác nhận rằng có một danh mục thực phẩm của người cổ đại chưa được biết đến trước đây".
Khu vườn đá nghiền
Khám phá của Dietrich về các bữa tiệc tại Göbekli Tepe bắt đầu từ ‘khu vườn đá’ của tàn tích này. Đó là cái tên mà các nhà khảo cổ đặt cho một cánh đồng gần đó, nơi để đá bazan, máng đá vôi và những mảnh đá lớn đã được gia công tìm thấy từ tàn tích.
Theo Dietrich, trong quá trình khai quật, bộ sưu tập đá mài lặng lẽ tăng lên. Nhưng "không ai từng nghĩ về chúng", Dieatrich nói. Khi bắt đầu lập danh mục đá vào năm 2016, cô đã rất ngạc nhiên với các con số: khu vườn đá có diện tích bằng một sân bóng, chứa hơn 10.000 hòn đá nghiền và gần 650 đĩa đá chạm khắc và bình chứa, một số bình đủ lớn để chứa tới 200 lít chất lỏng.
Nhà khảo cổ học Laura Dietrich làm việc tại Göbekli Tepe, ghi lại các hoạt động nghiền ngũ cốc có thể đã diễn ra ở đây.
Dietrich nói: “Không có khu định cư nào khác ở vùng Cận Đông có nhiều đá nghiền như vậy, kể cả vào cuối thời kỳ đồ đá mới, khi nền nông nghiệp đã phát triển. Và ở đây có một loạt các chậu đá thuộc đủ loại kích thước. Tại sao lại nhiều vật phẩm đá như vậy?” Dietrich nghi ngờ rằng những vật dụng bằng đá này được dùng vào việc nghiền ngũ cốc để nấu cháo và làm bia. Các nhà khảo cổ từ lâu đã lập luận rằng những chiếc vại đá tại địa điểm này là bằng chứng của việc cư dân thỉnh thoảng uống bia theo nghi lễ tại Göbekli Tepe.
Tìm ra câu trả lời từ các vật dụng bằng đá này không phải là một quá trình đơn giản. Trong khảo cổ học, việc phát hiện bằng chứng về các bữa ăn có thịt dễ dàng hơn nhiều so với các bữa ăn ngũ cốc hoặc các loại thực vật khác. Đó là bởi vì xương của động vật bị giết thịt hóa thạch dễ dàng hơn nhiều so với những gì thừa lại từ một bữa ăn thực vật. Các di tích thực vật cổ đại thường mỏng manh khiến cho ngành cổ thực vật học - nghiên cứu về cách người cổ đại sử dụng thực vật - phức tạp và tốn nhiều thời gian. Các nhà nghiên cứu phải sử dụng sàng, lưới mịn và xô để rửa và tách các mảnh vật chất hữu cơ còn sót lại từ các di chỉ khảo cổ.
Bằng cách xác định và đếm hạt giống cỏ, hạt ngũ cốc và hạt nho lẫn vào đất, các nhà cổ vật học có thể biết được những thực vật gì đã đang phát triển trong khu vực xung quanh khu định cư. Số lượng bất thường của bất kỳ loài thực vật nào cũng sẽ cung cấp bằng chứng về việc những loài thực vật đó có thể đã được sử dụng nhiều và được trồng bởi con người trong quá khứ.
Ví dụ, một số bằng chứng sớm nhất về quá trình thuần hóa thực vật đến từ các hạt lúa mì einkorn (một giống lúa mì cổ đại) thu được từ một địa điểm gần Göbekli Tepe có hình dạng và di truyền khác biệt so với các giống hoang dã. Còn tại Göbekli Tepe, các loại ngũ cốc thu được trông rất hoang dã, cho thấy quá trình thuần hóa chưa diễn ra hoặc đang ở giai đoạn đầu. (Các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng có thể phải mất hàng thế kỷ thuần hóa mới có thể thay đổi hình dạng của các loại ngũ cốc.)
(còn tiếp)
Nguồn: