Nghiên cứu mới tiếp tục khẳng định người Neanderthal không phải những kẻ ăn thịt tàn bạo.

Một nghiên cứu mới về vi khuẩn thu được từ răng của tổ tiên loài người và người Neanderthal cho thấy họ đã ăn rất nhiều rễ cây, quả hạch hoặc các loại thực phẩm giàu tinh bột khác, đến mức tinh bột làm thay đổi đáng kể hệ thống vi khuẩn trong miệng của họ.

Nhà sinh học tiến hóa Rachel Carmody ở Đại học Harvard, người không tham gia nghiên cứu, xem phát hiện này là một bước “đột phá”. Nghiên cứu mới cho thấy tổ tiên của cả con người và người Neanderthal đã nấu rất nhiều thức ăn tinh bột từ ít nhất 600.000 năm trước. Và họ đã thích nghi với việc ăn nhiều thực vật có tinh bột từ rất lâu trước khi phát minh ra nông nghiệp cách đây 10.000 năm, Carmody nói.

Tái hiện bữa ăn của người Neanderthal.

Bộ não của tổ tiên chúng ta và người Neanderthal đã tăng gấp đôi kích thước trong khoảng thời gian từ 2 triệu đến 700.000 năm trước. Giả thuyết từ trước đến nay là: khi con người trở nên giỏi hơn trong việc giết động vật và chế biến thịt, họ có một chế độ ăn uống chất lượng hơn, cung cấp nhiều năng lượng hơn để thúc đẩy sự phát triển não bộ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ bằng cách nào thịt có thể làm tăng sự phát triển bộ não.

“Để tổ tiên loài người phát triển bộ não lớn hơn, họ cần thực phẩm giàu năng lượng có chứa glucose - một loại đường. Thịt không phải là nguồn cung cấp nhiều glucose”, nhà khảo cổ học phân tử Christina Warinner tại Đại học Harvard và Viện Max Planck về Khoa học Lịch sử Nhân loại - cho biết. Những thực vật giàu tinh bột mới là nguồn cung cấp nhiều glucose.

Để tìm hiểu chế độ ăn uống của tổ tiên loài người và người Neanderthal, Warinner và các cộng sự đã xem xét vi khuẩn miệng dính trên răng của người Neanderthal, người hiện đại tiền nông nghiệp sống hơn 10.000 năm trước, tinh tinh, khỉ đột và khỉ hú. Nhóm nghiên cứu đã phân tích hàng tỷ đoạn DNA của vi khuẩn đã chết từ lâu vẫn còn được lưu giữ trên răng của 124 cá thể. Một cá thể trong số đó là người Neanderthal sống cách đây 100.000 năm tại Hang động Pešturina, Serbia.

Hệ thống vi khuẩn trong miệng của loài người tiền nông nghiệp và người Neanderthal rất giống nhau, nhóm nghiên cứu báo cáo trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Đặc biệt, tổ tiên loài người và người Neanderthal cùng có một nhóm vi khuẩn Streptococcus trong miệng. Vi khuẩn này có nhiệm vụ liên kết với enzyme amylase trong nước bọt, giúp giải phóng đường khỏi thực phẩm giàu tinh bột. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc vi khuẩn liên cầu khuẩn tiêu thụ đường xuất hiện trên răng của người Neanderthal và người hiện đại, chứ không xuất hiện ở tinh tinh, cho thấy người Neanderthal và người hiện đại đã chuyển sang chế độ ăn nhiều tinh bột hơn trong thời kỳ phát triển bộ não.

Ngoài ra, điều này còn cho thấy cả hai nhóm thừa hưởng những vi khuẩn Streptococcus từ tổ tiên chung, sống cách đây hơn 600.000 năm. Mặc dù các nghiên cứu trước đó đã tìm thấy bằng chứng về việc người Neanderthal ăn cỏ, củ và nấu chín lúa mạch, nhưng nghiên cứu mới chỉ ra rằng họ ăn nhiều tinh bột đến mức làm thay đổi đáng kể thành phần của hệ vi sinh vật trong miệng.

“Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của tinh bột từ rất sớm trong lịch sử”, khi não người vẫn còn đang phát triển vì enzyme amylase tiêu hóa thức ăn chín hiệu quả hơn nhiều so với tinh bột thô - theo Warinner. Phát hiện này cũng cho thấy việc nấu nướng cũng đã phổ biến từ cách đây 600.000 năm, Carmody nói.

Nguồn: