Nhiều người tin rằng nghịch cảnh có nhiều tác động tích cực đến cuộc sống của chúng ta, khiến chúng ta mạnh mẽ và kiên cường hơn. Nhưng thực tế cuộc sống cho thấy điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Có một quan niệm phổ biến cho rằng, việc trải nghiệm một bi kịch là tốt cho sự phát triển cá nhân của bạn. Bạn sẽ có một đánh giá mới về cuộc sống. Bạn sẽ biết ơn bạn bè và gia đình. Bạn sẽ học hỏi từ trải nghiệm và trở nên kiên cường hơn.

Chủ đề này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hết lần này đến lần khác, sau các thảm họa thiên nhiên và những vụ tấn công khủng bố.

Nhưng khoa học nói gì về vấn đề này. Liệu những nỗi đau có thực sự giúp con người học hỏi và phát triển? Nhà triết học người Đức Frederich Nietzsche từng có một câu nói nổi tiếng: “Điều gì không giết chết được chúng ta sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn”.

Trưởng thành sau chấn thương tâm lý

Vào giữa những năm 1990, hai nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun phát hiện nhiều người sau khi trải qua mất mát hoặc đau thương sẽ cảm thấy trân trọng cuộc sống hơn, trở nên gắn kết với những người xung quanh, nghị lực, luôn giữ vững tinh thần và tràn đầy cảm hứng. Họ gọi hiện tượng này là “sự trưởng thành sau chấn thương tâm lý(PTG)”.

Đây là một phát hiện hấp dẫn. Nó cho thấy những sự kiện tiêu cực thường gắn liền với một điều gì đó hữu ích, tốt đẹp hơn. Điều này cũng phù hợp với chủ đề cứu rỗi trong Kinh thánh, theo đó tất cả những nỗi khổ và đau đớn cuối cùng sẽ dẫn đến sự tự do và an lạc trong tâm hồn.

Phát hiện của Tedeschi và Calhoun cũng giúp chúng ta hiểu được giá trị cuộc sống. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng chúng ta thích kể lại cuộc đời mình dưới góc độ những thách thức mà chúng ta từng đối mặt và trở ngại mà chúng ta đã vượt qua. Chúng ta tin tưởng những điều tốt đẹp có thể xuất hiện từ một sự kiện tồi tệ, bởi vì nó thường là yếu tố chính trong những câu chuyện chúng ta kể về cuộc đời mình.

Những hạn chế trong các nghiên cứu

Câu chuyện về “sự trưởng thành từ nghịch cảnh” nghe có vẻ hấp dẫn. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện có về chủ đề này đều có một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, việc thu thập dữ liệu về con người ở thời điểm trước và sau khi họ trải qua sự kiện đau buồn là rất khó khăn. Ví dụ, không có cách nào để biết ai sẽ mất nhà trước khi cơn bão xảy ra.

Vì lý do trên, hầu hết các nghiên cứu liên quan đến sự trưởng thành sau chấn thương tâm lýđều yêu cầu mọi người tự ước tính xem họ đã thay đổi bao nhiêu do hậu quả của sang chấn tinh thần. Mặc dù đây có vẻ là một cách hợp lý để đánh giá sự phát triển của cá nhân – bạn có thể đặt câu hỏi này cho một người bạn hoặc thậm chí là chính mình – nhưng có những vấn đề nghiêm trọng đối với cách tiếp cận này.

Các nhà nghiên cứu phát hiện con người không giỏi trong việc ghi nhớ chính xác họ như thế nào trước một sự kiện đau buồn. Những người tham gia có thể nói rằng họ đã trưởng thành hơn từ sự kiện này, mặc dù họ thực sự vẫn đang gặp khó khăn.

Việc nói với người khác rằng bạn đã trưởng thành có thể thực chất chỉ là một cách để đối phó với nỗi đau bạn vẫn đang trải qua. Văn hóa phương Tây không cho phép mọi người có quá nhiều thời gian để đau buồn. Họ luôn kỳ vọng sẽ vượt qua mọi khó khăn và tiếp tục tiến về phía trước.

Áp lực đó thậm chí còn biểu lộ trong các bài kiểm tra đánh giá. Các nhà khoa học khi nghiên cứu về chấn thương tâm lý có xu hướng chỉ hỏi về những thay đổi tích cực. Ví dụ, liệu những người trải qua nghịch cảnh có cái nhìn tích cực hơn về mọi khía cạnh trong cuộc sống? Họ đã theo đuổi những mục tiêu mới hoặc trở nên sùng đạo hơn hay không?

Những kỳ vọng về sự phục hồi và cải thiện bản thân được đưa vào nội dung các câu hỏi. Trong một số trường hợp khác, mọi người báo cáo rằng họ trở nên mạnh mẽ hơn bởi vì họ phủ nhận những nỗi đau mà họ đang trải qua.

Một số nghiên cứu về chủ đề “trưởng thành từ nghịch cảnh” đã phát hiện, mức độ mọi người tin rằng họ đã thay đổi sau trải nghiệm đau buồn không liên quan đến mức độ họ thực sự thay đổi theo thời gian. Trên thực tế, những người báo cáo đã trải qua sự phát triển cá nhân nhiều nhất sau thảm kịch nhiều khả năng vẫn đang gặp phải các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và trầm cảm.

Nghịch cảnh không phải lúc nào cũng khiến bạn mạnh mẽ hơn

Xét theo nhiều khía cạnh, thật khó để chấp nhận hoàn toàn ý tưởng cho rằng sự phát triển và khả năng thích ứng với những biến cố của mỗi cá nhân là kết quả điển hình sau khi họ trải qua nghịch cảnh.

Hãy suy nghĩ về những điều mà ý tưởng này truyền đạt: Sự đau khổ là tốt về lâu dài, và những người đã trải qua chấn thương thì mạnh mẽ hơn những người chưa từng trải qua.

Nhưng vượt qua bi kịch không phải là điều dễ dàng. Đôi khi, chấn thương tâm lý phát sinh từ một số nghịch cảnh – chẳng hạn như cái chết của con cái hoặc người bạn đời – không bao giờ biến mất hoàn toàn.

Nhiều người chia sẻ rằng họ đã phải sống chật vật, vất vả như thế nào sau khi trải qua nỗi đau mất người thân nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau đó. Nếu “điều gì không giết chết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn” là đúng, thì những người này có thể bị coi là “yếu đuối” hoặc có điều gì đó “không ổn” với họ.

Sau đây là những gì chúng ta biết từ các nghiên cứu khoa học tốt nhất từng được thực hiện: Mọi người thực sự có thể trưởng thành từ nghịch cảnh. Họ có thể trở nên mạnh mẽ hơn, cải thiện chất lượng các mối quan hệ và nâng cao lòng tự trọng. Nhưng nó có lẽ không xảy ra thường xuyên như hầu hết mọi người và một số nhà nghiên cứu tin tưởng.

Hơn nữa, không phải tất cả mọi người sẽ phát triển theo cùng một cách và cùng một tốc độ. Mỗi cá nhân sẽ tiếp tục cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và cộng đồng sau khi họ trải qua một sự kiện đau buồn. Các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định một người nào đó có trở nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn sau bi kịch hay không.

Hơn nữa, sự trưởng thành sau chấn thương tâm lýcũng không nên được coi là một mục tiêu cho tất cả mọi người. Đối với nhiều người, họ chỉ cần quay trở lại trạng thái tinh thần trước khi trải qua mất mát và đau thương đã là một mục tiêu đủ lớn.

Những câu chuyện về sự trưởng thành bắt nguồn từ nghịch cảnh chắc hẳn rất mạnh mẽ. Chúng có thể là nguồn cảm hứng cho cuộc sống của chính chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm để nhận biết những câu chuyện như vậy là phổ biến hay trường hợp ngoại lệ.